Trong bối cảnh TTCK ảm đạm, giao dịch vàng là cứu cánh đối với nhiều CTCK.

Trong bối cảnh TTCK ảm đạm, giao dịch vàng là cứu cánh đối với nhiều CTCK.

Nở rộ mở đại lý nhận lệnh giao dịch vàng

(ĐTCK) Sức nóng của vàng đang lan tỏa sang sàn giao dịch chứng khoán, khi trong một thời gian ngắn nhiều CTCK mở đại lý nhận lệnh (ĐLNL) cho các sàn giao dịch vàng (SGDV). Từ chỗ mua vàng để cất trữ theo cách truyền thống, người dân đã thực hiện giao dịch vàng để hưởng chênh lệch giá, khiến hoạt động của SGDV thực sự sôi động.

Vai trò trung gian

Hiện nay, cả nước có trên 10 SGDV đang hoạt động. Do hạn chế về công nghệ cũng như xác định mục tiêu khác nhau, nên không phải SGDV nào cũng có thể hợp tác với các CTCK để mở ĐLNL. Các CTCK cũng tỏ ra thận trọng lựa chọn đối tác để làm ĐLNL, mà tiêu chí đầu tiên là sự minh bạch, độ tin tưởng của NĐT vào SGDV đó.  Chiếm số lượng nhiều nhất các CTCK làm ĐLNL giao dịch vàng hiện nay phải kể đến Trung tâm giao dịch vàng thuộc CTCP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB). Theo số liệu thống kê chưa chính thức, từ đầu năm 2009 đến nay, có gần 30 CTCK làm ĐLNL cho trung tâm này. Việc CTCK mở ĐLNL giao dịch vàng xuất phát từ nhu cầu đầu tư của NĐT, đặc biệt là NĐT chứng khoán.

Không chỉ CTCK ngoài quốc doanh, tới đây một CTCK thuộc ngân hàng quốc doanh cũng chính thức khai trương dịch vụ này. Điều đó cho thấy, trong lúc khủng hoảng kênh đầu tư, vàng không chỉ được NĐT lựa chọn nắm giữ nhằm chống lạm phát, mà còn là kênh đầu tư sinh lợi. NĐT Trần Tiến Dũng tại CTCK Sacombank vốn "chung thủy" với chứng khoán gần đây cũng chuyển sang giao dịch vàng, khi tại kênh này liên tục xuất hiện sóng lớn. Theo anh Dũng, đầu tư vàng nếu biết phân tích thì việc kiếm lời là hoàn toàn có thể. Hơn nữa, nếu tổ chức theo mô hình SGDV mở (liên thông với các sàn thế giới), có thể tất cả NĐT đều có lãi.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, nhiều CTCK rất tha thiết mở ĐLNL giao dịch vàng vì bằng cách này, họ tận dụng được nguồn nhân lực là các môi giới chuyên nghiệp cũng như cơ sở vật chất sẵn có trong lúc chứng khoán trầm lắng. Về nhân sự, CTCK chỉ cần bổ sung kiến thức về thủ tục mở tài khoản, cách thức giao dịch vàng cho nhân viên môi giới chứng khoán là có thể vận hành ĐLNL. Về cơ sở vật chất, chi phí cho đầu tư thêm là gần như không đáng kể. Do chỉ thực hiện nhận lệnh của NĐT và chuyển tải đến trung tâm giao dịch của các sàn vàng để khớp lệnh, nên việc tổ chức, quản lý ĐLNL giao dịch vàng khá đơn giản, ít rủi ro. Ngay như việc nộp tiền vào tài khoản cũng được thực hiện thông qua một ngân hàng là đối tác của các SGDV. Đối với NĐT muốn rút vàng (sau khi mua trên sàn) sẽ rút tại các SGDV hoặc ngân hàng là đối tác của các sàn này.

Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc CTCK Đông Dương, nơi vừa kết hợp với VGB mở ĐLNL cho biết, trong bối cảnh TTCK ảm đạm, giao dịch vàng thực sự là cứu cánh đối với CTCK. Trên cơ sở chia sẻ một tỷ lệ phí nhất định với các SGDV, mảng này đã đem lại nguồn thu đáng kể cho CTCK, bù đắp những thiếu hụt tại các mảng khác.

Cần một cách hành xử thận trọng

Một sự kiện vấp phải phản ứng quyết liệt của các CTCK gần đây là việc Quyết định 126/2008/QĐ-BTC buộc CTCK đóng cửa ĐLNL chứng khoán sau một năm quyết định này có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc NĐT tại những nơi không phải là trung tâm kinh tế lớn khó có cơ hội tiếp cận kênh đầu tư chứng khoán. Câu hỏi đặt ra là với các ĐLNL giao dịch vàng thì sao?

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam cho biết, việc CTCK mở ĐLNL giao dịch vàng trong bối cảnh TTCK suy giảm là cách làm phù hợp, một mặt giúp NĐT có kênh đầu tư, mặt khác giúp CTCK có thêm nguồn thu. Luật Dân sự cho phép tổ chức, cá nhân được làm những việc mà pháp luật không cấm, nên CTCK có quyền làm đại lý cho SGDV. Theo ông Kỳ, trong khi Luật Chứng khoán không quy định việc mở ĐLNL giao dịch vàng của CTCK, thì các công ty thực hiện theo Luật Doanh nghiệp là phù hợp.

Tổng giám đốc một CTCK cho biết, dù muốn hay không thì đầu tư vàng vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn bên cạnh chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ… Việc bắt tay với SGDV mở ĐLNL là đáp ứng nhu cầu đầu tư đó. Cơ sở pháp lý cho SGDV hoạt động là Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về việc thành lập sở giao dịch hàng hóa và hoạt động mua bán qua sở giao dịch này. Trên thực tế, đặc thù của vàng vừa là hàng hóa, vừa là tiền tệ, nên nó thuộc sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Công thương. Là hàng hóa, các SGDV hoạt động theo Nghị định 158/2006/NĐ-CP, nhưng dưới góc độ tiền tệ, hoạt động của các SGDV vẫn để ngỏ do NHNN chưa có quy chuẩn nào cho SGDV hoạt động.

Theo các chuyên gia tài chính, nếu Nhà nước muốn quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng trên sàn, thì có thể nghiên cứu mô hình SGDV trung tâm thuộc sự quản lý của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam hoặc NHNN, còn các sàn khác sẽ làm sàn thành viên của SDGV trung tâm này. Để SGDV trung tâm thực sự minh bạch, thì sàn này chỉ mang tính chất giống như một cái chợ để khách hàng giao dịch, hoàn toàn không tự doanh. Các sàn thành viên vừa phục vụ NĐT tại sàn của mình, vừa có thể mở hệ thống ĐLNL ở các chi nhánh hoặc phòng giao dịch của các ngân hàng, CTCK và các loại hình doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, việc thống nhất được sàn trung tâm sẽ đặt dưới sự quản lý của cơ quan nào vẫn còn là câu hỏi ngỏ.