ACB tăng vốn chủ yếu từ nguồn dự trữ bổ sung tăng vốn và nguồn thặng dư vốn cổ phần.

ACB tăng vốn chủ yếu từ nguồn dự trữ bổ sung tăng vốn và nguồn thặng dư vốn cổ phần.

Nhiều ngân hàng hoãn kế hoạch tăng vốn

(ĐTCK-online) Cùng với thông báo chốt danh sách chia cổ tức năm 2007 ở mức 15%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) còn xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng năm 2008. Cụ thể, Sacombank hủy kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (20%/vốn điều lệ hiện hữu là 4.449 tỷ đồng), hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cán bộ cốt cán (3 triệu cổ phiếu), hủy kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài (trên 1,285 triệu cổ phiếu). Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 6.048 tỷ đồng của Sacombank đã được thông qua trong kỳ họp ĐHCĐ thường niên giữa tháng 3/2007.

Mặc dù vẫn có một số ngân hàng cố gắng thực hiện việc tăng vốn điều lệ như cam kết với cổ đông, nhưng thực tế thị trường đang cho thấy, không chỉ Sacombank mà rất nhiều ngân hàng khác đang phải thay đổi lại kế hoạch của mình.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank cho rằng, trong bối cảnh thị trường vốn diễn biến phức tạp, nếu phát hành thêm cổ phiếu chưa hẳn đã thành công. Theo lý giải của ông Huy, chính lúc này Ngân hàng phải tăng cường năng lực nội tại. Thế nhưng, với chủ trương kiểm soát chặt nguồn cung trên thị trường vốn, cộng với biện pháp thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc Sacombank phải hoãn kế hoạch trên.

Cũng theo ông Huy, với việc khống chế tăng trưởng tín dụng không vượt quá 30%, năm 2008 sẽ là năm khó khăn cho các ngân hàng trong việc phát triển thị phần tín dụng. Nếu tăng thêm vốn điều lệ, nhưng thị phần tín dụng hẹp dần thì nguồn vốn tăng thêm sẽ khó đạt được hiệu quả cao.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ của một số ngân hàng quy mô nhỏ hiện chưa cho biết lộ trình thực hiện cũng vì lý do trên. Mặt khác, do giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm mạnh khiến nhiều nhà băng e ngại đối với việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn, cho dù phát hành với giá ưu đãi. Thậm chí, giá cổ phiếu phát hành thêm của một số ngân hàng chỉ bằng mệnh giá, nhưng nhiều nhà băng vẫn lo ngại khó hoàn tất được kế hoạch tăng vốn, vì tính hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng giảm dần. 

Với kế hoạch tăng vốn từ 1.600 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng trong năm nay, DongA Bank mới được chấp thuận tăng thêm 240 tỷ đồng từ nguồn vốn thặng dư của năm trước, đưa vốn điều lệ lên 1.840 tỷ đồng. Phần còn lại được phát hành không cho cổ đông hiện hữu, dự kiến thực hiện trong tháng 12/2008, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào diễn biến của thị trường vốn cũng như tiền tệ.

Hiện giá cổ phiếu DongA Bank đang giao dịch trên thị trường OTC khoảng 26.000 - 27.000 đồng/CP. Nhà đầu tư cũ và mới đang ngóng chờ 65% (tương đương 104 triệu cổ phần) được Ngân hàng phát hành thông qua hình thức "cho không".

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng vừa nhận được công văn chấp thuận tăng vốn điều lệ của NHNN. Theo đó, vốn điều lệ mới của ACB sẽ tăng từ 2.630 tỷ đồng lên trên 5.800 tỷ đồng. Khoản tăng thêm là 3.175 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn dự trữ bổ sung tăng vốn và nguồn thặng dư của ACB năm trước để lại.

Thực tế này cho thấy, kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng được chấp thuận chủ yếu rơi vào trường hợp có nguồn vốn sẵn từ năm trước để lại. Riêng với kế hoạch phát hành thêm, giá ưu đãi sẽ khó được triển khai vì kém hấp dẫn nhà đầu tư. Chẳng hạn, giá cổ phiếu STB đang giao dịch xấp xỉ 30.000 đồng/CP, trong khi giá phát hành mới là 15.000 đồng/CP.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một số ngân hàng nhỏ thừa nhận, giải pháp tăng vốn trước mắt sẽ chủ yếu từ nguồn vốn thặng dư năm trước để lại. Còn việc có phát hành thêm hay không sẽ phụ thuộc chính vào tình hình kinh doanh của các ngân hàng. Việc tăng vốn trong khi không tăng được quy mô hoạt động, không giúp tăng lợi nhuận cho ngân hàng sẽ đẩy ban lãnh đạo ngân hàng trước áp lực tỷ lệ cổ tức rất cao.