Hầu hết ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay bán lẻ kể từ quý II/2022

Hầu hết ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay bán lẻ kể từ quý II/2022

Quý III tích cực cho các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khác với mọi năm, lợi nhuận quý III năm nay của ngành ngân hàng có thể tăng trưởng cao hơn quý IV.

Đẩy mạnh bán lẻ

Trao đổi phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở tại TP.HCM cho biết, tính đến thời điểm này, ban lãnh đạo ngân hàng đã có số liệu cơ bản về kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, khi được đề nghị chia sẻ thông tin với truyền thông, vị tổng giám đốc từ chối với lý do “thời điểm này khá nhạy cảm”.

Cũng câu hỏi về kết quả kinh doanh quý III, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, số liệu đã có, nhưng chưa thể công bố, bởi “cần phải cân đối lại, tính toán san sẻ sang quý IV/2022 đang được dự liệu vô cùng khó khăn”.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, điểm rơi lợi nhuận của các ngân hàng thường vào quý IV. Tuy nhiên, khác với mọi năm, lợi nhuận quý III năm nay có thể tăng trưởng tốt hơn quý IV, vì tín dụng dự kiến sẽ tăng chậm lại trong thời gian tới.

“Theo tính toán của chúng tôi, ước tính tổng lợi nhuận quý III/2022 nhóm các ngân hàng hàng đầu có khả năng tăng trưởng xấp xỉ 40% so với quý III/2021. Cụ thể, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank, MBB, ACB, VIB, TPBank, LienVietPostBank, HDBank ước tính đạt gần 72.000 tỷ đồng lợi nhuận”, bà Hiền nói.

Theo giám đốc một chi nhánh của TPBank, một trong những lý do giúp kết quả kinh doanh vẫn khả quan trong quý III và 9 tháng đầu năm 2022 là cân bằng rủi ro tín dụng được lãnh đạo Ngân hàng đẩy mạnh từ tháng 4/2022, khi các cơ quan chức năng chỉ đạo thắt chặt giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp... Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được dự báo tăng trưởng chậm cho đến ít nhất là sang năm sau, điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng (NIM) trong nửa cuối năm nay của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng ở mức cao.

Thực tế, hầu hết ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động cho vay bán lẻ kể từ quý II/2022 nhằm cân bằng rủi ro chất lượng tín dụng/tài sản và tối ưu NIM, điển hình như VIB, Techcombank, MB, HDBank, TPBank...

VIB là ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân cao nhất trong hệ thống, đạt 89% tính đến cuối quý II/2022 và dư nợ cho vay cá nhân trong nửa đầu năm 2022 tăng khoảng 13%. Nhờ triển khai mạnh mẽ mô hình kinh doanh này, VIB ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trong 5 năm qua là 28% về tổng tài sản và 62% về lợi nhuận ròng.

Ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân cao thứ hai là ACB, đạt khoảng 64% tính đến cuối tháng 6/2022. ACB cũng đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tỷ trọng chiếm khoảng 31%. Theo đó, mảng bán lẻ tại ngân hàng này chiếm đến 94% trong tổng cho vay. ACB có khoảng 18% dư nợ cho vay là lĩnh vực bất động sản, chủ yếu cho vay mua nhà.

Tại ngân hàng mẹ VPBank, dư nợ tín dụng tăng 14,3% ngay trong 6 tháng đầu năm 2022, lên 352.638 tỷ đồng, với sự đóng góp lớn từ phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh số giải ngân 6 tháng đầu năm nay của 2 phân khúc này tăng trên 33% so với cùng kỳ, từ đó nâng tỷ trọng trong tổng dư nợ từ 56,9% hồi tháng 6/2021 lên 61,1% vào cuối tháng 6/2022.

Tại TPBank, Ngân hàng đã chủ động giảm 4.300 tỷ đồng số dư trái phiếu doanh nghiệp trong quý II/2022, đồng thời đẩy mạnh cho vay cá nhân. VNDIRECT ước tính, tỷ trọng cho vay cá nhân trên tổng tín dụng của TPBank tính đến cuối quý II/2022 đã tăng lên 59,1%.

“Trong bối cảnh thị trường khá bí bách, các ngân hàng vẫn có ngách đi riêng để tháo gỡ các khó khăn, nên nếu nói “chết đuối vớ được cọc” thì có vẻ hơi ngoa ngôn, nhưng phần nào đó cũng thể hiện đúng tình hình thực tế hiện nay”, vị giám đốc chi nhánh của TPBank nói.

Nhìn chung, ngành ngân hàng vẫn có triển vọng sáng nhờ nền tảng chất lượng tài sản lành mạnh và nhiều nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh phi tín dụng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các ngân hàng đang đối mặt với một số thách thức như chi phí vốn gia tăng khi lãi suất nóng lên trên toàn cầu, hạn mức tăng trưởng hạn chế do lo ngại lạm phát.

“Do đó, những ngân hàng dẫn đầu cho vay bán lẻ và có khả năng linh hoạt trong dịch chuyển cơ cấu tín dụng sẽ có lợi thế để hạn chế các tác động tiêu cực, vượt qua thách thức chung của thị trường”, bà Hiền nhận xét.

Bệ đỡ số hoá

Hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng được dự báo sẽ khó khăn hơn trong quý IV/2022 và cả năm 2023.

Trong cuộc đua ngân hàng bán lẻ, công nghệ số được coi là yếu tố then chốt, giúp các nhà băng mở rộng thị trường, nâng cao năng lực phục vụ khách hàng. Bên cạnh đó, một số ngân hàng lớn như VPBank, Techcombank, MB, HDBank… đã sớm thực hiện chuyển đổi số và thu được kết quả khả quan khi tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên 40 - 50%, phần gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng.

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động số hoá và thu được những thành quả rất tích cực. Việt Nam hiện là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỷ lệ tăng trưởng đạt 40% chỉ trong thời gian ngắn.

Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 95% ngân hàng, tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và tích cực, chủ động trong việc tuyển dụng, đào tạo nhân sự nắm vững công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… để số hoá, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số.

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho hay, khi mới bắt đầu hành trình số hoá khoảng 2 năm trước, Ngân hàng có 450 - 500 người trong bộ phận công nghệ, nhưng đến cuối năm nay dự kiến sẽ có từ 1.300 - 1.400 nhân sự. Tương tự, nhân viên xử lý dữ liệu trước đây có 100 người, hiện nay tăng gấp đôi; bộ phận chuyển đổi kỹ thuật số hiện có 200 - 250 người, tăng 4 - 5 lần.

Techcombank xây dựng các tổ dự án gồm nhân sự đa chức năng từ các lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, công nghệ, tiếp thị, pháp chế… và yêu cầu: “Hãy cùng nhau giải quyết vấn đề, vì chỉ một người thì không thể đưa ra giải pháp tổng thể”.

“Vì vậy, đối với cơ cấu quản trị, chúng tôi vẫn có tất cả các khối nghiệp vụ như bất kỳ ngân hàng truyền thống nào, nhưng có khoảng 1.000 nhân sự đang làm việc cho các dự án đa chức năng theo mô hình Agile như trên”, ông Jens Lottner chia sẻ.

Theo kết quả điều tra quý IV/2022 của Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa được công bố, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý III/2022 không như kỳ vọng. Dự báo cho thời gian tới, 70,4 - 75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý IV và cả năm 2022, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với kỳ điều tra trước đó. Về lợi nhuận trước thuế năm 2022, 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021, 6,8% dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, quý IV/2022, ngành ngân hàng có thể bắt đầu ghi nhận sự suy giảm về mặt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV dự báo, hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong quý IV/2022 và cả năm 2023 do độ trễ của chính sách, tín dụng tăng thấp, chính sách miễn phí dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số được duy trì, kinh doanh trái phiếu, cho vay chứng khoán ít đi…

Tin bài liên quan