NĐT tại CTCK Thiên Việt: Bỗng dưng mang nợ… 3,2 tỷ đồng?

NĐT tại CTCK Thiên Việt: Bỗng dưng mang nợ… 3,2 tỷ đồng?

(ĐTCK-online) 3 NĐT vừa có đơn gửi Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an tố cáo ông T, một môi giới của CTCK Thiên Việt (TVS) đã thực hiện các hành vi nằm ngoài phạm vi mà NĐT uỷ quyền cho ông T thực hiện giao dịch chứng khoán như tự ý sử dụng tài khoản của NĐT thế chấp để vay tiền giao dịch chứng khoán, thao túng giá cổ phiếu, khiến họ… bỗng dưng bị mang nợ 3,2 tỷ đồng.

Theo đơn tố cáo của 3 NĐT: Trần Thị Thiện, Lê Thị Bích Thuỷ và Nguyễn Thị Kim Loan mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại TVS, họ đã ký giấy uỷ quyền cho ông T thực hiện 6 dịch vụ giao dịch bao gồm: đặt lệnh giao dịch, nhận báo cáo giao dịch; sử dụng dịch vụ tạm ứng tiền bán chứng khoán; sử dụng dịch vụ chậm nộp tiền T+2; lưu ký chứng khoán; chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của chủ tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản giao dịch chứng khoán được chỉ định tại TVS.

Tuy nhiên, theo các nguyên đơn, ông T không thực hiện đúng theo nhiệm vụ được uỷ quyền, mà đã tự ý dùng tài khoản chứng khoán của họ để vay tiền tại TVS, sau đó ông T thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu, đặt lệnh bán chứng khoán từ tài khoản của cá nhân và gia đình ông T, đồng thời dùng tài khoản của 3 NĐT để đặt mua lại số chứng khoán mà chính ông T đã đặt lệnh bán với giá rất cao, nhằm thu lợi, gây thiệt hại nặng nề cho NĐT.

Cũng theo NĐT, TVS đã giải quyết cho ông T vay trên tài khoản của 3 NĐT và tự tiện nắm giữ số chứng khoán trong tài khoản của NĐT để thế chấp, mặc dù NĐT không uỷ quyền và không ký tên vào hồ sơ vay 3,2 tỷ đồng (phát sinh trong phiên giao dịch ngày 29/9/2010). Nhiều lần ông T và TVS đã gửi hợp đồng vay yêu cầu NĐT ký để hợp thức hoá hồ sơ, nhưng theo NĐT, do họ không vay nên không đồng ý ký. Bởi vậy, ông T đã thông báo: TVS sẽ bán tháo cổ phiếu CTCP Xi măng Cần Thơ (CCM) trong tài khoản của 3 NĐT để trừ nợ.

Lý giải về nội dung tố cáo ông T lạm dụng tài khoản của NĐT khi làm việc với ĐTCK ngày 6/10, ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc TVS khẳng định: ông T là người được 3 NĐT uỷ quyền quản lý tài khoản, cũng như được phép thực hiện các giao dịch trên tài khoản của NĐT. Những việc ông T thực hiện trên tài khoản của NĐT là dựa trên các nội dung được thể hiện trong giấy uỷ quyền mà 3 NĐT đã ký với ông T ngày 5/5/2010.

Theo ông Giang, ông T không tự ý sử dụng tài khoản của NĐT để vay tiền TVS. Khi ông T thực hiện mua cổ phiếu theo uỷ quyền của NĐT trong phiên giao dịch ngày 29/9 và sử dụng dịch vụ chậm nộp tiền T+2, với số tiền mà NĐT nợ TVS là 3,2 tỷ đồng, thì sau đó không hiểu sao NĐT không chấp nhận giao dịch này, nên thoái thác nghĩa vụ trả nợ. Bởi vậy, TVS không còn cách nào khác là phải cho NĐT vay bắt buộc (ông Giang cho biết, tổng cộng 3 NĐT trên còn nợ TVS hơn 8 tỷ đồng).

Tuy nhiên, NĐT không cho là như vậy, bởi nội dung uỷ quyền cho ông T giao dịch chứng khoán hàm ý: chỉ khi chủ tài khoản đồng ý mua mã nào, với giá bao nhiêu và có đồng ý sử dụng dịch vụ chậm nộp tiền T+2, thì người uỷ quyền mới được phép giao dịch. Thế nhưng, trong phiên giao dịch ngày 29/9, ông T đã tự ý tiến hành một số giao dịch mà không được NĐT uỷ quyền, trong đó có sử dụng dịch vụ chậm nộp tiền T+2, khiến NĐT rất bất ngờ khi TVS yêu cầu họ ký hồ sơ vay 3,2 tỷ đồng.

Vụ việc đã bị đẩy sang một hướng khác khi các nguyên đơn cho rằng, do giấy uỷ quyền mà họ ký với TVS không ghi ngày tháng ký, cũng không có chữ ký của người đại diện pháp luật TVS và không đóng dấu, nên giấy uỷ quyền không có giá trị pháp lý. Điều này, theo các nguyên đơn, càng có bằng chứng để khẳng định ông T đã lạm dụng tài khoản của NĐT, khiến họ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Đáng chú ý là sau khi xem xét lại các chứng từ liên quan, Giám đốc TVS thừa nhận, do sơ suất, nên trong giấy uỷ quyền mà 3 NĐT ký với ông T không ghi ngày tháng ký, cũng không có chữ ký của người đại diện pháp luật TVS và không đóng dấu. Tuy nhiên, ông Giang khẳng định, lỗi này chỉ xảy ra đối với bản mà khách hàng giữ, còn bản lưu tại Công ty đều có ghi ngày tháng, Giám đốc TVS đã ký tên, đóng dấu (!?).

Về tố cáo nhân viên TVS thao túng giá cổ phiếu, ông Giang cho biết, theo giải trình của ông T thì không có chuyện thao túng giá cổ phiếu, bởi các giao dịch thực hiện theo uỷ quyền của NĐT đều được khớp lệnh, thanh toán bù trừ đa phương, nên không thể “mua tay nọ bán tay kia”. Nếu muốn cáo buộc ông T có hành vi thao túng giá cổ phiếu, NĐT hãy chứng minh bằng các chứng từ, hồ sơ có liên quan.

Theo một chuyên gia của UBCK, cũng giống như nhiều CTCK khác, việc TVS cho phép nhân viên môi giới nhận uỷ quyền của NĐT để sử dụng dịch vụ chậm nộp tiền T+2… là nằm ngoài các quy định của pháp luật. Chính điều này đã gây rủi ro cho cả hai phía, dẫn đến phát sinh tranh chấp giữa NĐT với TVS, mà mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình. Ai đúng, ai sai trong sự việc này vẫn là một câu hỏi ngỏ và không biết đến khi nào mới có thể phân xử được trong bối cảnh quy định pháp lý điều tiết các mối quan hệ trên TTCK còn nhiều khoảng trống như hiện nay.