Trính lập dự phòng: chuyện ‘nóng’ khi thị trường ‘lạnh’

(ĐTCK-online) Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa gửi công văn đến các công ty niêm yết yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc trích lập quỹ dự phòng tổn thất đầu tư tài chính theo yêu cầu của Thông tư 13/2006/TT - BTC ngày 27/2/2006 của Bộ Tài chính. Theo khoản 4, mục I của thông tư này: “đối với các doanh nghiệp niêm yết phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ thì được trích lập và hoàn nhập dự phòng cả thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ”.

Theo đánh giá của HOSE, báo cáo tài chính quý I/2008 cho thấy, khá nhiều công ty niêm yết chưa trích lập dự phòng. Trong khi đó, việc trích lập dự phòng có thể giúp doanh nghiệp đầu tư tài chính có nguồn tài chính bù đắp khi xảy ra tổn thất, đảm bảo cho các doanh nghiệp phản ánh giá trị các khoản đầu tư tài chính không cao hơn giá cả trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Điểm qua một số công ty niêm yết, con số lập dự phòng cho đầu tư tài chính ảnh hưởng tương đối lớn đến lợi nhuận của công ty. Điển hình là REE, sau khoản lập dự phòng tài chính 160,68 tỷ đồng cho các chứng khoán có giá thị trường giảm so với giá đang hạch toán trên sổ sách kế toán tại thời điểm 31/3/2008, trong tháng 4, REE tiếp tục lập dự phòng đầu tư tài chính là 22,15 tỷ đồng. Trích lập dự phòng làm lợi nhuận lũy kế trước thuế 4 tháng đầu năm của REE âm (-) 107,47 tỷ đồng. Trong quý I, VNM cũng đã trích lập dự phòng 73 tỷ đồng cho các khoản đầu tư chứng khoán; Sacombank trích lập dự phòng 102 tỷ đồng cho giảm giá chứng khoán…

Báo cáo tài chính quý I/2008 của VIC có ghi khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 1.329 tỷ đồng và  513,891 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, nhưng cũng chưa trích lập quỹ dự phòng. Một số công ty khác cũng chưa trích lập dự phòng đầu tư tài chính trong quý I là DHG, SMC, SAV, PAN…

Yêu cầu công ty niêm yết trích lập dự phòng đầu tư tài chính theo quy định là rất cần thiết để nhà đầu tư đánh giá được mức độ rủi ro có thể xảy ra với công ty. Tại nhiều ĐHCĐ, danh mục các khoản đầu tư tài chính được các cổ đông quan tâm đặc biệt và yêu cầu công bố, nhưng ít khi yêu cầu này được đáp ứng hoặc nếu có thì cũng đề nghị được trả lời riêng. Điều này cho thấy, danh mục đầu tư tài chính của một số doanh nghiệp niêm yết là rất “nhạy cảm” để thông tin rộng rãi.

Nếu doanh nghiệp niêm yết chạy theo thành tích, ngại giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ do trích lập dự phòng thì có thể làm thiệt hại đến lợi ích của cổ đông một lần nữa. Bởi ngay từ cuối năm 2007, xu thế giảm giá của thị trường đã được dự đoán tương đối rõ ràng, dù mức độ giảm sâu như hiện nay là khó lường tới; nếu các công ty trích lập dự phòng tài chính thỏa đáng hơn thì khoản tiền thuế phải nộp sẽ thấp hơn và ảnh hưởng từ sự thua lỗ trong đầu tư tài chính năm nay sẽ giảm đi.

Th.s Lê Đạt Chí, Khoa Quản trị Kinh doanh Trường đại học Kinh tế TP. HCM nhận xét, nhiều công ty đã lách bằng cách chuyển khoản đầu tư cổ phiếu sang đầu tư tài chính dài hạn để khỏi trích lập dự phòng trực tiếp. Hơn nữa, do thị trường mất tính thanh khoản nên khoản đầu tư ngắn hạn cũng bất đắc dĩ phải chuyển sang dài hạn. Mà dù là ngắn hạn hay dài hạn đều khó có khả năng bán ra trên thị trường. Do vậy, các DN đầu tư cổ phiếu không vì mục đích kiểm soát doanh nghiệp được đầu tư đều được xem là vì mục đích thương mại và cần trích lập dự phòng.

Liên quan đến các khoản đầu tư tài chính và rủi ro, ông Chí còn đặc biệt lưu ý bài học trong quá khứ, khi người đại diện Quỹ đầu tư và phát triển đô thị TP. HCM đã phải từ chức do từ bỏ quyền mua cổ phiếu trong các công ty REE, TDH… “Trong số các thương vụ của những công ty có hoạt động đầu tư tài chính cả ngắn hạn và dài hạn thì có bao nhiêu vụ mà các cổ đông trong công ty không biết đến những việc tương tự như trên?”, ông Chí đặt câu hỏi. Thực tế hiện nay, với những nội dung công bố thông tin quá sơ sài thì các cổ đông không thể giám sát được những hoạt động đầu tư này nếu sự việc không bị vỡ lở do công ty bị thua lỗ quá nặng. Mặt khác, do việc từ chối thực hiện quyền phát hành thêm hoặc bán quyền nên có thể số lượng cổ phần của khoản đầu tư không thay đổi nhưng sẽ giảm đi về tỷ trọng sở hữu.

Nhà đầu tư đã bao giờ thử tìm hiểu xem phần vốn góp của các cổ đông lớn trong những doanh nghiệp cách đây trên 2 năm, thay đổi như thế nào? Phần vốn của công ty niêm yết đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, các công ty liên kết thay đổi ra sao?

Trong những báo cáo công bố ra thị trường định kỳ hàng năm ở những thị trường phát triển, thường có báo cáo “vốn cổ phần”, cũng như những chi tiết của các thương vụ đầu tư góp vốn. Ông Chí cho rằng, ở thị trường Việt Nam , những thông tin về các thương vụ này không nên là bí mật của công ty. Thiết nghĩ, UBCK, Bộ Tài chính cần nâng cao tiêu chuẩn DN công bố thông tin về hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn, nhằm bảo vệ thị trường, bảo vệ nhà đầu tư.