VAFI "tung" 4 công văn kiến nghị chính sách thuế

VAFI "tung" 4 công văn kiến nghị chính sách thuế

(ĐTCK) Trước tình trạng dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN đối với lĩnh vực chứng khoán chưa giải quyết ­ nhiều bất cập bức bối, chỉ trong tháng 6/2012, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có tới 4 công văn gửi Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) góp ý cho dự thảo này.

> Chính sách thuế “bóp nghẹt” ngành quỹ?

Nhiều “khoảng trống” khái niệm

Theo VAFI, ngay những quy định tưởng như đơn giản nhất là các khái niệm liên quan đến lĩnh vực thuế chứng khoán, đã không được dự thảo Thông tư đề cập đầy đủ, rõ ràng, trong khi đây là tồn tại từ lâu và là nguyên nhân gây nên những cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng luật. Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong nhiều năm qua, nhưng đến nay chưa có lời giải, là phân biệt sự khác nhau giữa chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng vốn, từ đó dẫn đến cách áp dụng mức thuế khác nhau. Thế nhưng, dự thảo Thông tư vẫn không làm rõ các khái niệm này.

Muốn khắc phục tình trạng trên, đồng thời để tạo sự mạch lạc, dễ áp dụng cho chính sách thuế khi có hiệu lực, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ (QLQ) đề nghị, dự thảo Thông tư cần phân loại chứng khoán theo 3 nhóm chính là chứng khoán vốn, chứng khoán nợ và chứng khoán phái sinh. Khái niệm về các loại chứng khoán này nên được làm rõ theo thông lệ quốc tế, để từ đó định ra sắc thuế phù hợp, tránh tình trạng không rõ ràng, dễ dẫn đến sự tùy tiện, chủ quan trong áp mức thuế như hiện tại.

Theo VAFI, để tránh “mù mờ” khi áp dụng, dự thảo Thông tư cũng cần bổ sung một loạt khái niệm như: cổ phần ưu đãi cổ tức, trái phiếu phát hành quốc tế, chứng chỉ lưu ký toàn cầu…

 

3 loại thuế đều bất ổn

Theo 4 công văn mà VAFI gửi tới Vụ Chính sách thuế, cả 3 loại thuế đang đánh vào lĩnh vực chứng khoán là thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đều bộc lộ nhiều bất hợp lý. Nhưng thực trạng này chưa được giải quyết trong dự thảo Thông tư, nếu không muốn nói là có thêm những quy định theo hướng gia tăng nghĩa vụ thuế đối với NĐT chứng khoán so với quy định hiện hành.

VAFI kiến nghị, dự thảo Thông tư cần bổ sung ít nhất 3 hoạt động kinh doanh chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: các hoạt động huy động vốn của DN, của quỹ đầu tư (chứng khoán); các hoạt động liên quan đến phát hành trái phiếu DN và hoạt động cho vay chứng khoán.

Về thuế TNDN, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, để dự thảo Thông tư rõ ràng, dễ hiểu, nên phân loại các tổ chức được thành lập theo pháp luật trong nước thành 2 nhóm: các CTCK, công ty quản lý quỹ lấy nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán là ngành nghề kinh doanh chính; các tổ chức có hoạt động đầu tư chứng khoán song không phải là ngành nghề chính hay có tính chất thường xuyên. Việc phân loại này sẽ tạo sự thuận tiện cho việc đưa ra quy định về các khoản chi phí, trên cơ sở đó xác định thu nhập tính thuế chuẩn xác, hợp lý.

Góp ý về thuế TNCN, VAFI kiến nghị, Ban soạn thảo Thông tư nên quy định chi tiết các phương pháp tính thuế cho nhóm đối tượng chịu thuế khoán là NĐT cá nhân trong nước và nước ngoài, bởi họ không thể hạch toán chi tiết như DN. Nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng này phải bình đẳng như nhau trong mọi trường hợp, bao hàm cả việc chuyển nhượng cổ phiếu niêm yết và không niêm yết, với mức thuế khoán là 0,1% giá bán tính cho từng lần giao dịch. Dự thảo Thông tư phân biệt hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu của công ty cổ phần đại chúng niêm yết và chuyển nhượng cổ phiếu của công ty cổ phần không đại chúng để áp mức thuế khác nhau là tiếp tục bỏ qua bất cập đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Trao đổi với ĐTCK ngày 30/6, đại diện một số công ty QLQ cho biết, theo dự thảo Thông tư mới nhất (sau khi tổng hợp ý kiến của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính), khi thanh lý quỹ, ngoài công ty QLQ phải chịu thuế suất thuế TNDN 25% của phần chênh lệch giữa giá trị của tài sản nhận được với giá trị vốn đầu tư vào quỹ ban đầu, NĐT phải chịu mức thuế 5% trên tổng lợi tức mà quỹ chia cho họ… Các loại thuế này có thuế suất quá cao và có biểu hiện chồng chéo. Thực tế, các quỹ sẽ bán danh mục đầu tư trước khi thanh lý, nên họ đã chịu thuế chuyển nhượng chứng khoán với mức 0,1% giá chuyển nhượng danh mục. Do đó, những khoản vốn thu được sau thanh lý quỹ không phải chịu thêm bất kỳ loại thuế nào mới hợp lý.

Theo ông Hải cũng như các thành viên thị trường khác, VAFI đang nóng lòng chờ đợi đại diện Bộ Tài chính sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho những đề xuất, kiến nghị trên tại Hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư dự kiến diễn ra ngày 3/7 tới, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Vụ Chính sách thuế tổ chức.

Theo VAFI, chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán được bắt đầu áp dụng từ năm 2004, đến nay đang bộc lộ nhiều hạn chế. Lẽ ra phải coi chứng khoán là ngành mũi nhọn để được hưởng ưu đãi về thuế… nhằm phát triển hiệu quả thị trường vốn như định hướng của Chính phủ, thì đang ngược lại. Dòng vốn đầu tư vào TTCK đầy rủi ro đang bị đánh thuế cao, khiến các dòng vốn này bị chặn lại, làm DN khó huy động vốn qua TTCK, hệ thống NĐT tổ chức trong nước ngày càng suy yếu.