Lãi suất huy động tăng nhẹ

Lãi suất huy động tăng nhẹ

(ĐTCK-online) Để giữ chân người gửi tiền khi hợp đồng đáo hạn, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, lãi suất huy động chỉ tăng nhẹ, chủ yếu ở những ngân hàng áp dụng lãi suất thấp hơn mặt bằng chung.

Eximbank vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,54%/năm đối với VND, thêm 0,5 - 0,72%/năm đối với USD, tùy từng kỳ hạn. Mức lãi suất huy động VND cao nhất của Eximbank hiện nay là 18,84%/năm, trong khi lãi suất cho vay tối đa là 20%/năm, thấp hơn 1% so với mức trần mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định.

Ngày 24/7, HDBank tăng lãi suất huy động VND và vàng tại hầu hết các kỳ hạn gửi. Mức lãi suất huy động vàng được HDBank điều chỉnh tăng thêm nhiều nhất là 0,8%/năm. Lãi suất huy động vàng kỳ hạn 3 tháng đạt 6,3%/năm, 6 tháng là 6,8%/năm và 12 tháng là 7,2%/năm. Lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng của HDBank hiện là 18,4%/năm, 2 tháng là 18,5%/năm, 3 tháng là 18,6%/năm và 12 tháng là 18,4%/năm. Bên cạnh đó, từ ngày 1/8, HDBank sẽ chính thức tung ra 2 sản phẩm tiết kiệm mới là tài khoản linh hoạt và tài khoản lãi suất lũy tiến.

Cũng từ ngày 1/8, Sacombank chính thức triển khai sản phẩm "Tiết kiệm linh hoạt". Đây là loại hình tiền gửi tiết kiệm cho phép khách hàng được rút tiền gốc nhiều lần với lãi suất cao, linh hoạt theo từng lần rút, nhưng vẫn được bảo lưu lãi suất ban đầu cho số vốn chưa rút. Nếu số tiền rút có thời gian thực gửi từ 7 ngày đến 3/4 kỳ hạn gửi, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất 70 - 98% lãi suất ban đầu. Trường hợp số tiền rút có thời gian thực gửi dưới 7 ngày thì lãi suất được tính theo lãi suất không kỳ hạn.

Ngày 28/7, ACB tung ra chương trình "Gửi tiết kiệm lãi suất thả nổi" dành cho khách hàng tham gia gửi tiết kiệm với mức gửi tối thiểu 5 triệu đồng. Đây là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tự điều chỉnh vào đầu mỗi kỳ lĩnh lãi (1 - 6 tháng). Khách hàng được rút vốn trước hạn, nhưng vẫn hưởng lãi suất thực nhận hấp dẫn. Cụ thể, khi rút trước hạn, khách hàng không phải trả lại số tiền lãi đã nhận tại các kỳ lĩnh lãi trước đó, mà còn được nhận thêm lãi suất không kỳ hạn cho khoảng thời gian gửi không tròn kỳ. Đặc biệt, bên cạnh số tiền lãi, tại ngày đáo hạn, ACB tặng thêm cho khách hàng 0,12% trên số vốn gốc ban đầu.

Việc một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động đã đi ngược với dự báo trước đó của nhiều người là lãi suất huy động sẽ giảm dần theo diễn biến tích cực của lạm phát. Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 chỉ tăng 1,13% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm.

Theo ông Tai Hu, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered, không nhiều thì ít, quyết định tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ tác động đến lạm phát. Do đó, NHNN chưa thể cắt giảm lãi suất cơ bản trong ngắn hạn. Điều này cũng có nghĩa, lãi suất đầu vào của các ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao.

"Quyết định đưa giá xăng dầu trong nước sát hơn với giá thế giới của Chính phủ Việt Nam là một bước đi đúng đắn. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng NHNN sẽ tăng cường chính sách thắt chặt tiền tệ. Cuộc chiến kiềm chế sự phát triển nóng của nền kinh tế vẫn chưa tới hồi kết, bởi vậy theo chúng tôi, lúc này còn quá sớm để đề cập tới việc cắt giảm lãi suất cơ bản. Việc giảm lãi suất cơ bản trong lúc này không chỉ quá sớm, mà còn tạo thêm áp lực đối với tâm lý trên thị trường", ông Tai Hu nói.