Nếu đương sự cố tình "chây ỳ"

Nếu đương sự cố tình "chây ỳ"

(ĐTCK) Ngày 18/1, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán ô tô giữa nguyên đơn Công ty TNHH Trang Anh (Tuy Phước, Bình Định) và bị đơn CTCP Ô tô chuyên dùng và thương mại Dầu khí Thăng Long.

Nếu đương sự cố tình "chây ỳ"  ảnh 1Bán hàng, nhưng không có hàng để giao, vẫn chưa rõ tội hình sự hay dân sự

 

Trước đó, vụ án này đã được TAND quận Thanh Xuân xét xử sơ thẩm. Theo bản án, tháng 10/2011, Trang Anh ký hợp đồng mua 2 xe ô tô với CTCP Thăng Long, đơn giá 1,2 tỷ đồng/xe. Bên mua ứng trước 480 triệu đồng cho bên bán, chậm nhất sau 40 ngày phải giao xe (ngày 22/12/2011). Đến hạn, bên CTCP Thăng Long không giao được xe, Trang Anh đã gia hạn đến ngày 30/3/2012, nhưng Thăng Long vẫn không thực hiện được nghĩa vụ theo hợp đồng.

Tại Biên bản lấy lời khai, bị đơn thừa nhận có việc mua bán như nguyên đơn trình bày và đã nhận được toàn bộ số tiền 480 triệu đồng tạm ứng. Bên cạnh đó, theo thỏa thuận về thanh toán thì việc thanh toán chia làm 3 đợt, đợt 1 là tạm ứng 480 triệu đồng, đợt 2 thanh toán 60% giá trị hợp đồng khi nhận xe, đợt 3 thanh toán 20% còn lại khi nhận đủ giấy tờ xe, giấy tờ hợp lệ. Nhưng do không có vốn nhập hàng, Công ty Thăng Long yêu cầu Công ty Trang Anh lên cửa khẩu Lạng Sơn xem xe và đề nghị phía Công ty Trang Anh chuyển tiền đợt 2 trước, để Công ty Thăng Long nhập hàng. Phía Công ty Trang Anh không đồng ý. Do đó, phía Công ty Thăng Long cho biết, phải chờ đến khi vay được vốn ngân hàng thì Công ty Thăng Long mới nhập xe về và giao cho Công ty Trang Anh. Phía Công ty Trang Anh không chấp nhận nên đã khởi kiện. Phiên tòa sơ thẩm đã khép lại với bản án buộc Công ty Thăng Long hoàn trả 480 triệu đồng cho Công ty Trang Anh.

Sau phiên tòa sơ thẩm, cả nguyên đơn và bị đơn đều không kháng cáo, nhưng Viện KSND quận Thanh Xuân kháng nghị bản án do có sơ sót về thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, xét thấy điều này không ảnh hưởng đến nội dung vụ án, Viện KSND TP Hà Nội đã rút kháng nghị. HĐXX tuyên bố giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Một vụ án thuộc loại tranh chấp phổ biến, tranh chấp hợp đồng, với số tiền không lớn nay đã khép lại. Tuy nhiên, những dư âm sau vụ án lại không đơn giản. Bên lề phiên tòa, đại diện cho Công ty Trang Anh cho hay, bản án sơ thẩm đã bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn, nhưng có thu hồi được tài sản hay không lại là việc khác, bởi trong vụ án này bên mua đã thể hiện thái độ coi thường pháp luật khi vắng mặt không lý do ở nhiều lần triệu tập đến Tòa cũng như tại cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm. Khả năng để lấy lại được khoản tiền này thông qua thi hành án là rất thấp nếu DN phải thi hành án, phải trả tài sản chỉ còn vỏ rỗng, tài khoản không có tiền, trụ sở đi thuê… Mặc dù chủ DN có thể có tiền, có biệt thự, xe đẹp song đó là tài sản cá nhân, Luật Doanh nghiệp quy định Công ty TNHH chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn góp.

Những tình tiết của vụ án này còn khiến người ta đặt vấn đề liệu đây là trách nhiệm hình sự hay dân sự khi một DN bán hàng, nhận tiền đặt cọc, nhưng không có hàng để giao. Một chuyên gia ngành tố tụng cho biết, nếu bên bán hàng không có chức năng kinh doanh sản phẩm này, tức là trong đăng ký kinh doanh của DN không có ngành nghề này thì vụ việc có dấu hiệu hình sự và cần chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ. Tuy nhiên, trong đăng ký kinh doanh Công ty Thăng Long có ngành nghề ô tô, do đó dù vụ việc có nghi vấn về dấu hiệu hình sự không đủ căn cứ để tiến hành điều tra.

Luật sư Vũ Đình Vinh đánh giá, đây là một kẽ hở mà những DN kinh doanh không đàng hoàng có thể lợi dụng. “Tôi đã nhận vài vụ án tương tự khi bên bán bán hàng hứa hẹn sẽ có hàng và yêu cầu tiền tạm ứng nhưng sau đó hoàn toàn không có hàng để giao. Tuy nhiên, chứng minh bên bán cố ý sử dụng thủ đoạn này để lấy tài sản của bên mua rất khó khăn. Bên bán không bỏ trốn cũng không thể chứng minh bên bán đã lạm dụng số tiền tạm ứng, sử dụng vào việc khác. Do đó không thể xem xét trách nhiệm hình sự. Trong khi tài sản của bên bán hầu như không có gì nên họ cố tình chây ỳ”, luật sư Vinh nói.