Lướt sóng hay đầu tư giá trị cũng nhắm tới cái gọi là mức lợi nhuận kỳ vọng.

Lướt sóng hay đầu tư giá trị cũng nhắm tới cái gọi là mức lợi nhuận kỳ vọng.

Xu hướng đầu tư mới: Vừa lướt sóng, vừa đầu tư giá trị

(ĐTCK-online) Khi mà TT vẫn còn ưa chuộng đầu tư theo tin đồn và có cơ hội cho tin đồn, thì xem ra, trường phái dung hòa vừa lướt sóng vừa đầu tư giá trị sẽ được mở rộng.

Cách đây 1 tháng, có thông tin trên thị trường về việc CTCP Cơ điện lạnh (REE) sẽ chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 1:1. Tuy nhiên, REE có tiếng là minh bạch thông tin, nên tin đồn ở mức nhẹ nhàng này không đủ để giá cổ phiếu REE “chạy”, dù nhìn trên bản báo cáo tài chính, thặng dư vốn của REE đủ để chia 1:1.

Cũng 1 tháng trước đây, trên thị trường có thông tin CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) chia thưởng 1:1, khiến cổ phiếu tăng giá từ 33.000 đồng/CP lên gần 39.000 đồng/CP, với khối lượng giao dịch tăng khá mạnh so với mức trung bình của thời gian trước đó.

Điển hình nhất trong các cổ phiếu “đánh” theo tin đồn thời gian gần đây là cổ phiếu KDC. Thông tin KDC bán đất hạch toán lợi nhuận, hay chia cổ phiếu 20% được giới thạo tin tận dụng tạo “sóng” khá ngoạn mục, đưa giá cổ phiếu KDC từ 62.000 đồng/CP lên 72.000 đồng/CP. Giá cổ phiếu ITA của Tập đoàn Tân Tạo cũng vừa thiết lập mức giá đỉnh 40.200 đồng/CP vào ngày 15/3 khi có thông tin trả cổ tức và chia cổ phiếu, tổng cộng 70% trong năm 2010.

Nhìn vào khối lượng giao dịch những cổ phiếu bị “làm giá” theo tin chia thưởng cổ phiếu có thể nhận thấy một đặc điểm chung là, trước khi giá các cổ phiếu này bắt đầu tăng mạnh thì khối lượng giao dịch đã tăng lên tương đối, do có một bộ phận NĐT nắm bắt được thông tin mua gom dần dần. Sau đó, thông tin được truyền lan rộng, các nhóm “đánh sóng”, “làm giá” bắt đầu vào cuộc với lượng đặt mua lớn, đẩy giá các cổ phiếu có tin đồn tăng cao.

Theo ông Phạm Thành Thái Lĩnh, Trưởng phòng nghiên cứu thị trường và đầu tư, CTCK Bảo Việt, trong năm nay, rất nhiều DN có kế hoạch tăng vốn bằng cách chia thưởng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu mới. NĐT rất thích những thông tin như thế và đây là lý do để thị trường “không có lý do để đi xuống”.

Trong thời điểm hiện nay, nhiều DN có kế hoạch chia thưởng cổ phiếu đồng nghĩa với việc thị trường sẽ có nhiều tin đồn, nhất là khi không ít DN bắt đầu xây dựng kế hoạch chia thưởng cổ phiếu trình ĐHCĐ.

Một NĐT chuyên “đánh” cổ phiếu theo tin đồn ở sàn chứng khoán Thăng Long cho biết: “Tính xác thực của thông tin có thể được kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau, như từ cổ đông nội bộ công ty niêm yết, từ CTCK tư vấn kế hoạch phát hành. Nhưng nhiều khi chỉ cần có nhiều NĐT lớn mua vào thì mua theo để lướt sóng”.

“Đánh cổ phiếu kiểu này lời thì nhanh, nhưng lỗ cũng nặng”, NĐT này nói. Nguyên nhân là trong điều kiện hiện nay của TTCK, NĐT vẫn giữ tâm lý thận trọng, luôn có tâm lý chốt lời ngắn hạn hoặc “đảo hàng” trước ngày T+4 để tránh rủi ro. Vì vậy, thông thường các cổ phiếu được làm giá theo các tin đồn chia thưởng không tăng lên được mức giá đỉnh như kỳ vọng hoặc tăng quá đà vài phiên như trong giai đoạn thị trường tăng “nóng”, mà tạo đỉnh ở mức giá thấp hơn, sau đó giảm xuống.

Sau khi giảm, các cổ phiếu này khó lòng tạo một đỉnh giá mới, do các tin đồn không còn đủ sức hấp dẫn với thị trường. Thậm chí, một vài cổ phiếu khi tin đồn được xác thực, được công bố thông tin chính thức, thì lại quay đầu giảm giá. Dòng tiền lại chuyển sang các cổ phiếu khác có tin đồn để tối đa hóa lợi nhuận.

Hiệp hội Các NĐT tài chính (VAFI) vừa khuyến cáo NĐT nên đầu tư giá trị trong điều kiện TTCK Việt Nam đã dần hoạt động ổn định hơn so với giai đoạn trước. Trong tương lai sẽ không có những “con sóng” lớn hoặc sẽ giảm hẳn việc đầu tư theo kiểu “phi giá trị”.

VAFI nhận định, trường phái đầu tư theo giá trị đang dần hình thành và phát triển trong khu vực NĐT có tổ chức, cổ đông nội bộ và một bộ phận NĐT cá nhân. Thực tế, trong giai đoạn hiện nay, nếu “lướt sóng” thành công thì NĐT cũng phải dựa vào một danh mục đầu tư giá trị.

Thực tế thị trường cho thấy, hành động lướt sóng và đầu tư giá trị không mẫu thuẫn với nhau như trước. Vấn đề là lướt sóng hay đầu tư giá trị cũng nhắm tới cái gọi là mức lợi nhuận kỳ vọng. Cả các tổ chức đầu tư cũng như cá nhân đầu tư đều sẵn sàng chốt lời khi đạt lợi nhuận kỳ vọng, sau đó mua lại cổ phiếu ở mức thấp hơn để tiếp tục quá trình đầu tư.

Thế nên mới có chuyện CTCK SSI và tổ chức liên quan đăng ký vừa mua vừa bán một loại cổ phiếu trong cùng một khoảng thời gian.

Khi mà thị trường vẫn còn ưa chuộng đầu tư theo tin đồn và có cơ hội cho tin đồn, thì xem ra, trường phái dung hòa vừa lướt sóng vừa đầu tư giá trị như trên sẽ được mở rộng.