Thị trường tài chính 24h: Doanh nghiệp bất động sản còn nhiều việc phải làm

Thị trường tài chính 24h: Doanh nghiệp bất động sản còn nhiều việc phải làm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index điều chỉnh nhẹ; Khó khăn với các ngân hàng Việt Nam “xuất ngoại”; Để dòng tiền dễ thở hơn; “Sóng” cổ phiếu địa ốc còn xa; Chính sách của Fed bắt đầu bằng khủng hoảng ngân hàng và liệu sẽ kết thúc bằng suy thoái?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 4/4 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã giảm trở lại đúng 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,45 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 14,6 USD lên 1.984,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giao dịch chủ yếu quanh ngưỡng 1.980 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,85 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 4/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.602 đồng/USD, tăng 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.295 – 23.635 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại gần 28.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã để thủng mốc 28.000 USD, trước khi bật lên trên 28.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,75 USD (+0,93%), lên 81,17 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,73 USD (+0,86%), lên 85,66 USD/thùng.

VN-Index chững lại

Dù bảng điện tử tích cực hơn và dòng tiền vẫn rất sôi động, nhưng ngoài một số cổ phiếu đơn lẻ ở các nhóm vận tải, công ty chứng khoán, nông nghiệp, bán lẻ khởi sắc thì phần còn lại chỉ có được lực mua thăm dò.

Trong khi đó, các bluechip phân hóa khá mạnh đã khiến VN-Index phần lớn thời gian giao dịch ở dưới tham chiếu với biên độ hẹp và kết phiên giảm nhẹ.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,47 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 279,43 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 4/4: VN-Index giảm 0,83 điểm (-0,08%), xuống 1.078,45 điểm; HNX-Index tăng 0,25 điểm (+0,12%), lên 210,73 điểm; UpCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,4%), lên 77,59 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 nhích lên trong phiên thứ Hai (4/3), nhờ cổ phiếu năng lượng tăng sau khi OPEC+ bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng, trong khi Tesla sụt giảm sau khi số lượng xe giao đến tay khách hàng trong quý đầu tiên khiến các nhà đầu tư thất vọng.

Các cổ phiếu năng lượng như Chevron Corp, Exxon Mobil Corp và Occidental Petroleum đều tăng hơn 4%.

Tuy vậy, triển vọng giá dầu cao hơn làm tăng thêm nỗi lo về kiểm soát lạm phát ở Phố Wall, chỉ vài ngày sau khi có bằng chứng về giá hàng hóa hạ nhiệt làm dấy lên kỳ vọng rằng Fed có thể sớm kết thúc chiến dịch thắt chặt tiền tệ quyết liệt.

Kết thúc phiên 3/4, chỉ số Dow Jones tăng 327,00 điểm (+0,98%), lên 33.601,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,20 điểm (+0,37%), lên 4.124,51 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 32,45 điểm (-0,27%), xuống 12.189,45 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã tăng phiên thứ ba liên tiếp, dẫn đầu là các công ty liên quan đến năng lượng, nhưng mức tăng hạn chế, do các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các dấu hiệu chuyển động khác của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,35% lên 28.287,42 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,25% lên 2.022,76 điểm.

Shoichi Arisawa, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư tại IwaiCosmo Securities, cho biết: “Thị trường không có tín hiệu rõ ràng, vì vậy, các nhà đầu tư đã bán những cổ phiếu vượt trội và mua những cổ phiếu kém hiệu quả”.

Tại Nhật Bản, cổ phiếu các nhà khai thác năng lượng tăng 1,36%, sau khi tăng 5% trong phiên trước đó do tác động từ việc OPEC+ cắt giảm sản lượng.

Các công ty vận chuyển đã tăng 3,12% để trở thành nhóm cổ phiếu hoạt động tốt nhất trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, với Kawasaki Kisen tăng 3,40% và Mitsui OSK Lines tăng 2,29%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ nhóm cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,49% lên 3.312,56 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,31% lên 4.103,10 điểm.

Phiên này, cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước và công ty bán dẫn đã hỗ trợ phần nào cho thị trường, trong khi các lĩnh vực mới liên quan đến năng lượng đã đảo chiều giảm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc tăng 3,6% lên mức cao nhất trong 14 tháng, trong đó, cổ phiếu SMIC tăng 5% lên mức cao nhất trong hơn một năm.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ, do căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng làm sứt mẻ tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,66% xuống 20.274,59 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,94% xuống 6.875,47 điểm.

Cổ phiếu công nghệ tại Hồng Kông giảm 1,6%, với Alibaba và Meituan lần lượt giảm 3,2% và 4,1%.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc giao dịch tại Hồng Kông cũng lao dốc, sau khi cổ phiếu Tesla tại Mỹ suy yếu, với Nio và XPeng lần lượt giảm 8,5% và 5,4%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, đóng cửa ở mức cao nhất trong hai tháng, khi các nhà khai thác nền tảng trực tuyến và cổ phiếu dược phẩm sinh học khởi sắc.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 8,17 điểm, tương đương 0,33% lên 2.480,51 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 9/22.

Chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm vào tháng 3, do giá dầu giảm, nhưng một loạt vấn đề bao gồm tăng trưởng toàn cầu, chính sách tiền tệ và quyết định của các nhà sản xuất dầu lớn đã che mờ triển vọng lạc quan.

“Mức tăng của thị trường bị hạn chế bởi lo ngại lạm phát tiếp tục từ quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+. Các ngành tăng giá hầu hết là những ngành ít liên quan đến giá năng lượng, chẳng hạn như dược phẩm sinh học, internet và game”, nhà phân tích Huh Jae-hwan tại Eugene Investment and Securities cho biết.

Kết thúc phiên 4/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 99,27 điểm (+0,35%), lên 28.287,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,16 điểm (+0,49%), lên 3.312,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 134,59 điểm (-0,66%), xuống 20.274,59 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 8,17 điểm (+0,33%), lên 2.480,51 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Khó khăn với các ngân hàng Việt Nam “xuất ngoại”

Ông Kent Wong, Chủ tịch Tiểu ban Pháp chế, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn khi các ngân hàng Việt mở rộng hoạt động ra nước ngoài..>> Chi tiết

- Để dòng tiền dễ thở hơn

Mặt bằng lãi suất đã bớt nóng, đặc biệt sau giải pháp giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhưng để dòng vốn thấm vào nền kinh tế, mặt bằng lãi suất cần giảm về mức hợp lý, tương quan các điều kiện kinh tế vĩ mô cơ bản..>> Chi tiết

- “Sóng” cổ phiếu địa ốc còn xa

Nghị quyết 33/NQ-CP đã mang lại hiệu ứng tích cực cho nhóm cổ phiếu địa ốc, nhưng không dễ tạo sóng trong vài tháng tới, bởi tình hình cơ bản của nhiều doanh nghiệp bất động sản phải mất một thời gian dài nữa mới thực sự ổn định..>> Chi tiết

- Chính sách của Fed bắt đầu bằng khủng hoảng ngân hàng và liệu sẽ kết thúc bằng suy thoái?

Chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã phơi bày rõ qua đợt chao đảo vừa qua của ngành ngân hàng Mỹ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan