Không nên khuyến khích việc mua cổ phiếu quỹ vì việc này khiến dòng tiền của doanh nghiệp suy giảm.

Không nên khuyến khích việc mua cổ phiếu quỹ vì việc này khiến dòng tiền của doanh nghiệp suy giảm.

Sức cầu cho thị trường: Gần mà xa!

(ĐTCK) Không chỉ NĐT cá nhân đứng ngoài thị trường, mà nhiều NĐT tổ chức cũng chuyển sang trạng thái thận trọng và phòng thủ: vài tháng qua, khối lượng tiền mặt của VFM giải ngân vào thị trường rất chậm, chỉ ở mức 150 tỷ đồng; lượng tiền mặt còn lại khoảng 650 tỷ đồng và đang chờ đợi. Công ty Quản lý quỹ Prudential Việt Nam tăng cường vị thế tiền mặt, nhưng chuyển hướng vào thị trường trái phiếu. Một vài quỹ đầu tư có ý định huy động thêm vốn, nhưng hướng vào bất động sản… Sức cầu tụt giảm đáng ngại và ngay cả trong trường hợp VN-Index xuống thấp như hiện nay.

Nguội dần

Nối tiếp những phiên giao dịch trầm lắng, thị trường tiếp tục hành trình đi xuống khi nhanh, khi chậm. Như cỗ xe mất thắng, VN-Index lao xuống dốc qua những chướng ngại mấp mô, có nảy lên ở một vài thời điểm, nhưng xu hướng đi xuống vẫn là chủ đạo. Thị trường trầm lắng không chỉ ở điểm số, mà còn ở giá trị giao dịch. Tháng 12/2008, giá trị giao dịch trung bình (báo giá và thỏa thuận) trên  HOSE còn đạt trên 300 tỷ đồng/phiên. Bước sang năm 2009, thị trường chỉ giữ ở mức 180 tỷ đồng/phiên. Những ngày đầu tháng 2/2009, giá trị giao dịch giảm sâu hơn nữa, chỉ đạt 130 tỷ đồng/phiên. Việc giá trị giao dịch thu hẹp đang phản ánh tâm lý chung của thị trường: NĐT không biết giá chứng khoán xuống tới đâu và đâu là điểm mấu chốt để hành trình đi xuống dừng lại?

Không chỉ NĐT cá nhân đứng ngoài thị trường, mà nhiều NĐT tổ chức cũng chuyển sang trạng thái thận trọng và phòng thủ: vài tháng qua, khối lượng tiền mặt của VFM giải ngân vào thị trường rất chậm, chỉ ở mức 150 tỷ đồng; lượng tiền mặt còn lại khoảng 650 tỷ đồng và đang chờ đợi. Công ty Quản lý quỹ Prudential Việt Nam tăng cường vị thế tiền mặt, nhưng chuyển hướng vào thị trường trái phiếu. Một vài quỹ đầu tư có ý định huy động thêm vốn, nhưng hướng vào bất động sản… Sức cầu tụt giảm đáng ngại và ngay cả trong trường hợp VN-Index xuống thấp như hiện nay.

Tiếng nói từ thị trường

Một NĐT viết email về Báo ĐTCK nêu kiến nghị: "Hiện nay, nhiều DN có thặng dư vốn rất lớn, giá cổ phiếu đã xuống rất thấp, nhưng họ không được mua cổ phiếu quỹ do bị lỗ trong năm 2008. Nếu được mua, DN sẽ tạo sức cầu cho thị trường. Nên có cơ chế phù hợp với những DN như thế này, thay vì cơ quan quản lý chỉ cứ hô hào tìm cầu, tìm cầu ở đâu?".

Không chỉ NĐT cá nhân mới có cái nhìn như trên, đây cũng là đề xuất của một số đại diện NĐT tổ chức. Mới đây, trong lễ ra mắt Câu lạc bộ Các công ty quản lý quỹ Việt Nam - có đại diện của UBCK và Sở GDCK TP. HCM tham dự, ông Khổng Văn Minh, Giám đốc đầu tư Quỹ Jaccar đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ thị trường. Một trong những đề xuất của ông Minh là nhiều DN như REE, SAM… hiện tại có thặng dư vốn lớn từ các đợt huy động thành công trước đây. Năm 2008, TTCK sụt giảm, phải trích lập khoản dự phòng nên họ bị thua lỗ. Thực tế, đây là các công ty hàng đầu trong ngành của mình, sự thua lỗ chỉ mang tính tạm thời. Trong thời điểm hiện tại, với nguồn tài chính dồi dào, họ có thể mua cổ phiếu quỹ giúp thị trường giải quyết khó khăn về sức cầu. Đây cũng là một trong những biện pháp tốt hỗ trợ, ổn định tâm lý NĐT. Tuy nhiên, họ không thể thực hiện được do vướng thủ tục. Nên chăng, cơ quan quản lý tháo gỡ nút thắt này?

Ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM) nói rằng, trên cương vị là Chủ tịch Câu lạc bộ Các công ty niêm yết Việt Nam, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên. Theo ông Trắc, DN niêm yết đều là nhà tạo lập thị trường, nên thể hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ thị trường trong giai đoạn khó khăn. Khi sức cầu yếu, DN có khả năng tài chính dồi dào muốn mua cổ phiếu quỹ thì không nên cấm. Ông Trắc cho biết, năm 2008 SAM là một trong những công ty mua cổ phiếu quỹ với khối lượng lớn (hơn 2 triệu cổ phiếu) và thực hiện nghiêm túc. Vừa qua, HĐQT SAM đã họp và quyết định mua thêm 4,5 triệu cổ phiếu quỹ nhưng khi trình lên cơ quan quản lý thì lại không được chấp thuận. Lượng tiền mặt thặng dư của SAM từ các đợt phát hành trước còn lại khá lớn, trên 600 tỷ đồng đang gửi ở ngân hàng, các dự án xây cao ốc và sân golf Đà Lạt tạm thời chưa cần sử dụng, Công ty muốn hỗ trợ cổ đông nhưng cũng bế tắc vì quy định.

Về vấn đề này, chuyên gia chứng khoán Huy Nam nhận xét, ở Việt Nam, việc mua cổ phiếu quỹ chưa được nhìn nhận đúng bản chất. Theo ông Nam, mục đích DN mua cổ phiếu quỹ là để giảm vốn kinh doanh khi nhận thấy, quy mô kinh doanh không mang lại hiệu quả. Theo ông Nam, năm 2008 và năm 2009 có những đặc thù so với quãng thời gian vài năm trước, không nên đánh giá các DN lớn như REE, SAM qua vấn đề lỗ lãi. Chẳng hạn có công ty niêm yết đầu tư dài hạn vào cổ phiếu của DN có ngành nghề phụ trợ và trở thành cổ đông chiến lược của DN đó. Do rủi ro từ việc TTCK suy giảm khiến công ty phải trích lập dự phòng. Các khoản lỗ của DN phát sinh chủ yếu từ khoản dự phòng này, chưa nói hết về khả năng tài chính của DN. Công ty vẫn có lượng tiền mặt dồi dào, không mất khả năng thanh toán. "Đưa ra biện pháp hạn chế quyền tự chủ của DN như trường hợp trên là không nên, chính DN mới là người biết nên thu hẹp hay mở rộng hoạt động", ông Nam nói.

Tuy nhiên, giải pháp này không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối. Theo ông Lê Đạt Chí, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP. HCM, không nên khuyến khích DN mua cổ phiếu quỹ vì việc này khiến dòng tiền của DN suy giảm, tăng nguy cơ nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Vả lại, ông Chí nhận xét, việc mua cổ phiếu quỹ của một vài công ty đơn lẻ cũng không giải quyết được vấn đề căn bản của thị trường, chỉ mang ý nghĩa tâm lý.