Thực hiện cam kết WTO như thế nào?

Thời điểm hiệu lực các cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã qua 4 tháng, song không hiểu sao việc áp dụng các cam kết như thế nào vẫn tiếp tục được đặt ra.

Những phát sinh trong thực tiễn đang khiến giới nghiên cứu chính sách buộc phải đưa ra 3 phương án để lựa chọn. Và như vậy thì những phàn nàn của nhà đầu tư nước ngoài trong một số trường hợp cụ thể rằng, họ gặp khó khăn hơn trước khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO hoàn toàn có lý. Không những thế, chính sự chưa rõ ràng ngay cả từ giới xây dựng chính sách khiến sự bấp bênh trong hoạt động của không ít nhà đầu tư lại tăng lên.

Các phương án được đặt lên bàn thảo luận bao gồm áp dụng cứng theo các cam kết đã công bố, hoặc áp dụng các cam kết phù hợp với pháp luật Việt Nam và phương án áp dụng cam kết theo hướng xác định hiệu quả trong thực tiễn. Lý do có sự phân chia về quan điểm này là do thời gian đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam kéo dài hơn 10 năm nên có những chính sách, điều kiện đã thay đổi. Trên thực tế, nhiều lĩnh vực đã được mở cửa rộng hơn các cam kết được công bố.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đối với giới đầu tư không hẳn là phương án nào, mà quan trọng là nguyên tắc nào sẽ được áp dụng thống nhất. Luật sư Trần Tuấn Phong, Công ty Vilaf Hồng Đức đã đặt trường hợp rằng, trong Biểu cam kết về dịch vụ, quy định vốn thành lập bệnh xá đa khoa là 2 triệu USD. Vào năm 2010, điều kiện để thành lập được quy định là tối thiểu có 10 bác sỹ và không có quy định điều kiện vốn. “Như vậy, vào thời điểm năm 2010, điều kiện để thành lập bệnh xá đa khoa sẽ là điều kiện về vốn (theo Biểu cam kết) hay là điều kiện về lao động (theo quy định của pháp luật Việt Nam)?”, ông Phong đặt câu hỏi và cho rằng, với quy định của Luật Đầu tư thì các điều kiện của Biểu cam kết sẽ được áp dụng.

Rõ ràng là với các căn cứ này thì việc thực hiện sẽ không cần phải nhắc lại trong một văn bản khác. Song, giới luật sư cho rằng, nếu không nhắc lại một cách cẩn thận, rõ ràng thì việc thực hiện trên thực tế sẽ lại rất rắc rối. Ông Phong buộc phải viện tới trường hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã từng từ chối việc nhà đầu tư mua phần vốn góp trong một công ty TNHH hai thành viên với lý do rất ngộ nghĩnh. Đó là do trong Quyết định 260/2002/QĐ-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành danh mục các ngành, nghề người nước ngoài được mua cổ phần trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước chỉ đề cập đến “mua cổ phần” chứ không nhắc tới “mua phần vốn góp”. Ông Phong cho rằng, các văn bản hướng dẫn thực hiện có liên quan tới nội dung về mua cổ phần cần phải bổ sung cả cụm từ phần vốn góp để tránh cho nhà đầu tư những rủi ro không ngờ tới như trên.

Cũng liên quan tới từ ngữ, nhiều nhà đầu tư nước ngoài dường như cảm thấy không thực sự yên tâm đối với một số từ ngữ được dùng trong các văn bản pháp luật của Việt Nam . Một thành viên của Phái đoàn EC tại Việt Nam lo ngại khi một số thuật ngữ liên quan tới dịch vụ khai khoáng không phản ánh chính xác ngôn ngữ trong Biểu cam kết WTO. Mặc dù nguyên nhân có thể là do kỹ thuật dịch song nếu không làm tốt được các vấn đề kỹ thuật này, không đảm bảo được sử dụng sát nghĩa các thuật ngữ thì sẽ rất khó cho nhà đầu tư trong việc hiểu và áp dụng văn bản một cách thống nhất.

Có lẽ cũng lại phải nhắc tới sự chờ đợi mệt mỏi của nhà đầu tư nước ngoài đối với văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Giới luật sư đang thực sự chán nản với câu trả lời nhận được khi hỏi đến việc thực thi Nghị định này là chưa có thông tư hướng dẫn nên phải đợi. “Chúng tôi đã đến làm việc nhưng không ai làm gì cả vì họ đều phải đang chờ hướng dẫn. Và rõ ràng như vậy thì tình trạng “ùn tắc” sẽ xảy ra khi số lượng nhà đầu tư phải chờ đợi tăng lên. Cách làm này rất kém hiệu quả và sẽ làm nản lòng nhà đầu tư”, đại diện Công ty Luật Baker& Mc.Kenzie cảnh báo.

Lẽ tất yếu là việc Việt Nam nỗ lực để trở thành thành viên của WTO đã thực sự tăng thêm sự tự tin của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào khu vực sản xuất và dịch vụ ở Việt Nam . Song, nếu không làm rõ được câu hỏi lớn là cần hiểu và thực hiện các cam kết của Việt Nam như thế nào thì sự tự tin của nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất khó có điều kiện để củng cố. Hơn nữa, khả năng chờ đợi đối với nhà đầu tư nước ngoài không bao giờ là vô hạn định…