Nhiều ý kiến cho rằng, nên hoãn thu thuế thu nhập đối với NĐT chứng khoán.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên hoãn thu thuế thu nhập đối với NĐT chứng khoán.

Thuế thu nhập từ chứng khoán: Hoãn là thượng sách!

(ĐTCK) Vào thời điểm việc thu thuế thu nhập đối với NĐT chứng khoán cá nhân chỉ còn tính từng ngày (từ ngày 1/1/2009 theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân) thì một lần nữa, các thành viên thị trường đồng loạt nêu ý kiến nên hoãn. Điều này không chỉ xuất phát từ quyền lợi của NĐT, mà còn vì những chủ thể hưởng lợi từ sự phát triển ổn định của thị trường vốn, đặc biệt là DN niêm yết. Báo ĐTCK ghi nhận những ý kiến xoay quanh vấn đề này.

Bà Huỳnh Thị Hoa, Trưởng nhóm phân tích, CTCK Bản Việt

Thật sự, bây giờ chẳng NĐT nào có lời để đánh thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán. Đánh thuế như thế nào, mức giá nào để xác định lãi lỗ bây giờ còn chưa rõ ràng.

Nếu nói rằng, việc đánh thuế để hạn chế đầu cơ thì mục đích của chính sách thuế là không đúng, vì hoạt động đầu cơ là cần thiết để tạo tính thanh khoản cho thị trường. Mục đích của chính sách thuế là điều tiết thu nhập của những chủ thể có thu nhập khác nhau trong nền kinh tế. Nếu theo đúng mục tiêu đó thì áp dụng thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán bây giờ là không hợp lý, vì có nhiều người chịu thiệt thòi và thua lỗ trong năm qua. Đến thời điểm mà mọi người đồng ý với việc cần điều tiết thu nhập thì việc thực thi chính sách thuế sẽ không bị phản ứng quá mạnh như bây giờ. Còn hiện tại, cần giữ chân NĐT ở thị trường để cho thị trường sống khỏe, giống như là nuôi dưỡng nguồn thu.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc CTCP Chứng khoán SJC

Mục tiêu của TTCK là huy động vốn trung và dài hạn. Thị trường đã làm rất tốt nhiệm vụ này trong năm 2006 và 2007, DN vay vốn ngân hàng ít hơn. Năm nay thì ngược lại, thị trường giảm sút và DN khó huy động được vốn.

Không thể nói rằng, chính sách thuế có sự tác động lớn đến mức nếu đánh thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán thì thị trường sẽ giảm nữa hoặc ngược lại, không đánh thuế thì thị trường sẽ tăng. Nhưng cần nhìn nhận thực tế rõ ràng rằng, TTCK không còn hấp dẫn như trước đây để NĐT cảm giác rằng, mình được ưu đãi khi chưa phải đóng thuế.

NĐT có quyền lựa chọn kênh đầu tư, họ không bắt buộc phải đầu tư chứng khoán. Vì thế, nếu Nhà nước muốn thị trường phát triển, cần có chính sách hỗ trợ và việc giãn thu thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán là chính sách thể hiện việc muốn phát triển thị trường.

Thị trường ổn định sẽ tốt cho DN thực hiện các kế hoạch huy động vốn, giúp TTCK thực hiện đúng chức năng của nó. Vì vậy, giãn thu thuế là vì lợi ích của thị trường, của DN niêm yết, chứ không chỉ lợi ích của NĐT.


Ông Lê Trung Thành,
Phó trưởng bộ môn TTCK, Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội

Tôi nghĩ, việc thu thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán là điều bình thường. Theo Luật, NĐT phải tuân thủ. Tuy nhiên, quan trọng là thời điểm nào thực hiện việc thu thuế.

Theo tôi, ở thời điểm này, nên giãn thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán vì hai lý do. Thứ nhất, TTCK thế giới suy giảm nghiêm trọng và TTCK Việt Nam cũng bám sát thị trường thế giới nên giảm theo. Tình hình thị trường lúc này không thuận lợi, việc đánh thuế không khuyến khích thu hút thêm NĐT. Vì thế, giãn thuế là việc làm cụ thể, thiết thực của Chính phủ hỗ trợ NĐT.

Lý do thứ hai là việc thu thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt công nghệ, không chỉ tại ngành thuế mà ở các CTCK. Một vấn đề đơn giản là cung cấp sao kê cho NĐT, nhưng đến nay không phải công ty nào cũng làm được. Vì thế, công nghệ thông tin của CTCK phải được cài đặt phần mềm tính thuế, nâng cấp về tốc độ xử lý, đào tạo về phương pháp tính thuế… nếu không sẽ xảy ra nhiều vấn đề giữa NĐT, CTCK và cơ quan thuế.

Theo tôi, nên giãn thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán trong vòng 6 tháng, khoảng thời gian đủ để các CTCK chuẩn bị cũng như chờ đợi thị trường có những tín hiệu tốt hơn.


Ths Lê Đạt Chí,
Khoa tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP. HCM

Theo Luật, đầu năm tới, khoản cổ tức của NĐT cá nhân sẽ phải nộp thuế nên thời gian gần đây có hiện tượng các DN niêm yết trả cổ tức cao bằng tiền mặt nhằm tránh thuế cho cổ đông. Tôi nhìn nhận sự việc này ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, các DN trả cổ tức năm 2008 trước báo cáo kinh doanh được kiểm toán nên chưa thể đánh giá chính xác nguồn tiền DN dùng cho việc chi trả cổ tức có thực sự xuất phát từ lợi nhuận của DN hay không. Nên chăng, cơ quan quản lý cần có quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này. Thứ hai, nhiều DN chia cổ tức ở mức cao, gần bằng lợi nhuận đạt được trong cả năm 2008 nên tôi quan ngại về khả năng tái đầu tư, mở rộng và phát triển sản xuất của các DN này trong thời gian tới, khi nền kinh tế phục hồi. Thứ ba, việc chi trả cổ tức cao của DN cần được nhìn nhận trong mối quan hệ với chủ nợ - ngân hàng. Các DN Việt Nam thường sử dụng vốn vay lớn nên việc chi trả cổ tức cao có thể dẫn tới thời gian trả nợ lâu hơn, làm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng lên. Do đó, khi ngân hàng cho DN vay vốn phát triển dự án nên có kiến nghị về cổ tức để cả hai cùng phát triển. Thực tiễn ở nước ngoài, trong trường hợp lạm phát cao và DN có các dự án phát triển, DN thường không trả cổ tức bằng tiền mặt.