Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/12

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm của các công ty chứng khoán cho phiên 18/12.

FPT: Tăng trưởng doanh thu 2014 tối thiểu 15%

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Ngày 15/12, FPT Software đã ký kết hợp đồng thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực phát triển phần mềm, theo đó FPT Software sẽ cung cấp dịch vụ phần mềm trọn gói cho đối tác Nhật Bản với trị giá hợp đồng lên đến 1.000 tỷ đồng, là hợp đồng có giá trị lớn nhất từ trước đến nay của FPT Software nói riêng và lĩnh vực phần mềm Việt Nam nói chung.

Trong hợp đồng này, FPT Software sẽ  thực hiện  toàn bộ các khâu  từ  tư vấn,  thiết kế đến  lập  trình, kiểm  thử phần mềm và  trao đến  tận  tay người dùng, chính vì vậy mà giá trị của hợp đồng được tăng lên rất nhiều so với việc chỉ gia công phần mềm như trước đây.

Với việc được khách hàng Nhật Bản  tin tưởng ký kết hợp đồng này, FPT Software đã cho  thấy công  ty đang đi  lên những chuỗi giá trị cao hơn trong chuỗi phát triển phần mềm và hoàn toàn đủ sức để có thể đảm nhận những dự án phức tạp, mang tính công nghệ cao. Đây sẽ là dự án mở đầu cho chuỗi những dự án có giá trị lớn tiếp theo của công ty.Qua tiếp xúc với công ty, chúng tôi cũng được biết sắp tới FPT Software sẽ ký kết 1 hợp đồng trị giá 10 triệu USD với khách hàng Mỹ, đây là hợp đồng có giá trị lớn nhất trên thị trường Mỹ kể từ khi FPT Software thâm nhập thị trường này.

Trong ba năm 2010-2012, tốc độ tăng trưởng trung bình lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT đạt 35%/năm trong đó doanh thu từ thị trường Nhật Bản chiếm khoảng một nửa với tốc độ tăng trưởng bình quân 27,5%/ năm. Dự kiến trong năm 2013, con số tăng trưởng doanh thu từ thị trường Nhật Bản sẽ là 40%, đạt 1.335 tỷ đồng. Với việc ký hợp đồng 1.000 tỷ và thời gian thực hiện hợp đồng từ năm 2014 đến năm 2016, dự kiến mỗi năm doanh thu từ thị trường Nhật Bản cũng như doanh thu mảng xuất khẩu phần mềm sẽ được bổ sung thêm khoảng 350 tỷ đồng từ giá trị hợp đồng này. FPT Software đặt mục tiêu năm 2017, thị trường Nhật Bản sẽ đem về cho công ty doanh thu 200 triệu USD. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, chúng tôi cho rằng mục tiêu nói trên hoàn toàn khả quan với FPT.

Về triển vọng của FPT trong năm 2013, các mảng hoạt động chính khác của FPT được đánh giá tương đối khả quan. Lĩnh vực tích hợp hệ thống dự kiến doanh thu cuối năm sẽ tăng đột biến do quý 4 là quý ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng, trong đó có khoảng 1.600 tỷ doanh thu từ các dự án đang triển khai. Viễn thông cũng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng như các năm trước nhờ tăng trưởng thuê bao ổn định và các dịch vụ giá trị gia tăng ngày càng phát triển trong khi phân phối và bán lẻ vẫn còn gặp đôi chút khó khăn.

Chúng tôi ước tính doanh thu 2013 của FPT đạt 26.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.859 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8,7% và 27,1% so với năm 2012. Năm 2014, FPT dự kiến doanh thu tăng trưởng tối thiểu 15%, trong đó các lĩnh vực công nghệ sẽ là yếu tố chính tạo nên tăng trưởng này.

 

HVG: Khuyến nghị quan sát

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Vừa qua, HVG - CTCP Hùng Vương đã tổ chức thành công ĐHCĐ bất thường nhằm xin ý kiến về việc chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể số lượng dự kiến chào bán là 30 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 28.000 đồng/cp. Mục đích của đợt chào bán nhằm tái cấu trúc các khoản nợ vay, bổ sung vốn lưu động và mở rộng sản xuất. Đợt 1 dự kiến sẽ phát hành cho đối tác Tael Two Partner Ltd và Tael Management Co. trong nửa đầu năm 2014 với số tiền thu được vào khoảng 560 tỷ đồng, tương ứng với 20 triệu cổ phiếu chào bán. Tael Partner Ltd là công ty đầu tư, thành lập năm 2007 tại Singapore, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp tăng trưởng tại châu Á như Indonesia, Thailand, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Năm 2013, HVG đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt là 12.000 tỷ và 800 tỷ đồng, tuy nhiên ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết năm nay khả năng công ty sẽ chỉ hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế ước đạt 500 tỷ đồng.

Năm 2014, với nhận định tình hình xuất khẩu cá tra vẫn còn nhiều khó khăn, HVG đã có sự chuẩn bị tạo lợi thế cạnh tranh thông qua việc chuyển lợi nhuận từ thương mại bánh dầu đậu nành sang giảm giá thành sản xuất đối với thức ăn chăn nuôi và giá cá tra nguyên liệu tự nuôi. Năm 2014, HVG dự kiến thu hoạch khoảng 200 nghìn tấn cá nguyên liệu, đáp ứng được khoảng 70-80% nhu cầu sản xuất, và giá thành tự nuôi vào khoảng 19-20 nghìn đồng/kg, thấp hơn so với giá mua ngoài khoảng 15%. Đây là cơ sở giúp HVG chủ động cạnh tranh và cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp trong năm 2014. Tuy nhiên, phán quyết sơ bộ kỳ POR9 với mức thuế chống bán phá giá 2,15 USD/kg đang gây bất lợi cho HVG khi thị trường Mỹ chiếm khoảng 25% doanh thu xuất khẩu cá tra.

Trong kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh sang ngành tôm, nhiều khả năng trong năm sau HVG sẽ nâng tỷ lệ sở hữu FMC từ 41,76% lên mức chi phối. Ngành tôm trong năm 2014 dự báo vẫn tăng trưởng khả quan, bên cạnh triển vọng tích cực của FMC từ việc đầu tư vùng nuôi, có khả năng chủ động 10% nguyên liệu, giúp lợi nhuận FMC cải thiện đáng kể. Có thể thấy, hoạt động M&A để mở rộng tích hợp theo chuỗi chiều sâu và rộng mà HVG đang theo đuổi trong những năm gần đây là hướng đi chiến lược, song lợi nhuận có thể không ổn định trong những năm đầu hợp nhất.

Như vậy, mặc dù có những thông tin hỗ trợ cho triển vọng phát triển năm 2014 của HVG, song thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Chúng tôi khuyến nghị quan sát đối với cổ phiếu HVG và chờ đợi phán cuối quyết cuối cùng của kỳ POR9 vào 3/2014.

 

HAG: Phù hợp cho đầu tư dài hạn

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Chúng tôi có chuyến tham quan các dự án cao su, mía đường và dầu cọ của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG - sàn HOSE)  tại tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và Attapeu (Lào) từ ngày 12 đến 14/12/2013. Dưới đây là những điểm chính của chuyến thăm vừa qua.

HAG áp dụng tối đa yếu tố “khoa học kỹ thuật” vào lĩnh vực nông nghiệp. Cả dự án mía đường và cao su đều được “cơ giới hóa” đến mức tối đa có thể từ khâu chăm sóc và thu hoạch. Các dự án này được tư vấn và hỗ trợ bởi các chuyên gia “giáo sư/tiến sĩ” nông nghiệp đến từ Israel, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra quy mô các dự án của HAG cũng đủ lớn để tạo ra “lợi thế về quy mô”.

Dự án mía đường gần 10.000ha của HAG đã cho thành quả đầu tiên trong năm 2013. HAG cho biết năng suất mía đạt khoảng 120 tấn/ha với chữ đường khoảng 14%. Trong 9 tháng 2013 thì doanh thu từ mía đường đạt 644 tỷ đồng (chiếm 32% tổng doanh thu) với lợi nhuận gộp biên lên đến 64%. Đây là nhân tố chính giúp HAG tăng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2013.

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/12 ảnh 1

HAG hiện đầu tư gần 50.000 héc-ta cao su tại Gia Lai (Việt Nam), Lào và Campuchia.Trong năm 2013 thì có hơn 4.500 héc-ta đã được đưa vào cạo mủ.

Năng suất bình quân kỳ vọng của HAG khoảng 2,5-3 tấn mủ quy khô/héc-ta. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, năng suất khả thi có thể đạt khoảng 2,5 tấn/héc-ta. Đến 2016 thì có khoảng gần 30.000 héc-ta trong số diện tích này đang và sẽ được đưa vào cạo mủ và sẽ là lực đẩy tăng trưởng của HAG trong dài hạn.

Song song với việc phát triển nguồn nguyên liệu, HAG cũng tập trung đầu tư chuỗi giá trị để tăng doanh thu và lợi nhuận từ mía đường và cao su. Đối với mía đường thì ngoài nhà máy tinh luyện đường, HAG còn đầu tư nhà máy nhiệt điện để tận dụng phụ phẩm bã mía.

Sắp tới, HAG sẽ đầu tư nhà máy cồn để tận dụng mật rỉ và nhà máy phân bón để tận dụng bã bùn. Tương tự đối với cao su thì HAG cũng đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm cao su SVR10,20.

Chúng tôi cho rằng, mía đường vào cao su sẽ giúp ổn định doanh thu và lợi nhuận của HAG trong dài hạn. Hơn nữa, khi toàn bộ diện tích cao su đi vào khai thác trong 3-5 năm tới thì doanh thu và lợi nhuận của HAG sẽ có sự đột biến. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, HAG sẽ phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn để mua vào.


DVP: Không phù hợp với đầu tư ngắn hạn

(CTCK BIDV - BSC)

Dự báo tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa vận chuyển của ngành hàng hải bình quân năm tăng 12 - 15%. Động lực thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu đến từ các hiệp định đối tác kinh tế khu vực và thế giới mà Việt Nam đang tham gia đàm phán. Xuất nhập khẩu tăng sẽ là động lực cho ngành công nghiệp cảng biển phát triển.

Cảng Đình Vũ là một cảng container chuyên dụng có nhiều tiềm năng. Cảng nằm trong Khu công nghiệp Đình Vũ - một khu vực trọng điểm kinh tế có tốc độ phát triển nhanh chóng của Hải Phòng. Cảng là đầu mối đưa đón hàng nhập và xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Với thuận lợi từ vị trí địa lý cũng như quy hoạch phát triển thành cảng container quốc tế, Cảng Đình Vũ đã có những bước phát triển bền vững sau hơn 10 năm thành lập.

Sản lượng hàng hóa thông qua của cảng trong giai đoạn 2007 - 2012 tăng với tốc độ trung bình năm khoảng 18,71%, trong đó hàng xuất nhập khẩu ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Doanh thu và lợi nhuận hàng năm thường vượt kế hoạch đề ra và tăng trưởng khá đều. Từ năm 2010 đến nay CTCP Đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ (DVP) duy trì mức tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 20%.

Biên lợi nhuận gộp cao đạt 46,44% 9 tháng đầu năm 2013. DVP duy trì biên lợi nhuận cao ổn định và có xu hướng tăng. Trong giai đoạn 2009 – 2012, biên lợi nhuận gộp trung bình đạt 41,79%, biên lợi nhuận thuần trung bình đạt 37,68%. 9 tháng đầu năm 2013, hai chỉ số này đạt mức lần lượt là 46,44% và 41,1%.

Công ty có tình hình tài chính lành mạnh; hoạt động đầu tư tập trung vào xây dựng cảng, mua sắm thiết bị và đầu tư vào công ty con, công ty liên kết để khai thác hiệu quả sử dụng cảng theo chiều rộng và chiều sâu; mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh đơn giản, hiệu quả.

DVP là một cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt nhưng tính thanh khoản không cao, không phù hợp với đầu tư ngắn hạn. Cổ phiếu DVP ở mức giá hợp lý là 40.480 đồng/cp xét trên quan điểm đầu tư dài hạn. Do vậy chúng tôi đưa ra quan điểm trung lập đối với cổ phiếu này.

>> Góc nhìn kỹ thuật phiên 18/12

>> Phiên giao dịch 17/12: Mua đuổi cuối phiên

>> CTCK nhận định thị trường ngày 18/12

>> Tự doanh gom cổ phiếu midcap

>> Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 18/12