Nhiều nhà đầu tư bình tĩnh trước diễn biến hiện nay của TTCK do đã dự liệu trước ảnh hưởng của thị trường tài chính quốc tế

Nhiều nhà đầu tư bình tĩnh trước diễn biến hiện nay của TTCK do đã dự liệu trước ảnh hưởng của thị trường tài chính quốc tế

HASC-Index trước ngưỡng 100 điểm

Lần đầu tiên trong lịch sử thành lập, trong phiên giao dịch hôm qua 28/10, chỉ số HASTC-Index đã có thời điểm tụt xuống dưới mức khởi điểm 100 điểm, sau đó lại hồi phục vào cuối phiên và đóng cửa ở mức 105 điểm.

Hồi phục vào cuối phiên

 

Trả lời chúng tôi về hiện tượng giá của nhiều cổ phiếu (CP) hồi phục vào cuối phiên 28/10 tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC), ông Lê Hồ Khôi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán (CTCK) Tràng An - nói: "Khi HASTC-Index xuống dưới 100 điểm, giá của nhiều CP đã xuống rất thấp, không ít CP đã xuống dưới mệnh giá nên kích thích nhu cầu mua vào". Ông Khôi cũng cho biết là động lực chủ yếu kéo HASTC-Index đi lên là sự hồi phục của CP ACB, sau đó là KLS và BVS. Tuy nhiên, ông Khôi cũng nhận định, xu hướng hồi phục của thị trường vào cuối phiên là chưa vững.

           

Bên cạnh những yếu tố tiêu cực, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay cũng tạo ra sức ép buộc các nền kinh tế cũng như TTCK phải cấu trúc lại để tạo điều kiện cho sự phục hồi trong tương lai mà ngắn thì là 1 năm, dài là 3 năm. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư trong đó có các công ty quản lý quỹ cũng phải cấu trúc lại việc kinh doanh của mình sao cho thiệt hại là ít nhất, gìn giữ những gì mình có được chứ không phải than khóc về việc tại sao tôi lại mất tiền

Ông Trần Thanh Tân - Tổng giám đốc VFM

Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc CTCK Đại Việt, nói: "Giá xuống nhiều quá rồi cũng lên lại và chuyện này vẫn xảy ra như trước đây". Ông Chánh nhận xét thêm, sự biến động của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong những ngày gần đây gần như trùng khớp với tỷ lệ biến động giá CP của thị trường Mỹ.

 

Có tâm lý bất thường không?

 

Mặc dù HASTC-Index đã có lúc tụt xuống quá mức khởi điểm khi mới thành lập của HASTC trong ngày 28/10 nhưng sự kiện này có vẻ không được nhiều chuyên gia chứng khoán đánh giá là quá trầm trọng. Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty liên doanh quản lý quỹ Việt Nam (VFM), bình luận: "Với tình hình tài chính chung như hiện nay thì những sự kiện như vậy không có gì là lạ hết và ai cũng có thể thấy điều đó. Ngoài trời mưa bão thì việc đi đường bị ướt là điều không tránh khỏi, chỉ có điều là mình sẽ làm sao để bị ướt ít mà thôi".

 

Nhận xét về mức độ ảnh hưởng tâm lý trên TTCK Việt Nam , ông Tân nói: "Vào thời điểm này thì thị trường thế giới cũng bị ảnh hưởng tâm lý như thị trường Việt Nam thôi nhưng vấn đề là mọi việc ở thị trường Việt Nam vẫn ở mức độ bình thường chứ không có chuyện hoảng loạn". Ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc CTCK Sao Việt, cũng nhận định: "Trong tình hình hiện nay thì mọi người có buồn nhưng ai cũng biết là đâu cũng vậy thôi, mưa bão mà".

 

Nên làm gì?

 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), phân tích: "TTCK có thể còn đi xuống nhưng có lẽ nhà đầu tư không nên hoảng sợ vì chúng ta đã ổn định được kinh tế vĩ mô, hệ thống các công ty cổ phần đại chúng nhìn chung hoạt động lành mạnh, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Vào thời kỳ này nếu đầu tư vào chứng khoán là đầu tư dưới giá trị, giá trị của đa phần các công ty niêm yết là dưới giá trị thực (quan niệm giá trị thực ở đây là giá trị sổ sách, có thể thêm cả giá trị đất đai hay những thương quyền đặc biệt)".

 

Ông Hải đưa ra kết luận: "Nếu nhà đầu tư chọn cho mình một danh mục đầu tư tốt, cộng với chọn được giá mua rẻ thì trong tương lai gần những khoản đầu tư này sẽ lớn hơn nhiều so với việc gửi tiền tiết kiệm hay kinh doanh bất động sản". Về việc lựa chọn thời điểm đầu tư, ông Hải nói: "Để quyết định được thời điểm mua vào hợp lý, có lẽ cần phải thường xuyên theo dõi các hoạt động mua bán hằng ngày của nhà đầu tư nước ngoài".

 

Ông Lê Hồ Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCK Tràng An, thì đề xuất: "Một trong những biện pháp có tác động tích cực tới thị trường hiện nay là nên hoãn việc đánh thuế thu nhập đối với kinh doanh chứng khoán". Theo ông Khôi, gần như toàn bộ những người kinh doanh chứng khoán năm nay là bị lỗ nên việc thu thuế cũng không được bao nhiêu mà tác động tâm lý lại rất tiêu cực. Thêm vào đó, các nhà đầu tư nước ngoài vốn đã khó khăn lại thêm việc miễn thuế thu nhập đối với kinh doanh chứng khoán không còn thì thị trường Việt Nam càng trở nên kém hấp dẫn hơn.