“Phập phồng” hoàn nhập dự phòng

(ĐTCK) Ngày 30/6/2009, VN-Index đóng cửa ở 448,29 điểm, cao hơn 42% so với mức 315,62 điểm ngày 31/12/2008. Trong đó, giá nhiều loại cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp ba. Điều này khiến NĐT kỳ vọng nhiều công ty sẽ được hoàn nhập khoản dự phòng đầu tư chứng khoán khá lớn đã trích trong năm 2008 - năm mà TTCK giảm sâu.

Mỗi DN một cách làm

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE) cho biết, tại thời điểm 30/6, đối với cổ phiếu niêm yết, REE chỉ còn sở hữu hai cổ phiếu là STB và ACB. Trong đó, REE đã trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu ACB trong năm 2008. Giá cổ phiếu ACB cuối quý II cao hơn mức giá trích lập dự phòng cuối năm ngoái nên REE được hoàn nhập dự phòng. Đối với cổ phiếu OTC, REE sẽ không xét đến việc hoàn nhập trong thời điểm hiện nay, vì tình hình giao dịch trên thị trường OTC trầm lắng và mức giá tham chiếu các cổ phiếu này đều không rõ ràng, chính xác.

Tại thời điểm 31/12/2008, CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC) thực hiện trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 200 tỷ đồng. Sáu tháng sau, các chứng khoán đều có giá thị trường cao hơn mức giá mà HSC đã trích lập vào cuối năm ngoái. Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty cho biết, kết quả kinh doanh của HSC công bố thời gian gần đây không từ các bút toán hoàn nhập dự phòng. HSC không thực hiện việc hoàn nhập giữa kỳ. Công ty sẽ ghi nhận đây là các khoản lợi nhuận khi bán ra mà giá thị trường cao hơn mức giá trích lập. Trường hợp giá thị trường thấp hơn tại thời điểm báo cáo tài chính, HSC sẽ thực hiện trích lập thêm. Để tăng cường sự minh bạch, Công ty Kiểm toán Ernst&Young đang tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính 6 tháng của HSC.

Năm 2008, CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) thực hiện trích lập dự phòng 29,7 tỷ đồng cho các khoản đầu tư tài chính dài hạn gần 150 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào cổ phiếu GTA, DPR và hai quỹ: Việt Long và Con hổ Việt Nam. Ông Bùi Phước Tiên, Kế toán trưởng Công ty cho biết, quý II/2009 HRC thực hiện hoàn nhập dự phòng với 2 cổ phiếu niêm yết. Khoản đầu tư vào quỹ, HRC thực hiện hoàn nhập theo thông tin chính thức về giá trị tài sản ròng (NAV) của hai quỹ tăng lên so với kỳ trước. Phần hoàn nhập này ước tính khoảng 2 tỷ đồng. Phần góp vốn bằng mệnh giá vào các công ty đang trong quá trình xây dựng, HRC thấy không có cơ sở để hoàn nhập hay trích lập dự phòng. Báo cáo tài chính quý II/2009 của Công ty sẽ qua khâu soát xét.

 

Ảo và thực của khoản hoàn nhập

So với mức thấp nhất, nhóm cổ phiếu ngành tài chính và CTCK thời gian qua có tốc độ tăng giá mạnh nhất so với bình quân chung của thị trường. Một phần kỳ vọng của NĐT đến từ việc các công ty này được hoàn nhập số dự phòng lớn. Về điều này, Thạc sỹ Lê Đạt Chí, Chủ nhiệm bộ môn Đầu tư tài chính Trường đại học Kinh tế TP. HCM cho biết, việc trích lập và hoàn nhập dự phòng hiện nay được áp dụng theo Thông tư số 13/2006/TT-BTC. Theo đó, khi giá trị thị trường của các khoản đầu tư thấp hơn giá đầu tư gốc thì DN phải thực hiện trích lập dự phòng. Việc trích lập nhằm đánh giá chính xác giá trị các khoản đầu tư trên báo cáo tài chính vào thời điểm lập báo cáo. Điều này cung cấp cho NĐT cái nhìn thực về “sức khỏe” tài chính của DN. Với DN niêm yết, thời điểm trích lập và hoàn nhập dự phòng là thời gian lập báo cáo tài chính quý. Tuy nhiên, việc này không mang tính chất bắt buộc. Vào kỳ lập báo cáo giữa niên độ, DN có thể thực hiện hoặc không.

Theo ông Chí, một số DN không chịu áp lực về lợi nhuận hoặc hạch toán thận trọng sẽ chỉ tiến hành hoàn nhập vào cuối năm. Phần lớn DN khác, trước áp lực của các cổ đông, sẽ tiến hành hoàn nhập giữa kỳ khiến doanh thu về hoạt động tài chính tăng lên. Tuy nhiên, nên hiểu đúng khoản hoàn nhập dự phòng là một khoản “điều chỉnh lỗ” sổ sách. Nói nôm na, giờ đây DN có số lỗ ít hơn trước đây do giá chứng khoán tăng cao. Khoản “lãi ảo” này không tạo ra giá trị vật chất cho DN và toàn xã hội, bởi về thực chất, nó được tạo ra do các bút toán kế toán, dòng tiền của DN không hề tăng lên. Theo nguyên tắc kế toán Việt Nam , DN không được phép định giá các khoản đầu tư theo giá thị trường, vì vậy đó chỉ là các khoản lãi thực nếu công ty hiện thực hóa (bán ra).

 

Hệ lụy

Theo ông Chí, “lợi nhuận” từ việc hoàn nhập dự phòng của DN chỉ nên coi là yếu tố đột biến. DN không thể duy trì lợi nhuận này nếu TTCK không tiếp tục tăng hoặc khoản hoàn nhập đã bằng với khoản đã trích lập. “Ở góc độ NĐT, lợi nhuận của DN luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu, bởi đó là thước đo quan trọng nhất thể hiện sức khỏe của DN. Tuy nhiên, do cách thực hiện, lợi nhuận của DN có nguy cơ bị bóp méo bởi các bút toán hoàn nhập hào phóng. Nhìn bề ngoài, lợi nhuận do hoàn nhập dễ bị nhầm tưởng là DN đã làm ăn tốt lên”, ông Chí nói.

Ông Phạm Ngọc Phấn, kiểm toán viên Công ty Kiểm toán Hà Nội cho biết, lợi nhuận do hoàn nhập dự phòng có thể khiến DN phải đóng ngay thuế thu nhập, trong khi thu nhập thực của DN không tăng thêm. Cuối năm, DN có thể quyết toán thuế, nhưng việc hoàn trả thường không đơn giản và mất thời gian.

Theo ông Phấn, việc soát xét báo cáo tài chính sẽ làm tăng tính tin cậy của số liệu, nhất là trong bối cảnh cần có cái nhìn chân thực, chính xác về các khoản dự phòng và hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính. Tuy nhiên, Công văn số 246/UBCK-QLPH của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc này chưa đủ mạnh để bắt buộc các DN thực hiện soát xét báo cáo tài chính quý, DN có thể thực hiện hoặc không. Điều này khiến việc hoàn nhập dự phòng có thể được DN tiến hành một cách “tùy tâm”. Khe hở lớn nhất là hoàn nhập đối với số cổ phiếu OTC.