“Thủng lưới” phút 89, nhẹ gánh trách nhiệm!

“Thủng lưới” phút 89, nhẹ gánh trách nhiệm!

(ĐTCK) Một số công ty xin ý kiến cổ đông giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2012 khi chỉ còn vài tuần nữa là tờ lịch cuối cùng của năm được xé bỏ.

Việc này, theo ý kiến của các chuyên gia là không có ý nghĩa gì với công tác quản trị hay xây dựng kế hoạch mới, chủ yếu chỉ nhằm làm nhẹ gánh trách nhiệm của ban điều hành DN mà thôi.

Trong số các công ty điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012 có cả những đại gia như Vietinbank xin giảm 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Những DN nhỏ hơn xin điều chỉnh kế hoạch giảm lợi nhuận từ 20 - 40%, cá biệt có những công ty như QNC xin giảm tới 80% kế hoạch lợi nhuận. Vì kế hoạch kinh doanh năm 2012 đã được ĐHCĐ thông qua từ quý I, nên khi HĐQT muốn điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, hầu hết đều phải xin ý kiến ĐHCĐ thông qua. Việc điều chỉnh khi năm mới cận kề ai cũng hiểu là để hợp thức hóa kết quả đã thực hiện, chứ không còn đủ thời gian để xây dựng kế hoạch cho chỉ tiêu mới.

“Thủng lưới” phút 89, nhẹ gánh trách nhiệm! ảnh 1

Vietinbank đã xin giảm 1.500 tỷ đồng lợi nhuận kế hoạch năm 2012

Bình luận về động thái này, một lãnh đạo của Sở GDCK TP. HCM cho rằng, việc điều chỉnh chủ yếu để trách cho HĐQT và ban điều hành bị chất vấn quá gay gắt tại ĐHCĐ sắp tới. T.S Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM cũng đồng quan điểm này khi đặt câu hỏi: “Kế hoạch kinh doanh điều chỉnh làm gì khi năm đã hết? Phải chăng là để ban điều hành có thể lấp lửng trong báo cáo tổng kết là đã hoàn thành kế hoạch ĐHCĐ thông qua”.

Một số nhà đầu tư nhỏ khi được hỏi về vấn đề này thì cho rằng, việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận còn có thể ảnh hưởng đến lương thưởng của ban điều hành và HĐQT, nên dù đã muộn nhưng nhiều công ty vẫn muốn xin điều chỉnh kế hoạch để cho đạt.

Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, HĐQT có đủ thẩm quyền để thông qua kế hoạch kinh doanh ngắn hạn, còn các kế hoạch trung và dài hạn, kế hoạch đầu tư lớn phải thông qua ĐHCĐ. Luật không phân định rõ, nhưng theo thông lệ, kế hoạch kinh doanh trong 1 năm có thể coi là ngắn hạn, trung hạn là 3 năm và dài hạn là 5 năm. Nhưng thực tế là hầu hết các công ty đều trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh một năm mà thiếu một chiến lược kinh doanh trung hạn và dài hạn. Bản chất của việc không phân định một cách rạch ròi quyền của 2 cơ quan HĐQT và ĐHCĐ, theo một thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp là muốn hai cơ quan này kết hợp với nhau, vì bản chất thành viên HĐQT là người đại diện cho ĐHCĐ. Việc trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh 1 năm có điểm tích cực là gắn với trách nhiệm giải trình của HĐQT, ban điều hành về kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều công ty niêm yết hiện nay thì thành viên HĐQT và ban điều hành đóng vai trò là người làm thuê hơn là người làm chủ thực sự, vì thế việc thông qua kế hoạch kinh doanh thường được xem trọng tính pháp lý hơn là về nội dung. Khi có vấn đề với kế hoạch kinh doanh, người xây dựng và thực hiện kế hoạch đó thường lấy lý do là đã được ĐHCĐ thông qua.

Ông Chí cho rằng, đa phần cổ đông đều thông qua một kế hoạch kinh doanh mà họ không biết và không đủ thông tin để biết. Chỉ có ban điều hành mới có đủ thông tin về giá cả sản phẩm, thị trường, bí quyết cạnh tranh… để đánh giá về tính khả thi của kế hoạch. Vì thế, việc đẩy trách nhiệm thông qua kế hoạch kinh doanh cho ĐHCĐ nhiều khi chỉ là cách để phân tán thời gian nghị sự của đại hội, hướng cổ đông vào tranh luận những vấn đề mà họ không đủ thông tin để nắm bắt mà quên đi những vấn đề thực sự cần kiểm soát như các khoản chi phí hợp lý, khoản đầu tư…

Theo quan sát của phóng viên ĐTCK, nhiều ĐHCĐ thông qua kế hoạch chủ yếu là tin vào ban điều hành. Có thông tin ban điều hành giải trình đầy đủ, nhưng có thông tin ban điều hành cho rằng đó là bí mật kinh doanh thì cổ đông cũng buộc phải chấp nhận. Còn việc thực hiện kế hoạch thế nào, rõ ràng là thuộc về năng lực của ban điều hành.

Một điểm nữa, theo các chuyên gia là cần nhìn nhận lại khi một số công ty điều chỉnh kế hoạch dù đã gần hết năm là, thời điểm xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm mới thường quá muộn. Theo thông lệ quốc tế, các công ty thường hoàn thành xây dựng kế hoạch năm mới vào tháng cuối của năm trước, tức thời điểm này một kế hoạch kinh doanh cho năm 2013 đã phải được HĐQT thông qua để bộ máy công ty bắt tay thực hiện ngay từ quý I. Tuy nhiên, hầu hết các công ty niêm yết ở Việt Nam đều đến hết quý I, thậm chí đến hết quý II, mới tổ chức ĐHCĐ để thông qua kế hoạch kinh doanh.

Vì vậy, để hoạt động của DN thực sự có định hướng, HĐQT nên sớm xây dựng và thông qua kế hoạch năm để thực hiện. Sau đó, đến kỳ ĐHCĐ, xem xét điều chỉnh kế hoạch nếu cần để xin ý kiến ĐHCĐ thông qua hoặc đơn giản chỉ để thảo luận, góp ý xây dựng mà không cần ĐHCĐ thông qua, bởi Luật Doanh nghiệp cho phép HĐQT xây dựng kế hoạch kinh doanh ngắn hạn cho DN. Hơn ai hết, HĐQT, ban điều hành phải là người chịu trách nhiệm về việc thực hiện kế hoạch kinh doanh đã đặt ra và nếu không thực hiện được thì tốt nhất nên sớm điều chỉnh, chứ không nên im lặng rồi đẩy trách nhiệm thông qua cho ĐHCĐ vào phút chót.