Nghị định quản lý vàng: Cần đứng về phía người dân

Nghị định quản lý vàng: Cần đứng về phía người dân

(ĐTCK-online) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng xong Dự thảo nghị định mới về hoạt động kinh doanh vàng và đang lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, ngân hàng, doanh nghiệp và dự kiến Dự thảo sẽ được trình Thủ tướng ký ban hành trong quý II/2011.

Dưới đây là một số ý kiến đóng góp nhằm đưa hoạt động vàng đi vào quy củ mà vẫn tôn trọng quyền mua, bán, tích trữ vàng chính đáng của người dân.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn

Nghị định quản lý vàng: Cần đứng về phía người dân ảnh 1

Trước mắt, hoạt động xuất, nhập khẩu vàng cần tập trung cho những DN có khả năng tài chính, có kinh nghiệm và có mạng lưới sản xuất - kinh doanh đủ điều kiện để bình ổn thị trường với hạn mức được cấp phù hợp với nhu cầu của thị trường và khả năng cân đối ngoại tệ của DN đó. Nên tránh tình trạng cấp hạn nghạch nhập khẩu vàng trong thời gian quá ngắn vì sẽ dẫn tới tình trạng thu gom USD, gây căng thẳng cho thị trường ngoại tệ, đồng thời gây bất lợi cho DN vì không có điều kiện để chọn giá nhập khẩu thích hợp, từ đó không phát huy được vai trò bình ổn giá.

Trong trung và dài hạn, khi nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiềm chế không nên hạn chế xuất, nhập khẩu vàng, mà chỉ điều tiết thông qua chính sách thuế. Thuế nhập khẩu vàng hiện hành của Việt Nam ở mức 0%, có thể tăng lên 0,5% để đóng góp thêm cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thuế xuất khẩu vàng ở mức 10% là quá cao, vì tỷ suất lợi nhuận của kinh doanh vàng không thể vượt quá 1%. Chính phủ nên giảm thuế xuất khẩu vàng xuống 0% như trước đây, hoặc có thể chỉ ở mức tối đa 0,5% là hợp lý, vì các quốc gia trong khu vực đều duy trì thuế xuất khẩu vàng ở mức 0%.

Một hoạt động cũng rất quan trọng là kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Đây là hoạt động rất hữu hiệu giúp các NHTM và DN kinh doanh vàng có thể cân đối được trạng thái vàng ở trong nước và nước ngoài, nhằm phòng ngừa rủi ro do biến động giá vàng thông qua các công cụ phái sinh (kỳ hạn, quyền chọn, hoán đổi…), mà không nhất thiết phải thực hiện xuất, nhập khẩu vàng.

Với nghiệp vụ này, DN sẽ tiết kiệm được ngoại tệ trong kinh doanh, vì theo thông lệ quốc tế, chỉ cần ký quỹ khoảng 7%, chứ không cần bỏ ra 100% lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng như hiện nay. Vì vậy, xem xét cấp phép trở lại song song với xây dựng quy chế chặt chẽ đối với hoạt động này là rất cần thiết để bảo đảm an toàn cho hoạt động kinh doanh vàng của các NHTM và DN. Tuy nhiên, việc cho phép mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài cũng chỉ nên giới hạn đối với các DN có thị phần kinh doanh lớn, có đủ kinh nghiệm và chuyên gia thực hiện nghiệp vụ.

 

Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng ACB

Nghị định quản lý vàng: Cần đứng về phía người dân ảnh 2

Trong thời gian tới, việc hạn chế huy động vàng với lộ trình hai năm được xem là bước tiếp theo của Thông tư 22. Tuy nhiên, Chính phủ cần cân nhắc mọi yếu tố để tránh sự thay đổi môi trường pháp lý. Bởi nhờ có huy động vàng mà ít nhất NHNN cũng có số liệu tương đối về tình hình trữ lượng vàng tại các NHTM và có cơ sở đo lường được vàng trong dân là bao nhiêu để biết, quản lý và khai thác. Nếu Chính phủ hạn chế huy động vàng, ngân hàng cũng không cần huy động, trả lại vàng cho dân và người dân rút vàng ra cũng chẳng biết làm gì với lượng vàng tiết kiệm này. Để vàng ở nhà không những không sinh lợi, mà còn ẩn chứa nhiều rủi ro khác. Do vậy, rất có khả năng phát sinh ra những hợp đồng vay mượn dân sự giống như sự kiện nước hoa Thanh Hương ngày trước. Xóa bỏ đầu cơ vàng là cần thiết, nhưng các nhà quản lý cần tính toán kỹ và lường trước những tác động bất lợi đến xã hội trong việc hạn chế và tiến tới xóa bỏ huy động vàng.

Rõ ràng, dự trữ vàng trong dân có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và vấn đề là làm sao Việt Nam nối kết được số vàng này với nền kinh tế của mình. Đặc biệt, Việt Nam đang hội nhập với kinh tế thế giới qua các tổ chức đa phương như ASEAN, APEC, WTO… mà thách thức của một nền kinh tế tri thức theo xu hướng hội nhập sâu rộng là tìm giải pháp để quản lý chứ không nên tìm giải pháp để không quản lý. Tôi tin Việt Nam thừa sức quản lý vàng và thị trường vàng nếu chúng ta có quyết tâm.

Để chấn chỉnh những lộn xộn, bất hợp lý trên thị trường vàng, cần tổ chức một mô hình giao dịch vàng tập trung, trực thuộc Sở giao dịch hàng hóa quốc gia. Sở giao dịch này là một "tòa kiến trúc" tối tân nhất trong một nền kinh tế thị trường, có quy mô giao dịch lớn, trong đó có nhiều mặt hàng mua bán như cà phê, ca cao, gạo và vàng là một sản phẩm trong đó. Sở giao dịch này đáp ứng được quy luật cung cầu của thị trường và nhu cầu đầu tư của xã hội, đi theo xu hướng phục vụ lợi ích của xã hội và phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế thế giới. Điều quan trọng nhất là mỗi chính sách về quản lý vàng phải có tính liên tục, kế thừa những chính sách đã xây dựng trong quá khứ để tạo niềm tin vững chắc trong xã hội.

 

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam

Nghị định quản lý vàng: Cần đứng về phía người dân ảnh 3

Nghị định sắp tới về quản lý vàng không những phải đáp ứng được yêu cầu trước mắt là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, mà còn phải định hướng được lâu dài cho thị trường vàng Việt Nam phát triển theo chiều hướng hội nhập với thị trường vàng quốc tế. Bên cạnh đó, Nghị định không được trái với những gì mà Hiến pháp và Pháp lệnh về ngoại hối đã xác lập, đó là công nhận quyền sở hữu hợp pháp vàng (kể cả ngoại tệ) của người dân. Do vậy, cơ chế quản lý cũng phải tạo điều kiện cho các hoạt động đó được thực hiện một cách bình thường theo cơ chế thị trường. Đồng thời, Nghị định không thể để xảy ra tình trạng độc quyền trong mua bán, kinh doanh và làm lợi cho một hay một nhóm DN, kể cả DN nhà nước hay DN tư nhân. Nếu không, nền kinh tế nước ta sẽ dễ bị các DN này lũng đoạn và chi phối, dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước và gây thiệt hại cho người dân.

Từ khi vàng miếng xuất hiện ở Việt Nam, người dân rất ưa chuộng, tin tưởng khi mua, bán, cất giữ vàng bởi chất lượng, trọng lượng và uy tín thương hiệu. Nếu căn cứ vào thực tế trên và tâm lý chuộng vàng của người dân, nhất là khi lạm phát cao, việc xóa bỏ vàng miếng sẽ dễ gây ra tác động xấu trong xã hội và rất dễ dẫn đến những biến tướng không lành mạnh của thị trường, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế. Do đó, Nghị định phải làm sao kiểm soát được cung và cầu phù hợp với quy luật của thị trường, chứ không nên lạm dụng các biện pháp hành chính.

Đặc biệt, cần phải đưa ra những điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất kim hoàn của Việt Nam để theo kịp với các nước khác trong khu vực, từ đó mới phát huy được sức sáng tạo của đội ngũ thợ kim hoàn Việt Nam, đồng thời kết hợp được công nghệ hiện đại, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và thẩm mỹ cao có thể xuất khẩu, thu ngoại tệ cho đất nước.

 

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam

Nghị định quản lý vàng: Cần đứng về phía người dân ảnh 4

Trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng cao và kéo dài, người dân không dễ từ bỏ nhu cầu tích trữ vàng. Nếu cấm kinh doanh vàng miếng, người dân sẽ mua vàng dưới dạng trang sức hoặc đồ vật khác... và thực thế không làm giảm lượng vàng nguyên liệu để chế tác ra các sản phẩm vàng so với chế tác vàng miếng. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, gây tốn kém cho xã hội, khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm, gây thiệt thòi cho người dân. Nếu chỉ cho phép người dân bán nhưng không được mua vàng miếng thì kỳ vọng người dân bán vàng cho NHNN sẽ không cao. Đồng thời, nếu xử lý chính sách không đồng bộ thì có thể làm gia tăng áp lực lạm phát. Hơn nữa, các thương hiệu vàng miếng của Việt Nam đã và đang được giao dịch tại phần lớn các thị trường trong khu vực như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào… Nếu cấm kinh doanh vàng miếng sẽ làm giảm uy tín thương hiệu quốc gia về vàng miếng của Việt Nam trên thị trường quốc tế, kết quả phấn đấu của các DN kinh doanh vàng trong hàng chục năm qua.

Trong thời gian qua, các chủ thể kinh doanh vàng miếng ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể. Do vậy, cần quản lý chặt để giảm bớt sự lưu thông, ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ. Giảm bớt số lượng cửa hàng được mua bán vàng miếng xuống còn 1/10 và do NHNN quản lý. Để tránh tạo ra cú sốc cho thị trường và ảnh hưởng tới tâm lý của người dân, trước mắt không nên cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh vàng miếng, mà nên quy định điều kiện kinh doanh vàng miếng để góp phần giảm bớt các cửa hàng, hộ kinh doanh vàng cá thể. Theo tôi, các DN được phép kinh doanh vàng miếng cần đáp ứng một số điều kiện sau đây: Giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, vốn pháp định tối thiểu 30 tỷ VND, doanh thu trong 2 năm gần nhất là 500 tỷ VND trở lên.