Ông Quách Mạnh Hào

Ông Quách Mạnh Hào

VN-Index 800 điểm: Thật hay đùa?

(ĐTCK-online) Một số trang báo điện tử và diễn đàn đang trích dẫn lời của Tiến sỹ Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc CTCK Thăng Long dự báo thị trường cuối năm đạt 700 - 800 điểm. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK online, ông Hào khẳng định, đó là một thông tin không phản ánh trung thực nhận định của ông. ĐTCK đã phỏng vấn ông Hào xung quanh những câu chuyện thị trường lúc này.

Là chuyên gia phân tích kỹ thuật (PTKT), theo ông, nếu dựa trên PTKT thì xu hướng thị trường sẽ ra sao?

Thực tế thì PTKT là một công cụ tôi sử dụng nhưng tôi nghĩ rằng phương pháp phân tích của tôi là phương pháp phân tích định lượng hơn là thuần túy PTKT. Bên cạnh đó thì những kiến thức về tài chính hành vi cũng đã trợ giúp tôi rất nhiều trong quá trình nghiên cứu.

Những diễn biến hiện tại cho thấy thị trường chưa thể hiện dấu hiệu của sự bứt phá. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động hội tụ quanh mức điểm 543+/-10 điểm và quả thực rất khó để dự báo thị trường sẽ dao động trong bao lâu. Những quan sát về mặt kỹ thuật ban đầu cho thấy thị trường đã tạo ra điều kiện cần thiết cho một chu kỳ tăng điểm mới, bao gồm việc thị trường hội tụ và khối lượng giao dịch (KLGD) giảm dần và ở mức thấp. Điều kiện đủ chúng ta cần là một sự tăng trưởng mạnh của KLGD. Khi đó, thị trường sẽ bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.

 

Vậy còn những yếu tố cơ bản?

Thực sự những yếu tố cơ bản đóng vai trò trong việc chỉ ra một xu hướng lớn, chẳng hạn suy thoái, ổn định, hay là hồi phục, hơn là trong vịệc giải thích những biến động lên xuống của thị trường. Nhìn chung, các biến số của nền kinh tế thực đều ở mức tốt, chẳng hạn tăng trưởng GDP vào khoảng 4,6% từ đầu năm và 5,8% so với năm trước. Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt tới 6,5%, một con số tốt hơn nhiều so với những dự báo thực hiện từ đầu năm. Một yếu tố khác là lạm phát cũng đang nằm ở mức vừa phải, vào khoảng 2,99% so với năm trước và 3,13% tính từ đầu năm. Các con số về FDI và cán cân thanh toán cũng ở mức hợp lý. Như vậy, chúng tôi nhận thấy nền kinh tế thực đang trong đà tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, vấn đề của TTCK theo tôi là tâm lý và dòng tiền. Chỉ số niềm tin nhà đầu tư của chúng tôi đã sụt giảm mạnh trong thời gian qua và hiện tại đang nằm ở mức thấp tương đương với đầu năm 2009 và tháng 7/2009. Nhưng điều quan trọng là chỉ số này đã dừng giảm, nghĩa là tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại. Còn về dòng tiền, nhà đầu tư quan tâm tới hai vấn đề: công thức tạo tiền từ các hoạt động đòn bẩy và vấn đề tăng trưởng tín dụng đã đạt 33% cao hơn mức mục tiêu. Theo quan điểm của tôi, đó đúng là vấn đề và thực sự thì thị trường đã sụt giảm mạnh thời gian qua. Nói đúng hơn, đó là điều đã xảy ra hơn là tiếp tục xảy ra.

 

Mấy hôm nay trên các trang báo điện tử và các diễn đàn có trích dẫn rằng, ông dự báo thị trường cuối năm đạt 700 - 800 điểm, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Đó là một thông tin không phản ánh trung thực nhận định của tôi. Câu chuyện thực tế đã diễn ra như thế này: trong buổi hội thảo do CTCK Sacombank tổ chức, trong phần trình bày của mình về vấn đề tăng trưởng GDP, anh Lê Bá Hoàng Quang (SBS) đã nói vui rằng, “nếu tốc độ tăng trưởng GDP từ quý I đến quý III cứ quý sau tăng so với quý trước 50% thế này, thì với quý I VN-Index khoảng 235 điểm, quý II khoảng 500 điểm, quý III khoảng 600 điểm thì tại sao chúng ta không nghĩ tới VN-Index sẽ ở mức nào đó chẳng hạn 800 điểm vào cuối năm”. Cả hội trường vỗ tay vì câu nói vui của anh ấy. Đến phần tôi trình bày, tôi đã trêu anh Quang như thế này: “giả sử mối tương quan giữa GDP và VN-Index như anh Quang nói là đúng, thì tôi cũng không dám kỳ vọng VN-Index đạt tới 800 điểm, mà thấp hơn, chẳng hạn 50 điểm, cho an toàn”. Những người tham dự hội nghị hiểu rằng đó là một câu nói hoàn toàn vui, bởi trong phần trình bày của mình và phần trả lời câu hỏi sau đó, tôi luôn khẳng định quan điểm của mình về thị trường là “tiếp tục dao động trong khoảng 543+/-10, nhưng tôi tin tháng 1/2010 sẽ là một tháng tốt, sự chuyển động có thể đến từ tháng 12/2009”. Thật may là tất cả những nghiên cứu của tôi đều được cập nhật và lưu trữ thường xuyên tại trang web cá nhân www.quachhao.com, nhà đầu tư có thể tham khảo để biết quan điểm về thị trường.

 

Nhưng nếu dự báo đó biết đâu lại đúng thì sao, thưa ông?

Điều đó không quan trọng. Quan trọng là sự phản ánh trung thực thông tin. Tôi đã đọc qua một vài bài báo khác và nhận thấy họ đã phản ánh trung thực nội dung của cuộc hội thảo. Như vậy, với những nhà đầu tư, thực tế họ đang phải đối mặt với không chỉ tin đồn thất thiệt, mà còn là sự trung thực của thông tin được cung cấp.

Năm 2007 tôi cũng đã gặp một trường hợp tương tự nhưng phần lớn là do lỗi của tôi đã không để ý hiệu đính lại bài, mặc dù đã được phóng viên gửi lại trước khi đăng. Trong bài báo hồi đó, các báo và diễn đàn đã giật tiêu đề “Chỉ có 0,1% khả năng VN-Index giảm xuống dưới 960 điểm”. Câu này sau đó đã trở nên nổi tiếng và cũng đã phá hỏng cái tên Quách Mạnh Hào từ thời điểm đó. Vậy đâu là sự thật? Sự thật là câu đó đúng, nhưng thiếu mất cụm từ “trong tháng 11,” mặc dù trong nội dung bài viết tôi đã giới thiệu rằng mô hình dự báo của tôi là dùng để dự báo cho thời điểm cuối mỗi tháng. Nếu bạn đọc thế này “Trong tháng 11, chỉ có 0,1% khả năng VN-Index giảm xuống dưới 960 điểm”, thì câu chuyện đã trở nên khác hoàn toàn. Nếu bạn để ý, thì chỉ trước đó vài ngày báo chí cũng đăng bài viết “Phân tích kỹ thuật hay trò chơi của cáo và thỏ”. Hai nghiên cứu đó thực ra được viết đồng thời, nên không thể có quá nhiều sự khác biệt như vậy.

Tôi biết rằng, sẽ thật khó để nói lại với công chúng nên tôi đã lựa chọn giải pháp là tiếp tục nghiên cứu và giới thiệu lại nghiên cứu của mình nhằm giúp công chúng có cách nhìn khách quan hơn. Và như bạn thấy, từ đầu năm nay, tôi đã trở lại thị trường với mô hình và Tạp chí Nhà đầu tư (The Investor Journal) với cùng một phương pháp tiếp cận định lượng, phát hành hàng tuần. Tôi đã cẩn thận hơn khi luôn nhấn mạnh rằng mọi dự báo chỉ có giá trị trong vòng một tuần.

 

Qua những sự việc trên, ông có lời khuyên nào với nhà đầu tư?

Trong đầu tư chứng khoán, thông tin trung thực là điều quan trọng. Nhà đầu tư cần phải tiếp cận nguồn tin một cách gần nhất có thể để có thông tin sát thực. Bạn thấy đấy, ngay cả những nguồn từ báo chí đôi khi cũng tạo ra những sự hoài nghi thì rõ ràng chúng ta cần rất phải thận trọng với những tin đồn trôi nổi trên thị trường.

Một điểm quan trọng nữa là nhà đầu tư cần phải có thông tin cập nhật và luôn cập nhật thông tin. Vì lý do này mà đi kèm với Tạp chí Nhà đầu tư, tôi cũng hàng ngày gửi thông điệp tới khách hàng của mình về những phát sinh của thị trường thông qua bản tin My Technical View.

 

Trên thị trường trước đó có những thông tin liên quan tới giải chấp, hay là việc các công ty lớn “đánh nhau” tranh giành thị phần, hoặc gần đây là những câu chuyện xung quanh vấn đề “Tam quốc diễn nghĩa”, ông có bình luận gì?

Tôi đã từng đưa ra thông điệp rằng, tại CTCK Thăng Long không ép khách hàng giải chấp. Tôi nghĩ đơn giản rằng nếu thị trường xấu, tự thân nhà đầu tư biết họ phải làm gì. Bất cứ việc ép buộc nào cũng chỉ mang lại thiệt hại cho các bên bởi càng ép thì nguy cơ rủi ro càng cao và chúng ta lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn.

Còn việc các công ty “đánh nhau” tranh giành thị phần, tôi nghĩ rằng đó là một câu chuyện đồn đoán trên thị trường. Tôi cũng đọc được những bình luận chẳng hạn “công ty này đánh lên thì công ty kia đánh xuống”, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Với tôi, TTCK là cuộc chơi của những con người đầy toan tính. Họ sẽ hành động tốt nhất vì lợi ích kinh tế của mình. Đây là nguyên lý trò chơi đơn giản, nếu ai đó sai lầm họ sẽ phải trả giá. Câu chuyện về “Tam quốc diễn nghĩa” cũng là một sự sáng tạo của những đồn đoán nêu trên.

 

Vậy theo ông, tại TTCK Việt Nam, thị phần của các CTCK thời gian qua có ý nghĩa gì?

Thị phần của các CTCK thời gian qua đơn giản chỉ phản ánh cục diện của cuộc chơi tại thời điểm hiện tại. Với cá nhân tôi, tôi đánh giá rằng SSI là một công ty lớn và thực sự thì chúng tôi đang rất cố gắng để có thể làm được những gì mà họ đã làm cách đây vài ba năm. Những công ty khác tôi nghĩ cũng cùng một suy nghĩ và mong muốn như chúng tôi. Tóm lại, sẽ không ngạc nhiên nếu các công ty nhỏ hơn đang có gắng để khẳng định mình bởi đó đơn giản là quy luật của sự phát triển.

 

Nếu có thể nói về bức tranh TTCK trong 5 năm tới, ông sẽ nói gì?

Năm năm là một khoảng thời gian tương đối dài trong lĩnh vực TTCK. Tôi nhìn nhận rằng sự cạnh tranh giữa các công ty sẽ trở nên quyết liệt hơn, và kết quả của quá trình đó tất nhiên sẽ là tốt đẹp hơn với toàn thị trường. Nhà đầu tư sẽ được tiếp cận tới công nghệ cao hơn và thông tin nhanh chóng cập nhật hơn, các dịch vụ tài chính và chứng khoán cũng sẽ đầy đủ hơn và nhiều hơn. Một xu hướng khác sẽ là sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư nước ngoài, sự xuất hiện nhiều các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư sẽ có xu hướng đầu tư thông quan các quỹ đầu tư. Đồng thời, xu thế sáp nhập và liên minh giữa các CTCK cũng sẽ trở nên chặt chẽ hơn.