Lãi suất cho vay cao, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm đơn hàng vì không đủ chi phí sản xuất.

Lãi suất cho vay cao, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm đơn hàng vì không đủ chi phí sản xuất.

Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn không dám vay

Nguồn tài chính chủ yếu của doanh nghiệp là: Huy động vốn từ bạn bè, đối tác làm ăn nhờ vào uy tín cá nhân; hoặc gia đình đứng ra mượn nợ người thân, những mối quan hệ quen biết.

"Đến khi những nguồn vốn đó cạn thì phải cắt giảm hoặc hủy hợp đồng đơn hàng. Với mức lãi suất cho vay các ngân hàng áp dụng như hiện nay, không doanh nghiệp nào dám tiếp cận vốn vay, dù là vay tiền để ổn định sản xuất hay mở rộng hoạt động kinh doanh", ông Lê Đức Tân, Giám đốc Công ty may xuất khẩu quận 12, TP. HCM khẳng định.

 

Theo ông Tân, dù lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm thấp thêm 1-2% nữa thì các doanh nghiệp vẫn không dám "rớ" vào vì sợ "bỏng tay". Lợi nhuận từ các hợp đồng ký được nhiều nhất cũng chỉ khoảng 10%. Thậm chí, có những đơn hàng chỉ lời 3-4%. Với lãi suất 16-18%, doanh nghiệp càng vay nhiều, nguy cơ thua lỗ càng cao.

 

Không dám mạo hiểm vay vốn ngân hàng, ông Tân phải huy động các nguồn khác, chủ yếu là từ nội lực của bản thân, gia đình và dùng uy tín doanh nghiệp để chạy số tiền 500 triệu đồng cho việc mua nguyên phụ liệu, trả tiền thuê nhân công. "Vất vả hơn nhiều nhưng như vậy an toàn hơn", ông Tân cho biết.

 

Giám đốc Công ty gia công xuất khẩu đồ gỗ thủ công quận Tân Bình, TP HCM, ông Hà Ngọc Tài cho biết: Lâu nay vốn là "khách hàng thân thiết" của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), các khoản vay trước giờ đều dựa vào đây. Nhưng từ khi lãi suất ngân hàng tăng đột biến, doanh nghiệp phải tìm lối thoát khác.

 

Vừa qua, Sacombank hạ mức lãi suất cho vay xuống khoảng 1% mỗi năm, đối với tất cả các kỳ hạn. Các ngân hàng khác như Nam Á, Eximbank, Đông Á, ACB... cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay xuống 1-2%. Tuy nhiên, công ty này đã bỏ hẳn ý định đi vay, vì lãi suất như vậy vẫn còn quá cao so với khả năng của doanh nghiệp. Ông Tài cho biết thêm, các nguồn vốn huy động hiện đã cạn, công ty không còn cách nào khác phải cắt giảm đơn hàng.

 

Một khách hàng ở Singapore đặt Công ty gia công 100.000 sản phẩm mỹ nghệ. Sau khi cân nhắc lãi suất vay của 700 triệu đồng sau 3 tháng sẽ đội lên thêm hơn 30 triệu đồng, ông Tài quyết định chỉ nhận gia công 50.000 sản phẩm. Theo đó, công ty sẽ phải chấp nhận mức giá gia công chỉ bằng 75% so với hợp đồng gia công trọn gói lô hàng. Lợi nhuận giảm sút, nhưng đảm bảo an toàn nguồn tài chính cho hoạt động kinh doanh công ty.

 

Ông Nguyễn Văn Dậu, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đạt Minh Thịnh cho rằng, lãi suất cho vay giảm về 14-15%/năm, các doanh nghiệp may ra có thể kham nổi. Còn mức lãi suất 17-18% mà các ngân hàng áp dụng hiện nay chỉ có các doanh nghiệp làm dịch vụ, kinh doanh địa ốc mới dám vay.

 

"Doanh nghiệp vay tiền ngân hàng phải thận trọng cân nhắc. Cần thiết phải vay sản xuất thì nên, còn vay để phát triển kinh doanh trong lúc này là rất nguy hiểm", ông Dậu nhận định.

Theo Vnexpress

>>Siêu lãi suất