Nhạy cảm nhất với TTCK hiện nay là 
thời hạn 30/6 để các ngân hàng 
thu hồi vốn vay phi sản xuất đã gần kề - Ảnh: Lê Toàn

Nhạy cảm nhất với TTCK hiện nay là thời hạn 30/6 để các ngân hàng thu hồi vốn vay phi sản xuất đã gần kề - Ảnh: Lê Toàn

Quý III, chứng khoán bấp bênh theo chính sách

(ĐTCK-online) TTCK đang đứng giữa hai luồng thông tin tốt và xấu rõ rệt. Thanh khoản thị trường giảm mạnh trong những ngày qua, bên bán không bán mạnh, nhưng bên mua không nhiệt tình mua vào ở mức giá tham chiếu, thể hiện sự phân vân của nhà đầu tư về xu hướng thị trường thời gian tới.

Về tình hình kinh tế vĩ mô, các yếu tố tỷ giá, lãi suất, giá vàng có vẻ dịu trở lại. Lạm phát tháng 6 đã có dấu hiệu giảm. Lãi suất huy động đã bớt nóng và nhận định của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước là giảm theo cách thức dần dần và ổn định. Giá vàng thế giới tuy tăng, nhưng nhờ các chính sách chống đầu cơ vàng trong nước, người dân đã hạn chế bỏ vốn vào vàng, mà chủ yếu là bán ra chốt lời. Trong 3 yếu tố này thì sự ổn định của thị trường vàng được nhận định là tích cực nhất. Còn lãi suất và tỷ giá vẫn gợi lên những câu hỏi đối với nhà đầu tư.

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính Trường đại học Kinh tế TP. HCM phân tích: "3 tỷ USD đã được Ngân hàng Nhà nước mua vào để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Con số này nếu chính xác thì cung tiền trên thị trường sẽ ổn định hơn, nhưng khi nào thì lãi suất giảm và mức độ giảm đến đâu vẫn là câu hỏi, vì tiền vừa được bơm ra, vừa được hút vào. Mua vào ngoại tệ, nhưng Chính phủ vẫn bán trái phiếu. Lượng ngoại tệ mua vào đã đủ chưa, nếu mua tiếp thì lãi suất vẫn giữ ở mức cao để đảm bảo lợi ích khi nắm giữ VND".

Đáng lưu ý, từ ngày 1/7, các tổng công ty nhà nước sẽ phải bán ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn và ngoại tệ thu được phát sinh từ thời điểm này. Nếu thực hiện đúng quy định này thì cung tiền đồng sẽ gia tăng. Nhưng Chính phủ có tiếp tục phát hành trái phiếu hút tiền đồng về nữa hay không? Nếu trái phiếu tiếp tục phát hành thì mức độ giảm của lãi suất khó nhanh, mà chỉ có thể giảm rất từ từ.

Về vấn đề tỷ giá, phân tích của nhiều chuyên gia hiện nay cho thấy, tỷ giá đang ổn định, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tăng lại vào cuối năm nay. Nếu Chính phủ không có biện pháp ổn định kịp thời thì thị trường ngoại tệ tự do cuối năm nay nhiều khả năng sẽ có những cơn sóng như các năm trước, gây hoang mang cho tâm lý nhà đầu tư, bất ổn cho TTCK.

Nhạy cảm nhất với TTCK hiện nay là thời hạn 30/6, các ngân hàng phải thực hiện giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất (chứng khoán, bất động sản…) về 22% tổng dư nợ. Nếu các ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu giảm dư nợ phi sản xuất sẽ phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Và kể từ sau thời điểm này, các ngân hàng sẽ tiếp tục chịu sức ép giảm dư nợ cho vay chứng khoán để đạt mục tiêu giảm dư nợ phi sản xuất xuống 16% vào cuối năm.

Kết quả kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 5, trong số 19 ngân hàng đã được kiểm tra, vốn đầu tư chứng khoán là hơn 42.000 tỷ đồng. Nhìn vào con số tuyệt đối thì khoản vốn đầu tư chứng khoán này tương đương giá trị giao dịch của 9 phiên, đây là sức ép không nhỏ đối với TTCK.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, một phần không nhỏ trong khoản vay này là của các cổ đông nội bộ, cổ đông sáng lập của công ty đại chúng. Các đại gia này thường cầm cố cổ phiếu nên có khả năng cơ cấu lại tài sản để thanh toán các khoản vay chứng khoán. Ngoài ra, một phần khoản vay này dành cho cổ phiếu chưa niêm yết, nên áp lực cung hàng không đặt nặng vào thị trường niêm yết. Do đó, về mặt tâm lý, khi thời hạn 30/6 qua đi, nhà đầu tư có thể tạm quên áp lực giảm nợ vay chứng khoán.

Nhưng sau thời điểm 30/6 thì động lực đỡ TTCK của các quỹ, các tổ chức đầu tư nhằm có được báo cáo khả quan hơn về giá trị tài sản ròng (NAV) không còn. "Đỡ" NAV là động thái được một số công ty chứng khoán nhắc đến và kỳ vọng là lực đỡ cho thị trường trong tuần này (tuần cuối tháng 6).

Dòng tiền mới cho TTCK có thể hy vọng là tiền tiết kiệm của người dân, của nhà đầu tư đã rút khỏi thị trường sẽ quay lại khi lãi suất giảm, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sáng sủa hơn. Nhưng điều này được nhiều ý kiến nhận định là chưa đến sớm. Mặc dù lãi suất huy động giảm nhẹ, nhưng lãi suất cho vay đứng ở mức cao khiến chi phí tài chính vẫn là gánh nặng với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang co cụm trong sản xuất - kinh doanh, tập trung đảm bảo thanh khoản hơn là đầu tư phát triển. Kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp được dự kiến không có nhiều thông tin khả quan, trừ những doanh nghiệp lớn.

Xu hướng TTCK trong quý III như thế nào đang là câu hỏi ngỏ, khi nhiều luồng thông tin tốt xấu đan xen và diễn biến của nhiều yếu tố có khả năng tác động mạnh đến thị trường vẫn chưa sáng tỏ.