CG 2012: Cải cách không thể dàn hàng ngang

CG 2012: Cải cách không thể dàn hàng ngang

(ĐTCK) Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2012 đánh dấu chặng đường 20 năm kể từ khi các đối tác nước ngoài nối lại viện trợ cho Việt Nam kể từ năm 1992.

Điều đặc biệt, CG lần này sẽ là hội nghị cuối cùng tổ chức theo mô hình được thiết kế từ 20 năm trước chủ yếu phục vụ huy động nguồn lực ODA. Tuy nhiên, cùng với việc thay đổi về hình thức CG, các đối tác phát triển cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có kế hoạch hành động cụ thể và đừng quá nôn nóng trong việc xử lý những tồn tại kinh tế.

CG 2012: Cải cách không thể dàn hàng ngang ảnh 1CG 2013 sẽ có những thay đổi về chất trong sự hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác

Nói đi đôi với làm…

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi rất mong CG những năm sau sẽ theo định hướng hành động hơn và xác định được các lĩnh vực tập trung một cách cụ thể”. Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà các nhà tài trợ lại quan tâm đến những chương trình hành động cụ thể của Chính phủ, hơn là các định hướng mang tính cam kết chung.

Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta cảnh báo, bất bình đẳng tuyệt đối (ngũ phân vị giàu nhất - chỉ số đo mức độ giàu có - cao hơn 9,2 lần so với ngũ phân vị nghèo nhất) đã phản ánh một phần mặt trái của tiến trình phát triển  kinh tế - xã hội. Điển hình như mức độ xã hội hóa ngày càng gia tăng, trách nhiệm cung cấp và chi trả dịch vụ được chuyển dịch từ Nhà nước cho xã hội, chủ yếu là cho hộ gia đình, các dịch vụ giáo dục và y tế, đặc biệt những dịch vụ cao hơn mức cơ bản ngày càng phụ thuộc vào khả năng chi trả của cá nhân, mặc dù tỷ lệ chi tiêu công cho y tế trên tổng GDP của Việt Nam khá cao so với các nước khác.

Việt Nam được nhìn nhận là quốc gia điển hình trong việc xóa đói giảm nghèo, nhưng tình trạng tái nghèo đang ngày càng khó giải quyết, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng xa. Năm 2010, 10,7% dân số sống dưới chuẩn nghèo quốc gia, so với mức 13,4% năm 2008 và 15,5% vào năm 2006. Đói nghèo ở trẻ em đã giảm, song vẫn còn cao với tỷ lệ 22,6% năm 2006, 20,7% năm 2008 và 21,1% năm 2010. Đói nghèo tiếp tục là hiện tượng phổ biến ở nông thôn với 91% số người nghèo sinh sống ở khu vực này. Dù tỷ lệ đói nghèo theo thu nhập ở khu vực đô thị thấp hơn, song người dân đô thị, đặc biệt là người nhập cư hiện cũng phải vật lộn với mức chi phí cho cuộc sống gia tăng…

“Thách thức hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt có thể được xem như một cơ hội để nhìn lại những tiến bộ và cả những hệ luỵ, đồng thời tìm cách tiếp tục phát triển một cách bền vững hơn. 25 năm trước, Việt Nam đã khởi động thành công thế hệ cải cách đầu tiên của mình, đưa đất nước từ quốc gia có thu nhập thấp lên quốc gia có mức thu nhập trung bình. Đây có thể là thời điểm bắt đầu thế hệ cải cách thứ hai, giúp Việt Nam chuyển lên nấc thang cao hơn”, bà Pratibha Mehta nói.

 

Nhưng không nôn nóng

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam khuyến nghị, không nên nao núng quyết tâm trong việc duy trì ổn định kinh tế. Việc duy trì chính sách trọng ổn định hơn tăng trưởng sẽ phải chịu nhiều sức ép và phải chấp nhận những thách thức trong ngắn hạn. Những khó khăn có thể gặp phải là tăng trưởng chậm hơn; giai đoạn khó khăn kéo dài hơn trong ngành ngân hàng và DNNN; ngân sách nhà nước phải bỏ ra một khoản để chi tiêu cho cải cách và tái cơ cấu những ngành này. Nhưng nếu biết chấp nhận, Việt Nam có thể vươn dậy mạnh mẽ hơn trong dài hạn.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, trình tự các cải cách và sáng kiến chính sách là rất quan trọng, do vậy Chính phủ không thể thực hiện cải cách cùng một lúc tất cả các lĩnh vực. Việc cải cách cần được cân nhắc, cũng như suy nghĩ thấu đáo và phù hợp với khả năng thực hiện của đất nước, chứ không nên quá nôn nóng cải cách theo kiểu dài hàng ngang, vì như vậy rất khó có đủ nguồn lực triển khai.

“Quá trình phát triển của Việt Nam cho đến nay là rất đáng tự hào và vẫn còn nhiều tiềm năng nâng cao mức sống cho người dân hơn nữa. Nhưng để biến tiềm năng đó thành hiện thực, cần có những hành động thận trọng, đúng lộ trình”, ông Sanjay Kalra nhấn mạnh.         

“Tập trung vào mối quan hệ hợp tác đối thoại”

Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam

“Hiện nay, hầu hết các đối tác phát triển đã có những cam kết và thảo luận ODA riêng và chức năng huy động nguồn lực của Hội nghị các nhà tài trợ đã không còn phù hợp. Điều cần thiết hiện nay là cần có một diễn đàn đối thoại mở rộng và hợp lý giữa Chính phủ và các đối tác về kế hoạch phát triển cụ thể của Việt Nam . Từ năm 2013, có thể có tên gọi mới là Diễn đàn phát triển Việt Nam (Vietnam Development Forum) hoặc một tên gọi nào đó tập trung vào mối quan hệ hợp tác đối thoại”.