Mua cổ phiếu quỹ: Khôn - dại tuỳ tay!

Mua cổ phiếu quỹ: Khôn - dại tuỳ tay!

(ĐTCK-online) Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) cập nhật đến ngày 16/6, tổng khối lượng cổ phiếu quỹ mà doanh nghiệp niêm yết đăng ký mua vào là 28.770.000 cổ phiếu. Quyết định mua cổ phiếu quỹ là bài toán về quản trị tài chính của doanh nghiệp. Các cổ đông cần hiểu rõ vấn đề này để đánh giá quyết định của ban lãnh đạo làm lợi hay hại cho công ty.

Trào lưu khi thị trường xuống

Sau khi hoàn tất mua 300.000 cổ phiếu quỹ vào ngày 16/5, CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) vừa đăng ký mua thêm 200.000 cổ phiếu quỹ đến ngày 26/8. Ông Nguyễn Khắc Sơn, phụ trách Ban Quan hệ nhà đầu tư (IR) của TDH cho biết, vốn khả dụng của TDH hiện nay khoảng 250 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 182 tỷ đồng năm 2008 chắc chắn khả thi, do các sản phẩm của TDH trong năm nay và năm tới là nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và khá, địa ốc phục vụ thương mại nên ít bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của thị trường bất động sản. Hầu hết sản phẩm nằm trong kế hoạch bán hàng năm 2008 của TDH đã được khách hàng ký hợp đồng mua hết. Điều đó có nghĩa là dòng tiền của TDH trong năm 2008 là lành mạnh.

"TDH dự đoán tình hình khó khăn của TTCK kéo dài không quá 1 năm, nên đầu tư cổ phiếu quỹ thời điểm này hoàn toàn phù hợp với chu kỳ của thị trường, vì cổ phiếu quỹ chỉ được bán ra sau 6 tháng. Chúng tôi đã có kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu quỹ khi chi khoảng 42 tỷ đồng mua 640.000 cổ phiếu quỹ trước khi lên niêm yết và một năm sau bán ra thu về trên 120 tỷ đồng, lãi gần 80 tỷ đồng", ông Sơn cho biết. Lần này, nếu mua thêm 200.000 cổ phiếu quỹ với giá dao động từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng/cổ phiếu, TDH sẽ chi khoảng 12 đến14 tỷ đồng.

Một trường hợp khác là CTCP Văn hóa Tân Bình (ALT) đăng ký mua thêm 200.000 cổ phiếu nữa, sau khi hoàn tất mua gần 120.000 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Đại diện Công ty cho biết, giá cổ phiếu ALT chỉ còn bằng một nửa so với giá tính theo giá trị sổ sách hơn 50.000 đồng/cổ phiếu. Công ty dự định dành khoảng 6 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ, số tiền này khá nhỏ so với nguồn thặng dư vốn hơn 100 tỷ đồng của ALT.

Trường hợp Tổng công ty Phân đạm và Hóa chất dầu khí (DPM) đã kéo dài thời gian mua 1 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ được Công ty lý giải rằng, thị trường có nhiều biến động, giá cổ phiếu không có lợi cho Công ty và cổ đông nếu mua vào ngay. Ngoài ra, vốn bằng tiền của Công ty được huy động vào nhập khẩu phân bón đáp ứng nhu cầu mùa vụ. Theo đăng ký ban đầu, DPM sẽ mua hết 1 triệu cổ phiếu từ ngày 14/3 đến ngày 11/6, tuy nhiên, Công ty mới mua 600.000 cổ phiếu, số còn lại được đăng ký mua tiếp từ ngày 19/6 đến ngày 9/9/2008 bằng nguồn lợi nhuận để lại, tính đến ngày 31/12/2007.

Đến thời điểm 16/6, trên HOSE, doanh nghiệp đăng ký mua lại cổ phiếu nhiều nhất là VIC với 7,9 triệu cổ phiếu từ ngày 1/4 đến 1/7/2008, thứ hai là SSI đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu quỹ đến ngày 16/7, tiếp theo là các đơn vị như VIP, TPC, PET, HTV, HAP, DPM, ANV đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu quỹ…

 

Từ lợi ích…

Nhiều cổ đông mới chỉ hiểu lợi ích của việc doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ trong thời gian qua là cứu giá cổ phiếu, tạo tính thanh khoản trên thị trường. Tuy nhiên, bản chất mua cổ phiếu quỹ là hình thức giảm vốn chủ sở hữu, trả lại tiền cho các cổ đông. Cổ đông nào muốn thu hồi vốn đầu tư có thể bán cổ phiếu đang sở hữu.

Xét trên mục tiêu cơ bản mua cổ phiếu quỹ là đầu tư tài chính, ngoài lợi nhuận sau khi doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ, thì mua cổ phiếu quỹ lợi hơn đầu tư chứng khoán khác là "lãi" (như khoản lãi 80 tỷ đồng của TDH nói trên) không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, được gộp luôn vào vốn chủ sở hữu. Thêm vào đó, công ty không phải chia cổ tức cho lượng cổ phiếu quỹ. Tất nhiên, giống như các hoạt động đầu tư tài chính khác, mua cổ phiếu quỹ chỉ đem lại lợi nhuận khi các đơn vị này chọn đúng thời điểm để đầu tư.

Ở một góc độ khác, ông Lê Đạt Chí, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường  đại học Kinh tế TP. HCM lưu ý, doanh nghiệp chỉ nên mua cổ phiếu khi có tiền nhàn rỗi, thiếu vắng cơ hội đầu tư hoặc chờ giải ngân dự án đầu tư. Khi mua lại, giá cổ phiếu phải thấp hơn giá trị nội tại doanh nghiệp.

 

… đến nguy cơ

Giám đốc điều hành Công ty quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital, ông Dominic Scriven nói: "Ép giá cổ phiếu lên khi thị trường xuống là cực kỳ khó. Liên quan đến điều này, Dragon Capital không ủng hộ mua lại cổ phiếu quỹ, đặc biệt khi nguồn vốn trong xã hội cạn kiệt mà chưa biết xu hướng sắp tới sẽ đi về đâu". Ông nêu quan điểm: "Doanh nghiệp niêm yết nên dành thời gian cân đối các con số kế hoạch, dự báo kỳ vọng lợi nhuận năm nay. Không chỉ trích lập dự phòng đầy đủ, mà cần  dự báo giá nguyên liệu, bán sản phẩm có đủ tiền chi trả khoản nợ không… Tôi không bi quan, nhưng các doanh nghiệp nên rà soát lại các con số".

Đây cũng chính là lý do nhiều chuyên gia tài chính khác khuyến cáo doanh nghiệp phải thận trọng khi quyết định mua lại cổ phiếu quỹ. Tại thời điểm đăng ký mua, doanh nghiệp có thể có nguồn vốn nhàn rỗi, nhưng từ nay đến cuối năm, nguy cơ rủi ro về tài chính như không thu được các khoản nợ đến hạn, rủi ro thanh khoản có thể xảy ra. Khi đó, mua cổ phiếu quỹ sẽ làm suy yếu khả năng thanh toán và trả nợ của công ty.

Qua nghiên cứu đánh giá báo cáo tài chính của công ty niêm yết, ông Chí cảnh báo về hiện tượng dòng tiền hoạt động trong năm 2007 suy giảm so với năm 2006, trong khi đó, dòng tiền đầu tư lại gia tăng (trong đó chủ yếu là đầu tư tài chính). Báo cáo quý I/2008 cho thấy, dòng tiền hoạt động tiếp tục sụt giảm, nguy cơ này có thể tiếp tục trong quý II. "Vì thế, nếu có hiện tượng doanh nghiệp ồ ạt đăng ký mua lại cổ phiếu quỹ thì chứng tỏ đó không phải là dòng tiền thực sự nhàn rỗi", ông Chí đánh giá.

Mặt khác, các quy định hiện nay mới chỉ yêu cầu doanh nghiệp chứng minh nguồn vốn được sử dụng, mà chưa bắt buộc doanh nghiệp chứng minh có tiền nhàn rỗi để mua cổ phiếu quỹ.  Trong khi đó, nguồn vốn chỉ là quyết toán trên sổ sách mà thôi.

 

Ứng xử của cổ đông

Trong lúc TTCK xuống dốc, rất nhiều cổ đông lên tiếng đòi ban lãnh đạo phải mua vào cổ phiếu quỹ, thậm chí coi đó như là hành động cần phải có để bảo vệ cổ đông nhỏ. Đây là đánh giá không hợp lý. Nếu ban lãnh đạo mua cổ phiếu quỹ chỉ vì mục tiêu này thì đó là quyết định sai lầm. Nhiều lãnh đạo công ty đã thẳng thắn từ chối yêu cầu này và coi việc gia tăng lợi nhuận, đảm bảo tăng trưởng cho doanh nghiệp mới là cái gốc để giữ giá chứng khoán.

Trên thực tế, sau khi đăng ký mua cổ phiếu quỹ cách đây ba bốn tháng, một vài công ty đã nhìn nhận lại thị trường đang diễn biến xấu cho hoạt động kinh doanh là lãi suất tăng cao, TTCK tiếp tục rơi xuống đáy mới, rất bất lợi nếu mua cổ phiếu quỹ ngay. Trong trường hợp này, ban lãnh đạo công ty có thể thay đổi kế hoạch mua cổ phiếu quỹ để giữ được cái "gốc" của sự tăng giá cổ phiếu bền vững như đã nói ở trên.

Còn theo một số chuyên gia, việc dừng mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp trong bối cạnh hiện nay có thể làm nhà đầu tư thất vọng, nhưng đó có thể là quyết định đúng đắn vì lợi ích của công ty và cổ đông. Không có câu trả lời chung nào cho quyết định mua cổ phiếu quỹ hay không của các công ty niêm yết. Nhà đầu tư nên đánh giá lợi hay hại khi công ty mua phiếu quỹ  vào thời điểm này một cách thông minh, không cảm tính, dựa trên phân tích báo cáo tài chính của công ty và chất vấn ban lãnh đạo doanh nghiệp.