Đâu cả rồi?

(ĐTCK) TTCK năm 2008 có thể nói là một hình ảnh trái ngược của năm 2007. Những gì đông vui, tấp nập của "chợ" chứng khoán trước đó dường như chỉ còn trong hoài niệm. Dưới đây là một vài ghi nhận về một góc nhỏ của TTCK năm 2008.

Sàn vắng

Bạn đồng nghiệp bên truyền hình chia sẻ, có hôm muốn làm phóng sự chủ đạo về NĐT, định ghi hình phỏng vấn khoảng 2 - 3 người, song để tránh "đổ bể" kế hoạch do trường hợp không có NĐT đến sàn, nhà đài đã phải tìm đến số 55 Quang Trung (Hà Nội), nơi tọa lạc của 3 CTCK, bởi bối cảnh chung là sàn đìu hiu, người vắng mặt.

Nhân viên tại không ít CTCK rỗi việc cả ngày, ngồi tán gẫu, nghĩ ra đủ thứ chuyện, thậm chí đặt tiếng lóng cho các mã chứng khoán trên sàn. Nữ với sở trường nấu ăn thì nghĩ ra các món như lẩu bò măng (LBM), sườn thịt băm (STB), vịt nấu măng (VNM), ba ba tươi (BBT)…; nam có vẻ nghĩ nhanh hơn khi tiếng vỗ tay liên tục vang lên, nhưng ngữ nghĩa không lấy gì làm lịch sự, khiến người viết không tiện nêu ra.

Do áp lực về chi phí trong khi việc tiết giảm đang ở mức không thể thấp hơn được nữa nên một vài CTCK, nhất là CTCK mới thành lập đành tính chuyện "ép doanh số" với nhân viên công ty mình.

Một nhân viên môi giới chỉ vào cô nhân viên đang chờ ngày "nhảy ổ" nói nửa đùa nửa thật với tôi rằng, thị trường nhàn tản như thế này khiến không ít nhân viên chứng khoán tranh thủ sinh em bé. Nghe vậy, tôi bỗng giật mình khi nhẩm tính, sơ sơ cũng có gần chục nhà báo chứng khoán chuẩn bị làm mẹ.

Quan sát NĐT thì thấy, viết (đặt lệnh) thì ít, mà nói (tán gẫu) thì nhiều. Với NĐT làm nội trợ như chị Nguyễn Thị Hương (sàn TAS), nửa cuối năm 2008 tạm xa TTCK, trở về với công việc bếp núc thường ngày, nhưng chắc gì các món ăn do chị nấu đã hấp dẫn bằng mấy món tưởng tượng từ tiếng lóng của các mã chứng khoán như: bún thịt chó (BTC), tôm chao thịt (TCT), vịt tẩm chiên (VTC)… từng một thời khiến các chị "nghiện ngập". Còn với các NĐT từng thắng lớn tại thời điểm cuối năm 2006, đầu năm 2007 như anh Mai Văn Long, chắc khó quên được tâm trạng khi thấy số tiền trong tài khoản lớn dần từng ngày và nghĩ bụng: "nghèo thì lâu, giàu mấy chốc!".

Còn đâu cảnh lạ

Cảnh bà ngoại dắt đứa cháu 4 tuổi lên sàn BVSC (phố Bà Triệu, Hà Nội) không còn xa lạ với NĐT mở tài khoản giao dịch tại đây, nhưng chỉ là câu chuyện của 1 năm về trước, thời chứng khoán đang sôi động. NĐT tại sàn SSI chắc chưa quên hình ảnh một sản phụ nhanh chóng quay lại sàn chứng khoán khi em bé chưa đầy 1 tháng, mang theo laptop và webcam để thuận tiện trong việc trông con ở nhà, song để ý mới thấy, trông con thì ít mà ngắm bảng điện tử thì nhiều.

Cảnh NĐT bám sàn đến mức thuộc lòng những mã chứng khoán, thuộc lòng cả tiếng lóng của các mã; hình ảnh bác NĐT tại số 1C Ngô Quyền (Hà Nội) xuất khẩu thành thơ sau mỗi ngày giao dịch là những hoài niệm về một thời để nhớ của các sàn chứng khoán.

Bãi đỗ xe chờ… người

Bãi đỗ xe tại các sàn chứng khoán tại Hà Nội như sàn ACBS (phố Trần Quốc Toản), BVSC (phố Bà Triệu) hay SSI (số 1C Ngô Quyền) từng được ví với hình ảnh của Chợ Đồng Xuân hay Siêu thị Metro thì nay được ví với… chùa Bà Đanh. Biển hiệu "hết chỗ" giống như biển hiệu "hết giờ đặt lệnh" đầy kiêu hãnh tại các quầy đặt lệnh của CTCK trước đây hiện để mốc và không biết đến bao giờ mới mang ra dùng lại.

Mấy bác trông xe định tranh thủ cơi nới thêm bãi đỗ trên phố Trần Nguyên Hãn (gần sàn SSI), Trần Quốc Toản (sàn ACBS) không chỉ vì lòng trắc ẩn trước cảnh dân tình khốn khó trong việc đi lại đã từ bỏ ý định khi thấy "đường thông, hè thoáng" do chứng khoán dần dần đi xuống, NĐT ít đến sàn hơn.

Vài bác NĐT có tuổi, với ngoại hình "thon thon hình vại", ngại đi lại tại sàn BVSC (phố Bà Triệu) bùi ngùi nhớ cảnh trước đây không chùn bước khi phải cuốc bộ xuống tận cuối đường Nguyễn Du để gửi xe, giống như NĐT tại sàn TAS, VIS,Việt Nam (cùng chung Toà nhà 59 Quang Trung) phải gửi xe tận Công viên Thống Nhất (phố Trần Nhân Tông) mà không biết chắc xe mình có được nhận trông không. Và khi rời sàn, còn đâu cảnh người chờ… xe.

Lấy đâu để "Tốt phô ra…"?

Ai cũng nói năm 2008 điểm mặt NĐT lỗ không khó, mà điều khó nhất là tìm ra những NĐT thành công. Không như trước đây, NĐT cậy miệng cũng không nói về cái được, cái mất của mình, thì nay có người "chưa khảo đã xưng", bởi lỗ cũng lỗ rồi, giấu cũng chả hơn gì, nói ra nhẹ lòng, bớt xót, mà đâu chỉ riêng mình lỗ, thiên hạ ai chả lỗ!

Ông Huy Nam, người được coi là chuyên gia chứng khoán khi được hỏi về kết quả đầu tư chứng khoán năm 2008 cũng thú thực: "năm nay không lỗ mới là chuyện lạ". Trong đầu tư, bảo toàn vốn chỉ là mục đích thứ yếu, song năm qua, đây trở thành niềm mơ ước của NĐT trên TTCK. Có ai đã biến ước mơ đó thành hiện thực?

Anh Nguyễn Văn Hùng (Hà Nội) đem tiền lãi từ bất động sản sang kênh chứng khoán từ đầu năm 2007 tâm sự, anh từng có 11 căn nhà trong và ngoại thành Hà Nội, một thời "lên xe hơi, xuống xe hơi", cái cặp số lúc nào cũng có không dưới 50 triệu đồng và các giấy tờ liên quan đến giao dịch cổ phiếu OTC… nay chỉ còn căn nhà ông bà để lại tại phố Lê Quý Đôn và phương tiện đi lại duy nhất của anh bây giờ là chiếc xe máy. Có một thứ không thay đổi là cuốn sổ ghi chép hoạt động đầu tư chứng khoán trước đây được anh đem ra ghi chép vào mỗi sáng, song càng về những trang cuối, nét chữ về các mã chứng khoán trở nên thưa thớt dần, hiện không thấy một nét chữ mới nào liên quan đến 2 từ "chứng khoán".

Giải stress…

Một NĐT chia sẻ, hồi tháng 7/2008, cứ trông vào tài khoản là thấy tiền như bị… mất cắp, nhưng vẫn muốn ném thêm tiền gom thêm cổ phiếu nhằm quân bình giá, song càng mua thì giá cổ phiếu càng giảm, khiến anh bị stress nặng. Những lúc như thế, anh thường tìm đến shopping. Sàn BSC mà anh giao dịch là "hàng xóm" của Siêu thị Vincom, anh bèn tới khuân luôn chiếc máy massage trị giá 49 triệu đồng chỉ với ý nghĩ "không còn gì để mất", mua cái máy này còn có cái mà dùng, chứ tiếp tục ném tiền vào chứng khoán cũng chỉ như muối bỏ bể, lỗ vẫn hoàn lỗ.

Bà Tâm từ lâu đã nổi tiếng là to béo nhất sàn BSC. Tham gia TTCK từ năm 2005, đến năm 2006 lãi mẹ đẻ lãi con, ngày nào bà Tâm cũng lên sàn. Từ tháng 11/2008 trở lại đây, hiếm khi thấy bà Tâm có mặt. Vừa rồi bỗng gặp bà tại hàng bún ốc Bà Sáu (phố Mai Hắc Đế), bà Tâm tăng gần 10 kg. Tâm sự mới biết, tất cả chỉ vì chán nản nên thay vì thức, nhịn, nghĩ về chứng khoán, nay bà chỉ chú tâm vào thưởng thức các món ăn. Không biết béo lên vì chứng khoán trong hoàn cảnh thua lỗ đã ở đâu có?