Hỗ trợ quốc tế, cần bám sát những kế hoạch dài hơi

Hỗ trợ quốc tế, cần bám sát những kế hoạch dài hơi

(ĐTCK) Cuối tháng 10 vừa qua, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức họp báo công bố Chiến lược Đối tác Quốc gia (CPS) đối với Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015.

Hỗ trợ quốc tế, cần bám sát những kế hoạch dài hơi ảnh 1

ADB đang hướng tới việc hỗ trợ Việt Nam giải quyết những thách thức của một nước có thu nhập trung bình

Bên cạnh con số hỗ trợ vốn ước tính khoảng 3,5 tỷ USD sẽ được ADB cung cấp cho Việt Nam trong 3 năm tới thì điểm nhấn đặc biệt là việc hỗ trợ sẽ tuân theo nguyên tắc bám sát các ưu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn (SEDP 2011 - 2015) của Chính phủ Việt Nam.

Từ trước đến nay, hầu hết các định chế tài chính quốc tế thường chủ động đưa ra các gói hỗ trợ và Việt Nam phải căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch tiếp nhận, triển khai. Do đó, việc tiếp nhận thường mang tính bị động và hiệu quả chưa cao. Việc ADB và một số tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB) gắn chương trình hỗ trợ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là điểm rất mới.

Bên cạnh đó, sự khác biệt của CPS 2012 - 2015 so với sự trợ giúp những giai đoạn trước cũng của ADB là trụ cột chiến lược được đề ra nhằm giải quyết những thách thức của một nước có thu nhập trung bình; tập trung vào công tác tái cơ cấu nền kinh tế và một số cải cách liên quan… CPS sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư và chính sách trong một khuôn khổ chiến lược gồm ba trụ cột: thứ nhất, tăng trưởng toàn diện; thứ hai, nâng cao hiệu suất kinh tế; thứ ba, môi trường bền vững.

“Những thay đổi trong CPS giai đoạn tới nhằm phù hợp hơn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của Việt Nam được xác định với ba khâu đột phá, bao gồm: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh nguồn nhân lực, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó là tập trung vào chương trình cải cách, tầm quan trọng của môi trường bền vững và phát triển hòa nhập”, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nói.

Để triển khai chiến lược hỗ trợ ADB đề xuất đa dạng các nguồn lực tài trợ và phương thức hỗ trợ, bao gồm: vốn vay và đầu tư cổ phần; hỗ trợ kỹ thuật và các sản phẩm kiến thức khác; cố vấn chính sách... Chương trình cho vay gồm các dự án đầu tư hỗ trợ cho các công trình dân dụng, thiết bị, các chương trình phát triển ngành nhằm triển khai cải cách thể chế và chính sách. Để tối đa hóa tác động tích cực, CPS áp dụng một cách có hệ thống các nguyên tắc lựa chọn và thẩm định độ sẵn sàng của dự án trong chuẩn bị danh mục các dự án. Hiệu quả hoạt động của danh mục dự án hiện tại sẽ được xem xét cẩn trọng khi cân nhắc khoản vay mới.

Trước đó, WB cũng đã công bố thống nhất với các ưu tiên và mục tiêu chiến lược tổng quát mà Chính phủ Việt Nam đã đặt ra. CPS 2012 - 2016 của WB sẽ áp dụng một số nguyên tắc mới nhằm cải thiện hơn hiệu quả của việc hỗ trợ: thứ nhất, tăng cường tập trung chiến lược, giảm bớt sự dàn trải các chương trình hỗ trợ bằng cách tăng cường tính chọn lọc; thứ hai, cải thiện hiệu quả hoạt động, áp dụng các phương pháp tiếp cận có hệ thống, tạo hiệu quả hơn cho nguồn lực thông qua tăng cường đối thoại chính sách và áp dụng các hoạt động phân tích và tư vấn (AAA), cùng với các đối tác phát triển khác cũng như với các thành viên trong nhóm WB; thứ ba, đẩy mạnh thực hiện dự án nhằm đạt kết quả theo đúng tiến độ đặt ra.

“Chiến lược sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư và chính sách trong khuôn khổ chiến lược gồm ba trụ cột: tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu; tăng cường tính bền vững trong quá trình phát triển của Việt Nam”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết.

Theo WB, với những thách thức mới trong công cuộc giảm nghèo, ví dụ như bất bình đẳng ngày càng tăng cao, dân nghèo đô thị và tình trạng nghèo đói tập trung ở các cộng đồng dân tộc thiểu số, chiến lược hỗ trợ đã đưa ra một cam kết mới về xóa đói giảm nghèo, bao gồm tìm hiểu sâu hơn về thay đổi trong tình trạng đói nghèo tại Việt Nam và tập trung hỗ trợ những nhóm dân cư yếu trong xã hội. Tăng cường khả năng chịu đựng cũng trở thành một chủ đề chính trong chương trình hỗ trợ trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng chịu tác động lớn hơn từ các cú sốc bên ngoài, ví dụ như tác động kinh tế ở cả cấp vĩ mô cũng như đối với từng hộ gia đình, thảm họa thiên nhiên và tác động của biến đổi khí hậu...

“Đây là CPS đầu tiên của WB với Việt Nam kể từ khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp vào năm 2009”, bà Victoria Kwakwa nói và cho biết thêm: “Chiến lược mới sẽ kế thừa chiến lược trước đây, đồng thời đưa ra một số thay đổi nhằm làm sâu thêm những trọng tâm mang tính chiến lược trong chương trình của WB. Kết quả cuối cùng của các chiến lược hay các dự án là người dân tại quốc gia đó được hưởng những lợi ích gì. Do vậy, việc thay đổi chiến lược cho phù hợp hơn, thậm chí song song với kế hoạch của chính phủ nước sở tại có lẽ sẽ là điểm mấu chốt để việc hỗ trợ có hiệu quả cao nhất”.