Luật Doanh nghiệp qua ý kiến các luật sư

Luật Doanh nghiệp qua ý kiến các luật sư

(ĐTCK) Tiếp theo 5 bài viết về những bất cập của Luật Doanh nghiệp 2005, trong số này, Đầu tư Chứng khoán xin nêu tiếp một số bất cập khác từ góc nhìn của các luật sư và xin tạm khép lại chủ đề này ở đây.

> Bài 5: Luật Doanh nghiệp làm khó cả cơ quan tố tụng

> Bài 4: Đừng để quyền tự do kinh doanh bị xiêu vẹo

> Bài 3: Cần sửa “tỷ lệ vàng” trong quản trị CTCP

> Bài 2: Cổ đông nhỏ và những điều luật bất khả thi

> Bài 1: Thành lập DN: Đăng ký, hay là “xin”?

“Không nên sử dụng cụm từ ‘trái pháp luật”

Luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty tư vấn KAC

Luật Doanh nghiệp qua ý kiến các luật sư ảnh 1

 

Khoản 14, Điều 4, Luật DN quy định, người đại diện theo ủy quyền của công ty là cá nhân được thành viên, cổ đông là tổ chức của Công ty TNHH, CTCP ủy quyền bằng văn bản thực hiện các quyền của mình tại công ty theo quy định của Luật này. Như vậy, cổ đông là cá nhân trong CTCP thì không được phép ủy quyền cho người khác. Điều 143.1 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về người đại diện theo ủy quyền: "Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự". Tại sao Luật DN 2005 lại không quy định cho cá nhân được quyền ủy quyền cho người khác làm đại diện? Cần bổ sung quy định cho phép cổ đông cá nhân ủy quyền bằng văn bản thực hiện các quyền của mình.

Một vấn đề cần được quy định rõ ràng là khái niệm trái pháp luật. Theo Khoản 16, Điều 22, Luật DN thì thành viên, cổ đông được thỏa thuận, nhưng không được trái với quy định của pháp luật. Điều 16, Hiến pháp 1992 đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết 51/2001/QH10 quy định: "Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm". Rõ ràng, hai văn bản này không thống nhất với nhau vì khái niệm trái pháp luật và pháp luật cấm là khác nhau hoàn toàn. Luật không quy định thế nào là trái pháp luật, nên nếu tiếp tục dùng cụm từ này thì sẽ gây khó khăn cho DN khi thực thi luật này. Vì vậy, không nên sử dụng cụm từ “trái pháp luật”.

Bên cạnh đó, Điều 30 Luật DN có quy định về việc định giá tài sản, tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn việc định giá cụ thể đối với một số tài sản được sử dụng vào việc góp vốn đặc thù như quyền sở hữu trí tuệ (Điều 5, Nghị định 102/2010/NĐ-CP). Quả thật, việc định giá những giá trị vô hình là rất khó khăn, ai sẽ là người định giá và ai là người chấp nhận giá đó, giá đó sẽ tồn tại trong bao lâu? Cần bổ sung quy định hướng dẫn việc định giá tài sản đối với những tài sản góp vốn như uy tín và quyền sở hữu trí tuệ, tài năng.

 

“Các quy định về góp vốn không có chế tài đủ mạnh”

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng

 

Luật Doanh nghiệp qua ý kiến các luật sư ảnh 2

Từ thực tiễn tham gia tư vấn, tham gia tranh tụng đối với các tranh chấp kinh doanh thương mại, tôi cho là vấn đề nóng đối với DN hiện nay là các quy định về góp vốn không có chế tài đủ mạnh để đảm bảo các chủ thể pháp nhân thực hiện đúng.

Theo Điều 4.6 Luật DN 2005 thì vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty. Điều 6.4 Nghị định 102/2010/NĐ-CP lại quy định: "Vốn điều lệ của CTCP là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành. Số cổ phần đã phát hành là số cổ phần mà các cổ đông đã thanh toán đủ cho công ty. Tại thời điểm đăng ký thành lập DN, vốn điều lệ của CTCP là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần do cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty; số cổ phần này phải được thanh toán đủ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh".

Tuy nhiên, nhiều DN không tuân thủ quy định này. Có trường hợp các cổ đông không góp đủ vốn cam kết, nhưng sau đó cũng không điều chỉnh giảm vốn hoặc kêu gọi cổ đông khác góp thay. Có trường hợp, DN ghi nhận số vốn góp nhiều hơn số vốn thực góp của cổ đông. Khi đối tác tìm hiểu thông tin về DN thì thấy, DN có vốn lớn cùng với một số điều kiện khác nên giao kết hợp đồng. Khi hợp đồng có tranh chấp dẫn đến kiện tụng ra Tòa án, dù bản án đã có hiệu lực, song việc thi hành án lại không thể thực hiện. Nguyên nhân có thể là do các chủ thể đã tìm cách tẩu tán tài sản để trốn tránh trách nhiệm thanh toán, có thể là do pháp nhân không đủ tài sản để thi hành án bởi cổ đông chưa góp đủ vốn. Tất nhiên, để xảy ra tình trạng “án tuyên trên giấy”, một phần là do các quy định về thi hành án trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Nhưng các quy định về vốn điều lệ, vốn góp trong Luật DN cũng cần phải sửa đổi để buộc pháp nhân phải thực hiện nghiêm túc việc cam kết góp vốn.

 

“Chưa có sự thống nhất trong các văn bản pháp luật”

Luật sư Trương Thanh Đức

 
Sau gần 7 năm có hiệu lực thi hành, có nhiều vấn đề Luật đã không quy định rõ ràng, dẫn đến bị DN “cố tình” hiểu sai. Chẳng hạn, Khoản 3, Điều 93 quy định, HĐQT phải lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Tuy nhiên, thực tế, các DN đang hiểu thành danh sách trả cổ tức chỉ cần lập trước ngày trả tiền 1 tháng là được, còn thời điểm trả thì bao giờ cũng được. 

Ngoài ra, về việc biểu quyết bầu thành viên HĐQT, thành viên BKS theo phương thức dồn phiếu. Nghị định 102/2010/NĐ-CP vẫn không làm rõ rằng, việc trúng cử không căn cứ vào tỷ lệ phiếu bầu mà căn cứ vào số lượng phiếu bầu, tức là người nào được phiếu bầu cao nhất sẽ trúng cử. Thực tế hiện nay, các công ty và toà án vẫn tính theo 65% số phiếu bầu.

Bên cạnh đó, còn thiếu sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Điều 149 quy định tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế và tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân nhưng hiện có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước có tư cách pháp nhân. Chẳng hạn, Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm Bảo Việt không có tư cách pháp nhân, nhưng công ty mẹ trong tập đoàn này cũng được gọi là tập đoàn lại có tư cách pháp nhân, đó là Tập đoàn Bảo Việt.

 

“Cần loại bỏ sự trùng lắp với Luật DN ở các luật chuyên ngành”

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Chứng khoán – Ngân hàng – Đầu tư (Basico)

 
Tôi cho là cần thực hiện đúng cơ chế đăng ký kinh doanh, hạn chế cấp giấy phép, hạn chế xin cho. các ngành đòi hỏi kinh doanh phải có điều kiện thì cần làm rõ các điều kiện đó là gì trong các văn bản pháp luật. Người nào đáp ứng đủ các điều kiện đó thì làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Việc thành lập, quản lý, tổ chức DN chỉ nên quy định duy nhất trong Luật DN.
Luật DN điều chỉnh quá trình thành lập, tổ chức, quản lý và giải thể DN còn luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động có liên quan đến chuyên ngành đó, vì nhiều chuyên ngành có đặc thù phải có luật điều chỉnh riêng. Nhưng hiện có quá nhiều luật điều chỉnh DN như Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bất động sản..., dẫn đến tình trạng loạn về cơ chế quản lý. Khi sửa đổi, bổ sung Luật DN, về lâu dài, cần đặt ra yêu cầu nên có một nơi duy nhất quản lý việc thành lập, tổ chức DN, các luật chuyên ngành chỉ quy định về các hoạt động đặc thù trong chuyên ngành. Hiện luật chuyên ngành có nhiều quy định giống y hệt Luật DN về việc thành lập DN, quy định về HĐQT, ĐHCĐ...