Động thái của nhà ĐTNN có phải là “kim chỉ nam”?

Động thái của nhà ĐTNN có phải là “kim chỉ nam”?

(ĐTCK-online) Các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tuần qua vẫn duy trì mức giao dịch rất cao. Trên sàn TP. HCM, giá trị mua vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ theo phương thức khớp lệnh của khối này đạt 545,9 tỷ đồng, chiếm 40,1% giá trị giao dịch của toàn thị trường, trong khi lượng bán ra chỉ là 118,5 tỷ đồng, chiếm 8,7%. Giá trị mua vào ròng là 427,4 tỷ đồng.

Việc chuyển hướng đầu tư từ trái phiếu sang cổ phiếu của khối này đang khiến không ít nhà đầu tư trong nước mua theo. Thực tế, từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư trong nước hay chú ý đến cách đầu tư của các nhà đầu tư ngoại, coi đó như “kim chỉ nam” để thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, tại cuộc tọa đàm do CTCK Đại Việt tổ chức cuối tuần qua, ông Thomas Ngo, Giám đốc Tập đoàn Indochina Capital thẳng thắn nhìn nhận: nhà ĐTNN không phải là thần thánh, mà chỉ có cách nhìn và phân tích thị trường là chuyên nghiệp hơn.

Mặc dù vậy, ông Thomas Ngo cho biết, nhiều tổ chức ĐTNN cũng không có sự chuẩn bị cho sự giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính vì vậy, trong 3 tháng đầu năm 2008, 10 tổ chức ĐTNN lớn đã thua lỗ khoảng 1,3 tỷ USD khi thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm. Ông Thomas Ngo lưu ý, không phải tất cả các nhà ĐTNN đều là nhà đầu tư dài hạn, mà cũng có nhiều nhà ĐTNN đầu tư ngắn hạn. Vì vậy, các nhà đầu tư trong nước cần hết sức tỉnh táo, không nên mua bán dựa theo giao dịch của nhà ĐTNN mà cần dựa vào các phân tích và sự quyết đoán của mình. Sự tỉnh táo khi mua vào bán ra của các nhà đầu tư trong nước là rất quan trọng, góp phần vào sự ổn định của thị trường, bởi chỉ cần 20% nhà đầu tư nhỏ và vừa trong nước bị tác động thì thị trường cũng sẽ bị ảnh hưởng khá mạnh.

Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc CTCK Đại Việt cho rằng, diễn biến sau Tết Nguyên Đán của thị trường chứng khoán Việt Nam đã nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. “Bản thân tôi đã dự đoán VN-Index chỉ xuống đến 800 điểm là dừng, nhưng cuối cùng cũng trật lấc”, ông Chánh nói.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào tình trạng hiện nay là chuyện hết sức bình thường, bởi đây là vẫn còn là một thị trường rất mới. Thị trường chứng khoán các nước khác như Thái Lan, Indonexia, Malaixia... khi mới bắt đầu đi vào hoạt động cũng phải trải qua những rủi ro như vậy. “Chính vì vậy, khi tham gia thị trường, nhà đầu tư phải có cách nhìn xa hơn và có thể phải chấp nhận rủi ro trước mắt. Nếu coi thị trường chứng khoán là một canh bạc thì nhà đầu tư nên sang casino ở Campuchia”, ông Thomas Ngo đưa ra lời khuyên.

Trong bối cảnh hiện nay có thể sẽ không có nhiều nguồn tiền mới đổ vào thị trường, nhưng ông Thomas Ngo cho rằng, các nhà đầu tư không nên lo ngại quá vì các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam còn phát triển mạnh trong thời gian tới. Tình hình kinh tế Việt Nam vẫn tốt để nhà ĐTNN tin tưởng đầu tư lâu dài. Dù thị trường chứng khoán ảm đạm nhưng nhà đầu tư vẫn có thể thu lợi từ một số cổ phiếu có chỉ số P/E tốt, có chiến lược kinh doanh… Kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp niêm yết sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để vực dậy thị trường.

Theo ông Chu Hùng, chuyên gia kinh tế độc lập, với hàng loạt chính sách kiềm chế lạm phát đang được Chính phủ áp dụng, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Lợi nhuận trong ngắn hạn có thể sẽ giảm, nhưng đấy là việc buộc phải làm để nền kinh tế có sự tăng trưởng ổn định trong tương lai.