Xu hướng khoáng sản hóa: Doanh nghiệp mới bước 1 chân

Xu hướng khoáng sản hóa: Doanh nghiệp mới bước 1 chân

(ĐTCK-online) Tại mùa họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, khá nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết đã báo cáo với cổ đông về kế hoạch mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực khoáng sản. Đây là lĩnh vực được xem là khá “béo bở”, lôi kéo các doanh nghiệp tham gia, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dù muốn và đã mon men sang nhưng mới chỉ “bước được một chân” vào lĩnh vực này.

Các DN nhóm ngành xây dựng như Licogi 13, Licogi 16, Licogi 16.6, Sông Đà 10… đã tận dụng ngay thế mạnh nội ngành để “bước chân” vào khai thác mỏ đá, vật liệu xây dựng... Nhóm DN thép như CTCP Thép Tiến Lên, CTCP Thép Phúc Tiến hay DN ngành điện tử điện lạnh như Nagakawa cũng lên kế hoạch khai thác mỏ. Tương tự, với chiến lược đa dạng hóa ngành nghề hoạt động, nhóm DN hoạt động đa ngành như FLC, Hanic.. hay CTCK cũng mon men đặt chân.

Ông Vũ Văn Tính, Tổng giám đốc CTCP Sông Đà 10 (SDT) cho biết, sắp tới, kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực khoáng sản của DN sẽ được bắt đầu từ việc đặt chân vào khai thác mỏ đá, vật liệu xây dựng. “Hiện SDT đang triển khai công tác thăm dò khảo sát để lập báo cáo đầu tư trình UBND tỉnh Hà Nam quyết định cấp phép khai thác mỏ đá vật liệu xây dựng tại huyện Thanh Liêm, Hà Nam để có thể khai thác trong quý IV/2011. Ngoài ra, Công ty cũng tiếp tục tìm kiếm đối tác để liên doanh, liên kết đầu tư vào các dự án khai thác khoáng sản khác”, ông Tính nói.

Trao đổi với Báo ĐTCK, ông Vũ Tuấn Đương, Chủ tịch HĐQT Licogi 13 (LIG) cho biết, lĩnh vực khai thác khoáng sản đối với DN xây dựng, thi công xây lắp chủ yếu là khai thác đá, tranh thủ thế mạnh sẵn có của một đơn vị thi công các công trình xây dựng. Hiện tại, LIG đang nghiên cứu cơ hội đầu tư mỏ đá ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh. “Việc đầu tư mỏ đá ngoài mục tiêu nâng cao năng lực khai thác thiết bị, dây chuyền đã đầu tư, trong 10 năm tới, LICOGI 13 còn hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm vật liệu xây dựng cho thị trường như đá dăm, cát xay, bê tông thương phẩm”, ông Đương nói.

Còn đối với Licogi 16.6 (LCS), việc tham gia vào lĩnh vực khai khoáng được thể hiện qua góp 4,4 tỷ đồng vốn đầu tư vào Công ty Sông Đà Cao Cường để xây dựng nhà máy sản xuất gạch nhẹ không nung và nhà máy sản xuất thạch cao tại Đình Vũ, Hải Phòng. “LCS hi vọng mảng gạch không nung, thân thiện với môi trường, được xem là một lĩnh vực mới và rất tiềm năng của ngành xây dựng trong tương lai, sẽ tạo tiền đề phát triển bền vững cho Công ty”, ông Vũ Công Hưng, Giám đốc LCS nói.

Tại CTCK Phố Wall (WSS), hiện Công ty có khoản đầu tư dài hạn 6,9 tỷ đồng vào CTCP Khoáng sản Thiên Đức. Theo WSS, đây là khoản đầu tư hiệu quả, hứa hẹn đem lại lợi nhuận tốt với mỏ đá Granite tại xã Canh Vinh, huyện Văn Canh, tỉnh Bình Định với trữ lượng 18,6 triệu m3, giá thành phẩm 10 triệu đồng/1m3.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sản xuất và thương mại Phúc Tiến (PHT) cho biết, năm 2011, PHT sẽ mở rộng sang lĩnh vực đầu tư khoáng sản. Hiện tại, Phúc Tiến đang khảo sát mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) và dự kiến mua 15 - 30% cổ phần của Công ty Vạn Lợi ở mỏ quặng Thạch Khê.

Theo một chủ DN hoạt động chuyên về khoáng sản, do lĩnh vực khoáng sản đang hấp dẫn khá nhiều DN nên việc DN xâm nhập vào lĩnh vực này là điều dễ hiểu. Mặc dù năm 2011 vẫn được dự báo còn nhiều thách thức bởi lạm phát, lãi vay, tỷ giá... nhưng giá bán các loại quặng còn chịu dư âm từ cuối năm 2010 vẫn sẽ không ngừng tăng và dự kiến trong năm 2011 sẽ tăng từ 10 đến 30%. Tuy nhiên, nếu các DN mới không được “chống lưng” bởi các DN khoáng sản lâu năm trên thị trường thì sẽ gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ, nên sẽ chỉ như mới “bước một chân” vào lĩnh vực này. Ngoài ra, đây là lĩnh vực đặc biệt, phụ thuộc nhiều vào các chính sách vĩ mô của Nhà nước. Chính sách ngày càng hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô của Nhà nước đang đặt ra cho DN khoáng sản một sức ép không nhỏ về việc đầu tư máy móc và nghiên cứu công nghệ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng quặng để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hơn thế, trong bối cảnh còn thiếu mỏ, việc tích cực tìm kiếm, thăm dò và xin cấp phép thêm các mỏ sẽ khiến DN rơi vào cảnh “đấu đầu”, cạnh tranh không lành mạnh.

Trên thực tế, việc đặt chân vào lĩnh vực đầy mới mẻ này không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. LIG là một ví dụ. Năm 2010, Công ty này vẫn chưa hoàn tất việc hợp tác với CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương để được quyền khai thác mỏ đá bazan xóm Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Lý do là dự án nằm trong diện rà soát khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội nên thời gian kéo dài, thủ tục phức tạp và nếu giữ dự án này thì kinh phí chuẩn bị đầu tư sẽ lớn hơn so với dự kiến, do đó LIG đã từ bỏ.