Từ nay đến tháng 6 không tăng giá xăng dầu. Ảnh: Đức Thanh

Từ nay đến tháng 6 không tăng giá xăng dầu. Ảnh: Đức Thanh

Phập phồng giá xăng dầu

(ĐTCK-online) Cùng với xu hướng chung của khá nhiều mặt hàng “nóng”, giá dầu thô nhập khẩu tiếp tục giảm nhẹ và hiện dao động quanh mốc 100 USD/thùng. Giá dầu giao tháng 4/2008 trên thị trường châu Á sáng 24/3 đã giảm 1,53 USD/thùng so với phiên giao dịch liền trước, xuống mức 100,31 USD/thùng.

Sau hơn 1 tuần căng thẳng, giá dầu đã xuống mức “dễ thở” hơn. Cùng với sự giảm nhiệt trên thị trường thế giới, ở trong nước, thông tin từ nay đến tháng 6 không tăng giá xăng dầu được đưa ra tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khiến cho người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp (DN) thở phào nhẹ nhõm.

Mặc dù Thủ tướng yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu phải giữ ổn định giá như hiện nay cho đến tháng 6, trừ trường hợp đột biến nhưng nhận định về khả năng giảm giá xăng dầu trong nước, khi giá xăng dầu thế giới đã bớt căng thẳng, một quan chức của Petrolimex cho biết, giá xăng dầu nhập khẩu phải giảm xuống dưới 95 USD/thùng và ổn định một thời gian thì các DN mới xem xét giảm giá được. Ông này cũng cho biết, Chính phủ yêu cầu giữ ổn định giá đến tháng 6, nhưng nếu giá nhập khẩu xăng dầu trung bình cả năm trên 110 USD/thùng thì các DN kinh doanh xăng dầu có thể đề nghị tăng giá hoặc Nhà nước bù lỗ. Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng Nhà nước bù lỗ là khó khả thi vì từ đầu năm đến nay, thuế nhập khẩu xăng dầu đã xuống 0% và chưa một lần được nâng lên. Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Công thương, tính từ đầu tháng 1 đến trước thời điểm tăng giá xăng ngày 25/2, tổng số lỗ của các đơn vị kinh doanh xăng dầu đã lên tới khoảng 3.561 tỷ đồng, bình quân lỗ 33 tỷ đồng/ngày. Sau khi Chính phủ cho điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu thì các DN vẫn lỗ gần 1.000 tỷ đồng/tháng vì cuối tháng 2 và đầu tháng 3, giá xăng dầu thế giới luôn ở ngưỡng 110 USD/thùng. Chính vì vậy, khả năng tăng giá vẫn có thể xảy ra, nếu giá xăng dầu vượt qua ngưỡng các DN nhập khẩu và Nhà nước có thể chấp nhận được.

Tại hội thảo về quản lý rủi ro trong kinh doanh xăng dầu do Petrolimex phối hợp với Tập đoàn BP (Anh) tổ chức mới đây, các chuyên gia của BP cũng nhận định, giá dầu thô trong thời gian tới có khả năng tiếp tục tăng cao, buộc các hãng kinh doanh xăng dầu thế giới và các nhà sản xuất tiêu thụ lớn nhiên liệu từ xăng dầu phải sử dụng các công cụ bảo hiểm giá xăng dầu để tiết giảm chi phí đầu vào. Đến nay, hầu hết các hãng dầu lớn trên thế giới đều có bộ phận chuyên trách về nghiệp vụ quản lý rủi ro. Tuy nhiên, đây là nghiệp vụ còn rất mới mẻ ở Việt Nam . Chính vì vậy, giá xăng dầu ở Việt Nam luôn phập phồng theo giá thế giới.

Được biết, Petrolimex đã báo cáo, kiến nghị với Bộ Công thương và Bộ Tài chính một số biện pháp nhằm bình ổn thị trường xăng dầu. Bên cạnh việc thành lập quỹ bình ổn tại các DN, Petrolimex kiến nghị giải pháp quản lý rủi ro và sử dụng các công cụ phòng vệ (hedging) trong kinh doanh xăng dầu trên tất cả yếu tố giá cả, chất lượng, vận chuyển, giao hàng...

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex, thời gian qua, Petrolimex vẫn thực hiện phương thức chọn mua xăng dầu theo hình thức giá cố định để tự bảo hiểm cho mình, nhưng với số lượng không nhiều. Các nghiệp vụ hedging chỉ có thể khả thi, khi kinh doanh xăng dầu đã chuyển sang cơ chế thị trường hoàn toàn đầy đủ. Đây là thời điểm thích hợp để Petrolimex triển khai các công cụ hedging.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xây dựng nghiệp vụ quản lý rủi ro cho ngành xăng dầu là chuyện đáng ra phải làm từ rất sớm. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động như hiện nay, không chỉ DN nhập khẩu xăng dầu cần sử dụng các công cụ phòng vệ, mà chính các DN sử dụng nhiều nhiên liệu đầu vào là xăng dầu cũng nên xây dựng cho mình một phương án phòng ngừa rủi ro để có thể “sống chung” với sự thất thường của giá xăng dầu. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế trong nước và thế giới, xăng dầu vẫn là mặt hàng có nhiều biến động khó lường.

Gia Linh

Tin liên quan:

>>Giá dầu leo thang

>>Giá vàng nhảy múa

>>Kiềm chế lạm phát