Sự chênh lệch kết quả lợi nhuận thục sự là một rủi ro cho nhà đầu tư.

Sự chênh lệch kết quả lợi nhuận thục sự là một rủi ro cho nhà đầu tư.

Minh bạch, nhìn từ việc trích lập dự phòng

(ĐTCK) Báo cáo kết quả lợi nhuận doanh nghiệp công bố chênh lệch với kết quả kiểm toán ở một số công ty như KDC, NKD, STB, NTL, SJS… khiến nhà đầu tư thực sự “thót tim” vào thời điểm khoản chênh lệch lợi nhuận được công bố, nhất là ở công ty có chênh lệch lớn đến mức kết quả kinh doanh từ có lãi chuyển sang lỗ (như KDC, NVC, MPC). Giải pháp nào để nhà đầu tư có thể đánh giá đúng tổn thất của các khoản đầu tư tài chính của doanh nghiệp để từ đó định giá đúng giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp đó cho mỗi quyết định đầu tư?

Ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst&Young cho biết, nguyên tắc cơ bản lập báo cáo tài chính là trách nhiệm của DN. Việc trích lập dự phòng như thế nào là tùy theo tính toán của doanh nghiệp về tổn thất của một khoản đầu tư tại thời điểm lập báo cáo tài chính nếu có. Do đó, doanh nghiệp phải là người chủ động đưa ra phương pháp đánh giá lại giá trị khoản đầu tư để trích lập dự phòng.

Nếu kiểm toán không chấp nhận thì đưa ra các câu hỏi. Căn cứ trên câu trả lời của doanh nghiệp, kiểm toán sẽ chấp nhận hay không chấp nhận phương pháp đánh giá tổn thất của doanh nghiệp là hợp lý. “Chúng tôi không đưa ra một phương pháp chuẩn, mà mỗi khách hàng lựa chọn một phương pháp định giá phù hợp cho từng khoản đầu tư phù hợp trên nguyên tắc phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu đầu tư. Hơn ai hết, doanh nghiệp hiểu rõ vì sao họ chọn phương pháp định giá này, mà không chọn phương pháp kia”, ông Cường nhấn mạnh.

Trên thực tế, ở những doanh nghiệp có chênh lệch lớn giữa kết quả lợi nhuận doanh nghiệp công bố và kết quả kiểm toán là do sự khác biệt về sử dụng phương pháp trích lập dự phòng đối với các cổ phiếu OTC. Chẳng hạn, doanh nghiệp sử dụng phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, còn kiểm toán sử dụng phương pháp bình quân giá thị trường hoặc so sánh với cổ phiếu niêm yết tương đương. Như vậy, sự chênh lệch lớn về lợi nhuận trước và sau kiểm toán chủ yếu là do phương pháp định giá cổ phiếu mà doanh nghiệp lựa chọn không được kiểm toán chấp nhận là hợp lý, nên công ty kiểm toán đã định giá lại theo phương pháp mà họ cho là hợp lý hơn.

Sự chênh lệch kết quả lợi nhuận thực sự là một rủi ro cho nhà đầu tư. Theo ông Cường, giữa công ty kiểm toán và doanh nghiệp nên có sự thống nhất về phương pháp định giá để tránh  sai lệch kết quả quá lớn. Cho dù DN có giải trình hợp lý về quả sai lệch thì vẫn ảnh hưởng nhất định đến thị trường.

Theo khảo sát của ĐTCK tại một số quỹ đầu tư, phương pháp định giá với từng loại cổ phiếu OTC rất rõ ràng. Cách định giá thông thường là lấy giá giao dịch bình quân của 3 công ty chứng khoán độc lập. Giá giao dịch đó không quá 3 tháng so với thời điểm định giá. Trường hợp cổ phiếu đó 6 tháng không có giao dịch thì có thể lấy giá gốc, nếu giá gốc đầu tư không quá một năm so với thời điểm định giá… Có quỹ đầu tư đề nghị công ty xem xét tính hợp lý của phương pháp định giá cổ phiếu với từng khoản đầu tư trước khi sử dụng. Những giải pháp kỹ thuật này nhằm mục đích không để sai lệch lớn giữa kết quả lợi nhuận công bố hàng quý và kết quả kiểm toán, gây mất uy tín của quỹ với cổ đông. Trường hợp khoản đầu tư mang tính chất là đầu tư góp vốn thì doanh nghiệp có thể không cần trích lập dự phòng nếu công ty nhận vốn đầu tư lỗ theo kế hoạch.

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP. HCM nhận xét, mỗi công ty kiểm toán có những mô hình định giá khác nhau, mà khi lựa chọn một công ty kiểm toán nào thì doanh nghiệp chấp nhận theo mô hình của công ty đó. Về lâu dài, khi cơ quan quản lý yêu cầu các công ty sau khi IPO đều phải đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết thì việc định giá cổ phiếu chưa niêm yết sẽ rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, theo ông Chí, trong thời gian chờ đợi sàn UPCoM hoạt động và thu hút được đông đảo DN tham gia thì câu chuyện trích lập dự phòng cổ phiếu OTC vẫn có sự khác biệt giữa công ty kiểm toán và khách hàng. Ở những công ty kiểm toán uy tín có nguyên tắc nhất định, nhưng ở những công ty kiểm toán khác thì phương pháp định giá có thể khác nhau và tùy thuộc vào việc các nhóm kiểm toán viên trong cùng công ty sử dụng phương pháp nào, các trọng số để tính toán ra sao. Chẳng hạn, với phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, nếu trọng số là tỷ lệ cổ tức khác nhau, tương ứng với kỳ vọng doanh nghiệp tăng trưởng ở mức trung bình hay tăng trưởng thấp, thì kết quả định giá sẽ khác nhau.

Vì thế, ông Chí cho rằng, giải pháp tốt nhất là minh bạch thông tin để nhà đầu tư có thể tự định giá tổn thất với từng khoản đầu tư tài chính của doanh nghiệp.

Trên TTCK hiện nay, SAM được đánh giá là công ty hoàn toàn minh bạch các khoản đầu tư của mình, nên mức độ chiết khấu thông tin vào giá cổ phiếu SAM khi thị trường tăng hay giảm đều rất mạnh. Còn đối với KDC, nhà đầu tư thật khó tìm thấy thông tin về những khoản đầu tư tài chính của công ty này. Quỹ đầu tư Prudential công bố khoản đầu tư trọng yếu chiếm tỷ lệ lớn nhất trong danh mục, nhưng nhiều tổ chức đầu tư khác lại không công bố…

Theo kiến nghị của một số công ty chứng khoán, Bộ Tài chính cần có quy định cụ thể hơn về công bố thông tin liên quan đến các khoản đầu tư tài chính của doanh nghiệp; doanh nghiệp nào cần phải công khai toàn bộ khoản đầu tư tài chính, doanh nghiệp nào chỉ cần công khai một số khoản đầu tư lớn. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất mở rộng hoạt động sang đầu tư tài chính thời gian qua cần công khai danh mục đã đầu tư của mình, tránh để tình trạng có doanh nghiệp công khai, có doanh nghiệp giấu nhẹm như hiện nay.