ACB vẫn duy trì mục tiêu lợi nhuận 2.500 tỷ đồng như kế hoạch đề ra đầu năm.

ACB vẫn duy trì mục tiêu lợi nhuận 2.500 tỷ đồng như kế hoạch đề ra đầu năm.

Lợi nhuận ngân hàng: Đích tới còn xa

(ĐTCK-online) Lợi nhuận ngân hàng (NH) 3 quý đầu năm là bao nhiêu đang là câu hỏi khó với rất nhiều cổ đông. Ngay từ cuối quý II, khác với thông lệ hàng năm, rất nhiều NH đã giữ kín con số lợi nhuận của mình. Chính vì vậy, đến thời điểm này, việc tìm hiểu kết quả kinh doanh của các NH lại càng khó khăn hơn. Chỉ còn một vài đơn vị lớn công bố kết quả của mình, tuy vẫn khả quan nhưng vẫn ở tình trạng cố gắng đạt kế hoạch.

Tác động chủ yếu đến kết quả lợi nhuận của các NH là mảng tín dụng đang có những hạn chế, mặc dù đây vẫn là lĩnh vực mang lại lợi nhuận chủ yếu. Hiện tăng trưởng tín dụng của nhiều NH đã chạm ngưỡng cho phép (30%) và đang dần hạn chế cho vay ra, chỉ ưu tiên vốn cho những khách hàng cũ có khả năng trả nợ cao và năng lực tài chính mạnh. Mặt khác, lãi suất đầu ra cao cũng khiến khách hàng e ngại trong quá trình tiếp cận vốn vay. 

Kết thúc 8 tháng đầu năm, DongA Bank thu về 440 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, so với kế hoạch cả năm là 740 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc thường trực DongA Bank, khả năng để đạt được mục tiêu lợi nhuận như kế hoạch đề ra là có thể, vì 440 tỷ đồng lợi nhuận trên là của riêng DongA Bank. Còn kế hoạch 740 tỷ đồng cả năm là cộng gộp từ các công ty trực thuộc Ngân hàng nên hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu.

Mặt khác, theo bà Vân, trong tổng thu nhập lợi nhuận của DongA Bank 8 tháng đầu năm, chênh lệch lợi nhuận thu về giữa lãi suất huy động và cho vay là không đáng kể mà chủ yếu từ nguồn thu của mảng dịch vụ tài chính - NH. Có nghĩa, trong chiến lược phát triển, DongA Bank không hoàn toàn dựa vào tín dụng mà hướng sắp tới là phát triển mạnh mảng dịch vụ. Bà Vân cho biết, ước tính nguồn thu từ mảng dịch vụ (Kiều hối, thanh toán quốc tế…) đã đóng góp gần 60% tổng lợi nhuận thu về của Ngân hàng trong 8 tháng đầu năm.

Trong khối ngân hàng, Eximbank là một trường hợp “đặc biệt” bởi tốc độ gia tăng lợi nhuận. Tính đến ngày 31/8 tổng lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 982 tỷ đồng tăng 157% so cùng kỳ với năm 2007; tổng tài sản của ngân hàng đạt 48.130 tỷ đồng tăng 82%. 

Theo giới ngân hàng thì Eximbank có một lợi thế lớn là nguồn vốn thặng dư cổ phần phát hành cho đối tác chiến lược năm ngoái lớn. Nguồn vốn này đóng góp một tỷ lệ đáng kể vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng năm nay.

Trước diễn biến của thị trường và nhằm giảm áp lực về lợi nhuận khi hoạt động của ngành gặp nhiều khó khăn, Sacombank đã mạnh dạn xin ý kiến cổ đông để điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2008 từ 2.000 tỷ đồng xuống còn 1.500 tỷ đồng. Kết thúc hoạt động 8 tháng đầu năm, Sacombank thu về 940 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hiện Sacombank vẫn tiếp tục đẩy mạnh vốn đầu ra thông qua các chương trình tín dụng cho vay xuất nhập khẩu, với lãi suất thấp hơn mức trần quy định của NHNN. Đồng thời, Ngân hàng còn hỗ trợ các nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán, với hạn mức 300 tỷ đồng và tiếp tục cung ứng vốn cho các khách hàng có nhu cầu sử dụng vào các mục đích khác trên cơ sở kiểm soát chặt của ban điều hành.

Tuy nhiên, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng cho biết, lãi suất cho vay hiện nay chưa thể giảm sâu nên khách hàng không dám vay. Nhưng với mục tiêu lợi nhuận sau khi điều chỉnh còn 1.500 tỷ đồng, Sacombank kỳ vọng sẽ hoàn tất kế hoạch này. 

Hiện một số NH cổ phần khác cũng đã điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận, bởi những yếu tố trên. Chẳng hạn như VP Bank đã điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận từ mức trên 500 tỷ đồng theo kế hoạch đầu năm xuống còn khoảng 300 tỷ đồng. Mặc dù thị trường đã ổn định, hoạt động ngành NH giảm bớt khó khăn, nhưng so với mục tiêu lợi nhuận đề ra đầu năm, nhiều NH cho biết, khả năng đạt được sẽ không còn dễ dàng như năm trước. 

Trong 2 tháng trở lại đây do chi phí huy động vốn đầu vào tăng cao, trong khi lãi suất đầu ra phải khống chế dưới mức trần cho phép nên nhiều NH đã cắt giảm tăng trưởng dư nợ cho vay, nhằm hạn chế những khoản vay không sinh lời. Chẳng hạn như ACB, DongA Bank do tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã chạm ngưỡng 30% buộc các đơn vị này phải chọn lọc kỹ hơn khách hàng trong việc cung ứng vốn. Tuy nhiên, với ACB vẫn duy trì mục tiêu lợi nhuận 2.500 tỷ đồng như kế hoạch đề ra đầu năm bằng cách tìm kiếm nguồn vốn đầu vào giá rẻ, đồng thời đẩy mạnh nguồn thu từ mảng dịch vụ tài chính.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM nhận định, khó có thể tránh được việc nhiều NH phải cắt giảm chỉ tiêu lợi nhuận như kế hoạch đề ra đầu năm. Trên thực tế, trong những tháng gần đây tăng trưởng tín dụng như huy động vốn tại các NH có dấu hiệu chững lại; khách hàng không dám vay vốn, vì lãi suất đầu ra vẫn ở mức cao; nhiều NH có chủ trương kiểm soát chặt vốn đầu ra và đẩy nhanh thu hồi nợ, tránh thua lỗ.