Các DN sản xuất thép có lượng tồn kho lớn đang hưởng lợi từ giá tăng.

Các DN sản xuất thép có lượng tồn kho lớn đang hưởng lợi từ giá tăng.

“Quả ngọt” từ sức nóng giá cả

(ĐTCK-online) Đầu tháng 3, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố đã ký hợp đồng bán 400.000 tấn quặng sắt cho phía Trung Quốc trong năm 2010. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAG cho biết, từ thời điểm ký hợp đồng đến nay, giá quặng sắt đã tăng từ 120 USD/tấn lên 170 USD/tấn. Ông Đức cho biết thêm, hợp đồng chỉ cam kết số lượng bán cho đối tác, mà không chốt giá bán, vì không ai dại gì chốt giá vào thời điểm mà các nguyên liệu cơ bản đang trên đà tăng giá.

Như vậy, với việc tăng giá quặng, lợi nhuận từ bán quặng của HAG sẽ tăng. Đây có thể là cơ sở để HAG điều chỉnh lợi nhuận tăng cao so với kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua. Thực tế, tại ĐHCĐ, ông Đức đã nói rằng, kế hoạch lợi nhuận đặt ra là mức tối thiểu đạt được. Nếu điều kiện thuận lợi, HAG sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận như đã điều chỉnh trong năm 2009.

Theo một số chuyên gia, DN sản xuất - kinh doanh ở các ngành hàng nguyên vật liệu cơ bản đều được hưởng lợi của xu thế tăng giá. Lợi ích này sẽ thể hiện ngay trên kết quả kinh doanh quý II, chứ không chỉ là kỳ vọng.

Trong khi giá thép trong nước đang có xu hướng giảm do các đại lý xả hàng, thì các DN sản xuất thép có xu hướng công bố lợi nhuận cao trong quý II. Quý II là quý mà các DN thép bán hàng nhập giá rẻ trong quý I.

Đại diện CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho biết, giá vốn hàng tồn kho vẫn đang thấp hơn giá thế giới khoảng 200 USD/tấn. Hoa Sen đã ngừng nhập nguyên liệu khi giá nguyên liệu thế giới tăng cao trong thời gian qua, chờ một nhịp điều chỉnh mới quyết định nhập nguyên liệu mới. Lợi nhuận của HSG trong tháng 4 chắc chắn sẽ tăng cao hơn so với hai tháng trước đó.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) cho biết, riêng tháng 4, SMC đạt 13 - 14 tỷ đồng lợi nhuận so với con số 18,5 tỷ đồng của quý I, do Công ty xuất hàng tồn kho đã nhập trong quý I. Hiện SMC đang giảm bớt hàng tồn kho để giảm gánh nặng lãi suất. Theo ông Anh, thời điểm này, giá phôi thép, phế và thép xây dựng trên thế giới đang giảm nhẹ khoảng 5 - 7%. Giá thép cán nóng và cán nguội giảm 2 - 3%. Giá thép giảm do nhà thương mại thép xả hàng. Ông Anh nhận định, sau khi lượng thép tồn kho giảm, giá thép sẽ ổn định trở lại.

Theo nhiều dự báo, giá thép không có khả năng giảm mạnh. Khả năng tăng đột biến phụ thuộc vào mức độ phục hồi của kinh tế thế giới.

Có mức tăng giá cao trong vài tháng qua phải kể đến cao su. Cao su đã tăng giá gấp đôi sau 3 tháng, từ 1.800 USD/tấn lên 3.500 USD/tấn. Hiện giá cao su chưa cho thấy dấu hiệu điều chỉnh.

Báo cáo của CTCK SBS mới đây nhận định, do giá nguyên liệu tăng nên khả năng điều chỉnh tăng dự phóng lợi nhuận cho các DN cao su ở mức 15 - 20%. Mức tăng lợi nhuận khiến chỉ số P/E trung bình của cổ phiếu cao su khoảng 6 - 7 lần, rất cạnh tranh so với P/E trung bình của thị trường.

Không phải nguyên liệu cơ bản, nhưng giá vận tải hàng hóa tàu biển đang phục hồi rõ nét hơn sau khi giảm tới 90% trong năm ngoái. Các công ty vận tải biển như VST, VIP, VTO đã đạt kết quả kinh doanh khả quan hơn năm ngoái và dự kiến kết quả kinh doanh tiếp tục được cải thiện trong quý II.

Bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt cho biết, các DN vận tải biển ký nhiều đơn hàng hơn, giá cước đang tăng nhanh trở lại.

Như vậy, nhìn chung, các DN thuộc nhóm ngành hàng và dịch vụ cơ bản đang và có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giá nguyên liệu và giá dịch vụ tăng.

Riêng đối với ngành thép, diễn biến giá nguyên liệu đầu vào được các DN miêu tả là "như giá chứng khoán". Nhưng DN nào bắt đúng đáy sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Còn với lãi suất vay vốn cao như hiện nay, DN nào không xả hàng đúng đỉnh thì chi phí lãi vay sẽ "ăn" cả vào lợi nhuận.

Không ít dự báo rằng, cổ phiếu ngành thép sẽ còn nhiều cơn sóng hấp dẫn trong năm nay.