Chứng khoán đang tạo đáy?

Chứng khoán đang tạo đáy?

Trong lúc đa số các công ty chứng khoán tỏ ra hết sức thận trọng với đánh giá về xu hướng thị trường, thì vẫn có một công ty chứng khoán cho rằng khả năng thị trường tạo đáy là rất lớn.

 

4 phiên đầu tuần này đã tạo cho HNX một mẫu hình đồ thị khá đẹp: tam giác lệch cạnh với cạnh sau ngắn hơn cạnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước. Nếu so sánh với mẫu hình tam giác mà cũng chính HNX tạo ra vào cuối tháng 5/2011 để từ đó có một đợt sóng tăng đến 17%, thì lần này nhà đầu tư cũng có quyền hy vọng điều tương tự sẽ diễn ra.

 

Trong lúc đa số các công ty chứng khoán tỏ ra hết sức thận trọng với đánh giá về xu hướng thị trường, thì vẫn có một công ty chứng khoán cho rằng khả năng thị trường tạo đáy là rất lớn. Lý do tích cực mà công ty này nêu ra là nhà đầu tư hiện đang rất chán nản trong khi các nhà phân tích đang rất thận trọng về khả năng tăng điểm của thị trường. Nhận định này nếu đúng sẽ làm cho công ty chứng khoán trên trở thành địa chỉ đầu tiên dự báo thành công về đáy dài hạn của chứng khoán - vốn đã sụt giảm mạnh từ hơn một năm nay.

 

Nhưng nếu nhớ lại những gì đã xảy ra trước đây với thị trường, số nhà đầu tư theo thuyết cẩn trọng vẫn thấy có một cái gì đó chưa thật hợp lý để giải ngân vào lúc này. Vào tháng 4/2011, khi thị trường kéo ngang rồi lao dốc, tâm lý nhà đầu tư còn chán nản hơn nhiều so với hiện thời. Khi đó, chỉ số HNX còn lưng chừng ở vùng 90 điểm, bắt đầu được nhiều nhà đầu tư chú ý vì nó đã về khá gần đáy khủng hoảng 78 điểm và do vậy được xem là khó có khả năng giảm mạnh hơn. Còn hiện thời, tâm lý nhà đầu tư ít ra cũng được xốc lại phần nào qua con sóng tăng vào cuối tháng 5 - giữa tháng 6/2011, cho dù chưa lấy lại được những gì đã mất nhưng vẫn còn hy vọng chưa đến nỗi mất hết những gì đã có.

 

Nói cách khác, tâm trạng hiện thời của nhà đầu tư vẫn đang khá hưng phấn, bất chấp con sóng giảm của thị trường đã kéo đến gần hai chục phiên. Trên diễn đàn, số nhà đầu tư bày tỏ sự lạc quan và chuẩn bị tiền nong tham gia bắt đáy nhiều hơn hẳn số người chấp nhận thất bại rút hẳn ra. Cứ mỗi khi có một tiếng nói thể hiện trách nhiệm can gián đừng quá liều lĩnh lao vào mua đuổi hay mạo hiểm bắt đáy thì ngay lập tức tiếng nói ấy lại bị hàng loạt tiếng nói khác quy kết là "chim lợn" - một công cụ của chủ nghĩa đánh xuống để gom hàng. Có lẽ bài học lớn nhất đối với người có lời khuyên chân thành là không khuyên bảo gì nữa.

 

Gần đây, trên diễn đàn Vneconomy.vn đã tổ chức khảo sát với chủ đề "Bạn chọn kênh đầu tư nào vào thời điểm hiện nay?". Mặc dù cuộc khảo sát chưa hoàn tất nhưng kết quả sơ bộ của nó lại thật đáng kinh ngạc: có đến 80% số người được hỏi đã bầu chọn chứng khoán là kênh hấp dẫn nhất, trong khi chỉ có 9% chịu gửi tiền  vào ngân hàng và vỏn vẹn 4% dành ngân sách cho bất động sản.

 

Từ kết quả khảo sát trên, có thể thấy rằng ngược hẳn với nhận định của công ty chứng khoán cho rằng thị trường đang tạo đáy với tâm lý nhà đầu tư chán nản, dường như xu hướng lạc qua vẫn đang lấn át.

 

Với xu hướng tâm lý này, thật không có gì phải lo ngại về việc nhà đầu tư sẽ rời bỏ thị trường, hoặc thị trường sẽ bị bỏ rơi. Tỷ lệ 80% người chọn chứng khoán làm kênh đầu tư tiêu biểu còn làm chúng ta nhớ lại thời hoàng kim của chứng khoán vào năm 2007. Chỉ có điều, ngay vào thời điểm huy hoàng nhất của năm đó, chứng khoán cũng không thu hút được quá 60% số nhà đầu tư. Ở một thái cực khác, lại có thể suy ra rằng khi số người ủng hộ chứng khoán nhiệt tình và đông đảo nhất thì chứng khoán đang ở vùng đỉnh.

 

Nhưng rõ ràng là hiện nay thị trường không thể đang ở vùng đỉnh. Điều còn lại đáng băn khoăn là chỉ số đã thực sự về vùng đáy hay chưa để nhà đầu tư giải ngân. Xin nhắc lại, HNX đã tạo nên một mẫu hình khá đẹp và chỉ cần vài ba phiên tăng mạnh vượt hẳn qua đỉnh cũ thì có thể chỉ số này sẽ tạo nên một mẫu hình tăng trưởng còn đẹp hơn.

 

Tuy vậy, đó chỉ là dạng đồ thị lý thuyết. Trong thực tế, yếu tố làm nhà đầu tư mệt mỏi nhất và làm cho giới phân tích kém lạc quan nhất chính là mức thanh khoản. Thanh khoản đang sụt dần đều qua các phiên, đang giảm về mức còn tệ hơn cả hồi tháng 4/2011. Hẳn nhiều người còn nhớ, trong tháng Tư ấy một bản khảo sát của Vietstock vẫn cho thấy có đến gần 50% số nhà đầu tư tin rằng thị trường đã đạt đáy và bắt đầu có thể giải ngân mạnh. Nhưng sau khi kéo ngang để xả hàng, thị trường tiếp tục bị các nhóm đầu cơ lớn kéo xuống thảm thiết. Rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia bắt đáy đợt đó đã bị lỗ nặng. Thế mới biết không phải số đông bao giờ cũng đại diện cho chân lý.

 

Những nhà đầu tư chuyên nghiệp hoàn toàn có đủ kiên nhẫn để chờ đợi thị trường hồi phục, cho dù thị trường này có phải trải qua nhiều cung bậc thăng trầm và bao nhiêu ngóc ngách do nhóm tạo lập thị trường thiết kế. Song một khi thanh khoản cứ thấp dần qua ngày tháng, điều đó cho thấy dòng tiền đầu cơ, dòng tiền nóng chực chờ bên ngoài đã trở nên thận trọng hơn, cũng có nghĩa là một phần của dòng tiền tham chiến trong thị trường đã bị rút dần ra.

 

Minh chứng rõ rệt nhất cho đánh giá về dòng tiền ra hay vào là lãi suất. Từ giữa tháng 6/2011, lãi suất huy động đã có những dấu hiệu đầu tiên giảm lại sau một thời gian căng thẳng. Tuy nhiên cũng từ thời điểm đó, chứng khoán lại bắt đầu sóng giảm miệt mài cho đến nay. Nói cách khác, việc dòng tiền vận động đồng pha với lãi suất đã cho thấy một hệ quả không tích cực đối với thị trường chứng khoán.

 

Một khi thanh khoản thị trường chưa được cải thiện, số phận nhà đầu tư vẫn hết sức chơi vơi. Thị trường có thể dao động ngang như ru ngủ, luôn nằm giữa ranh giới của xu hướng tăng và giảm. Nhưng khi thanh khoản thấp đến một mức nào đó, sự kiên nhẫn của người cầm cổ phiếu sẽ bị quá tải, thị trường thường sẽ biến tấu sang những phiên lao dốc mạnh.

 

Trong phiên giao dịch ngày 7/7/2011, ngoài chuyện thanh khoản thấp kỷ lục, người ta lại chứng kiến hiện tượng cổ phiếu MSN tăng trần và tạo sắc xanh cho sàn HOSE, trong khi sàn HNX bị âm. Tín hiệu này chẳng khác gì điều mà nhà đầu tư thường ví von là "thời kỳ đồ đá" cách đây mấy tháng. Điểm khác biệt cơ bản giữa "thời kỳ đồ đá" với hiện nay chỉ là lượng giải chấp.

 

Tuy giải chấp lúc này không còn lớn và cũng chẳng có mấy nhà đầu tư dám dùng đòn bẩy tài chính, nhưng sự biến mất của lực cầu tổ chức, tình trạng quá yếu của thanh khoản cùng với yếu tố phụ trợ là sự nâng đỡ giá cổ phiếu ngân hàng dường như đang phát ra những tín hiệu bất an đối với thị trường trong những ngày tới.