Bảo hiểm nông nghiệp: Làm đến đâu phải chắc đến đó

Bảo hiểm nông nghiệp: Làm đến đâu phải chắc đến đó

(ĐTCK) Quan điểm của Bộ Tài chính là sau khi tiếp tục hoàn thiện các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, các cơ quan liên quan phải quyết liệt chỉ đạo triển khai mô hình này, tuy nhiên, phải đảm bảo, làm đến đâu, chắc đến đó.

Sau hơn 1 năm thực hiện, công tác thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (theo báo cáo của các địa phương và các doanh nghiệp bảo hiểm), đã được triển khai ở 20 tỉnh, thành, với 98.294 hộ dân tham gia (88% là hộ nghèo), tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi là 959,4 tỷ đồng, phí bảo hiểm là 48,7 tỷ đồng.

Bảo hiểm nông nghiệp: Làm đến đâu phải chắc đến đó ảnh 1

Số hộ nông dân tham gia như trên là chưa nhiều (3% số hộ thuộc đối tượng bảo hiểm nông nghiệp), diện tích tham gia bảo hiểm chưa lớn (2,8%), số lượng vật nuôi, thuỷ sản tham gia bảo hiểm chiếm tỷ lệ thấp. Nguyên nhân, theo Bộ Tài chính, bảo hiểm nông nghiệp là cơ chế mới, phức tạp, chưa có tiền lệ, cơ chế chính sách ban hành chưa thực sự hoàn chỉnh. Ngay cả các cơ quan ban ngành ở trung ương, địa phương và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có những khó khăn khi triển khai nghiệp vụ này, bởi phạm vi đối tượng, địa bàn hoạt động của loại hình bảo hiểm này khá rộng; sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, manh mún, lại chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh. Bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chương trình này cũng thừa nhận, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa hấp dẫn là lý do khiến số hộ nông dân tự nguyện mua không nhiều, chỉ những hộ được hỗ trợ mới tham gia. Bộ Tài chính cũng đã nhận thấy vấn đề này và đang yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm xem xét xây dựng lại quy tắc sản phẩm cho phù hợp hơn với tình hình thị trường.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đánh giá, với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, trong hơn 1 năm qua, các tỉnh triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã đạt được một số kết quả tích cực, với tổng giá trị tham gia bảo hiểm gần 1.000 tỷ đồng, đã phát sinh bồi thường 10,8 tỷ đồng, và thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường hơn 4 tỷ đồng.

Về tình hình tham gia bảo hiểm nông nghiệp, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng diện tích trồng lúa đã tham gia bảo hiểm là 34.622 héc-ta, với giá trị bảo hiểm hơn 664 tỷ đồng, 93.945 hộ tại các tỉnh Bình Thuận, Đồng Tháp, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, An Giang tham gia. Về vật nuôi (triển khai tại tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai, Nghệ An, Vĩnh Phúc), tổng số vật nuôi tham gia bảo hiểm là: 1.700 con bò, 79.800 con lợn và 621.000 con gia cầm; tổng giá trị được bảo hiểm là 74 tỷ đồng. Về thuỷ sản (triển khai tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh), tổng diện tích tham gia là 1.324 héc-ta, tổng giá trị được bảo hiểm 220 tỷ đồng, với 1.995 hộ tham gia bảo hiểm.

Bảo hiểm nông nghiệp: Làm đến đâu phải chắc đến đó ảnh 2Tổng giá trị được bảo hiểm là 74 tỷ đồng, khá nhỏ so với giá trị có thể bảo hiểm của ngành thủy sản

Trước kiến nghị của các tỉnh về những điểm còn chưa hợp lý khi triển khai loại hình bảo hiểm mới này, Bộ Tài chính đã đề nghị Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo cơ chế thuận lợi nhất cho người nông dân. Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ tất cả những khó khăn phát sinh nhằm đẩy nhanh tiến trình của công tác này.

Được biết, Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp cũng đang được hoàn hiện. Về ngân sách, Chính phủ cũng đã đồng ý hỗ trợ kinh phí cho các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là 25,9 tỷ đồng và sẽ được cấp trong hai năm 2012 và 2013. Cụ thể, mỗi tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau được hỗ trợ 1,5 tỷ đồng (1 tỷ đồng cho năm 2012 và 500 triệu đồng cho năm 2013). Riêng Nghệ An, do thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa và trâu bò, lợn, gia cầm nên được hỗ trợ 3 tỷ đồng (cấp 2 tỷ đồng năm 2012 và 1 tỷ đồng năm 2013). Các địa phương được điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50% là Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai được ngân sách hỗ trợ 750 triệu đồng.

Quan điểm của Bộ Tài chính là sau khi tiếp tục hoàn thiện các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, các cơ quan liên quan phải quyết liệt chỉ đạo triển khai mô hình này, tuy nhiên, phải đảm bảo, làm đến đâu, chắc đến đó. 

“Bộ Tài chính sẽ ký ban hành chính thức bổ sung, sửa đổi Quy tắc biểu phí bảo hiểm”

Ông Phùng Ngọc Khánh, Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm

 

Trên cơ sở kết quả làm việc của đoàn công tác Bộ Tài chính với các địa phương, Bộ Tài chính đã nghiên cứu Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp (Dự thảo) và gửi xin ý kiến tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương. Về cơ bản, các đơn vị đều thống nhất với Dự thảo. Theo đó, các nội dung được sửa đổi, bổ sung bao gồm: mở rộng đơn vị được bảo hiểm theo hướng đơn vị được bảo hiểm có thể là thôn hoặc hợp tác xã hoặc cánh đồng (tùy theo đặc thù từng địa phương); giảm diện tích lúa bị hại trong thời gian cấy sạ để được hưởng bồi thường chi phí gieo trồng lại xuống 5 hecta (thay vì  20% diện tích lúa thực tế trong xã bị thiệt hại theo quy tắc hiện hành); Bỏ quy định hiện hành về quy mô chăn nuôi trang trại, điều kiện số lượng vật nuôi tham gia bảo hiểm và mức miễn thường không khấu trừ đối với rủi ro dịch bệnh; số tiền bảo hiểm đối với bò sữa là 60 triệu đồng thay vì 35 triệu đồng.

 

Ngoài ra, trên cơ sở đề nghị của các địa phương về việc nâng mức năng suất được bảo hiểm, Dự thảo cũng sẽ nâng mức năng suất được bảo hiểm đối với các tỉnh Đồng Tháp, An Giang là 90%, các tỉnh còn lại là 85%. Về tỷ lệ phí bảo hiểm cây lúa, sẽ điều chỉnh giảm 5% phí bảo hiểm cho tất cả tỉnh thành và áp dụng tỷ lệ phí tương đồng với 3 miền Bắc, Trung, Nam. Cụ thể, miền Bắc ( Nam Định, Thái Bình) 4,97%, miền Trung (Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh) 4,53% và miền Nam (An Giang, Đồng Tháp) 2,19%. Đồng thời, giảm phí bảo hiểm đối với tất cả vật nuôi, cụ thể, trâu bò (3,6%/năm), lợn nái - lợn đực giống (4%/năm), gà thịt (3%/chu kỳ chăn nuôi), gà đẻ trứng (4%/năm)…

Trên cơ sở kết quả Hội nghị này, Bộ Tài chính sẽ ký ban hành chính thức bổ sung, sửa đổi Quy tắc biểu phí bảo hiểm để các địa phương thực hiện thống nhất.

 

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình triển khai, trong trường hợp cần thiết, Bộ sẽ xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương nhằm điều chỉnh quy tắc, biểu phí, mức trách nhiệm bảo hiểm cây lúa, vật nuôi, thủy sản cho phù hợp với thực tiễn.

 

 

“Hội Nông dân nên tham gia vào Ban chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp”.

Ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam

 

Cần nâng cao hơn vai trò của nông dân trong việc tuyên truyền về bảo hiểm nông nghiệp, theo đó, nên mời Hội nông dân tham gia vào Ban chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp của các tỉnh.

 

 

“Đã có không ít quốc gia học tập mô hình bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam ”.

Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare)

 

Trên thế giới vẫn chưa có mô hình bảo hiểm nông nghiệp chuẩn để Việt Nam tham khảo và học hỏi, do mỗi nước có một đặc thù riêng. Vì vậy, Ban chỉ đạo bảo hiểm nông ngiệp Việt Nam phải tự mày mò nghiên cứu. Mặc dù vậy, với những gì chúng ta đang có được, đã có không ít quốc gia học tập mô hình bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam .

 

 

“Dự án bảo hiểm nông nghiệp, sẽ được làm tốt”

Ông Trần Trọng Phúc, Tổng giám đốc Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt

 

Bảo hiểm Bảo Việt vinh dự là 1 trong 2 doanh nghiệp được tham gia triển khai thí điểm Dự án bảo hiểm nông nghiệp. Sau hơn 1 năm triển khai, với sự chỉ đạo thực hiện quyết liệt,  Bảo hiểm Bảo Việt đã đạt được kết quả khả quan. Cụ thể, Bảo hiểm Bảo Việt đã tiếp cận triển khai chương trình tại 10 tỉnh thành, với doanh thu đạt khoảng gần 40 tỷ đồng. Tiếp bước đà này, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, chúng tôi hi vọng, sau 3 năm triển khai thí điểm, dự án bảo hiểm nông nghiệp sẽ còn làm tốt hơn, để giảm bớt sự hỗ trợ của nhà nước đối với bảo hiểm nông nghiệp.