CEO HSBC Stuart Gulliver

CEO HSBC Stuart Gulliver

HSBC lợi nhuận lớn, sa thải... nhiều

(ĐTCK-online) Trong mấy ngày gần đây, HSBC, một trong những ngân hàng thương mại lớn trên thế giới của Anh đã có một số động thái gây xôn xao dư luận và làm không ít nhân viên của Ngân hàng cảm thấy bất an.

Đầu năm nay, khi chính thức lên nắm quyền lãnh đạo, ông Stuart Gulliver, 52 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) HSBC đã tuyên bố, một trong những mục tiêu ưu tiên của ông là cắt giảm đội ngũ nhân viên, để tiết kiệm khoản chi phí hoạt động từ 2,5 tỷ USD đến 3,5 tỷ USD trong vòng hơn 2 năm và rút lui khỏi một số thị trường mà HSBC làm ăn thua lỗ.

Từ đầu năm đến nay, thực hiện chỉ đạo của ông Stuart Gulliver, HSBC đã cắt giảm khoảng 5.000 nhân viên ở các thị trường Mỹ, Anh, Pháp, châu Mỹ La tinh và Trung Đông.

Đầu tuần này, ông Stuart Gulliver lại khẳng định, trong vòng hơn 2 năm tới (từ nay đến hết năm 2013), HSBC sẽ sa thải tiếp 25.000 việc làm. “HSBC sẽ còn phải tiếp tục cắt giảm nhân sự mạnh hơn nữa. Thị trường trọng điểm của ngân hàng trong tương lai sẽ vẫn là châu Á”, ông Stuart Gulliver nói.

Điều làm đội ngũ nhân viên và cả các cổ đông, nhà đầu tư ít nhiều băn khoăn là HSBC cắt giảm mạnh số lượng nhân viên không phải vì ngân hàng đang làm ăn thua lỗ, mà ngược lại trong bối cảnh làm ăn vẫn rất được.

Ngày 1/8, HSBC toàn cầu công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của HSBC toàn cầu đạt 11,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng tới 45% so với 6 tháng cuối năm 2010. Lợi nhuận thuần là 8,9 tỷ USD; doanh thu đạt 35,7 tỷ USD.

Kết quả trên là khả quan. Lợi nhuận như vậy cũng là lớn, song việc cắt giảm, sa thải nhân viên của HSBC cũng phải coi thuộc vào loại lớn luôn. 

Giá cổ phiếu của HSBC tại Sở GDCK London (Anh) tăng mấy phiên liên tục, hiện đứng ở mức hơn 6,2 bảng Anh/cổ phiếu.

Không chỉ có lãi, HSBC hiện cũng rủng rỉnh tiền mặt. Cuối tuần trước, HSBC đã ký hợp đồng bán lại 195 chi nhánh, điểm giao dịch ở Mỹ (phần lớn ở New York) cho Ngân hàng First Niagara Bank (Mỹ) với giá 1 tỷ USD, được trả phần lớn bằng tiền mặt.

Theo một số nguồn tin, HSBC cũng đang trong quá trình thương thảo để bán nốt toàn bộ danh mục đầu tư thẻ tín dụng ở Mỹ, với giá trị tài sản ước đạt tới hơn 30 tỷ USD. Hai ngân hàng lớn của Mỹ là Capital One Financial Corp. và Wells Fargo được coi là 2 ứng viên chính trong thương vụ mua lại này.

Ở Mỹ, HSBC có tổng cộng 470 chi nhánh, điểm giao dịch, với tổng tài sản lên tới 197 tỷ USD. Với việc bán đi 195 chi nhánh, điểm giao dịch, HSBC đang thu hẹp dần hoạt động tại Mỹ.

Được thành lập năm 1865 tại Hồng Kông và Thượng Hải, HSBC hiện có trụ sở chính ở London (Anh) và có khoảng 296.000 nhân viên làm việc ở 87 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, hơn 1/3 là ở khu vực châu Á.

Theo nhiều nhà phân tích, nếu đánh giá cho công bằng và khách quan, thì việc cắt giảm lao động đã trở thành xu hướng chung của nhiều ngân hàng thương mại ở Anh nói riêng và trên thế giới nói chung, chứ không riêng gì HSBC.

Các ngân hàng Intesa Sanpaolo (Italia) và Credit Suisse (Thụy Sỹ) đã cắt giảm hàng ngàn việc làm. Ở Anh, Lloyds Banking Group cũng sa thải nhân viên tàn bạo không kém, khi thông báo sẽ cho hơn 15.000 nhân viên nghỉ việc. Tương tự, Royal Bank of Scotland đã tinh giản biên chế hơn 10.000 người kể từ năm 2006 đến nay. Tất nhiên, kết quả kinh doanh của 2 ngân hàng này đuối hơn HSBC khá nhiều.

Một điều cần phải thấy nữa, là HSBC chỉ cắt giảm nhân viên chủ yếu ở các thị trường làm ăn kém cỏi. Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm nay, HSBC Chi nhánh tại Mỹ bị lỗ 1,5 tỷ USD. Vì thế, việc HSBC cắt giảm nhân viên, bán bớt chi nhánh của mình ở đây là động thái đúng, hợp lý. Chứ khu vực châu Á làm ăn tốt, thì đội ngũ nhân viên chưa phải bận tâm tới việc đi hay ở.

Ở khu vực châu Á, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của HSBC đạt 6,8 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Hồng Kông đóng góp tới 3,1 tỷ USD, tăng 7%.

Riêng tại Việt Nam , lợi nhuận trước thuế của HSBC đạt 82 triệu USD, tăng 116% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định: “Hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2011 của HSBC tại Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, mặc dù có nhiều thử thách đối với tăng trưởng kinh tế và hoạt động kinh doanh. Kết quả này có được nhờ vào thế mạnh của HSBC trong mảng dịch vụ tài trợ thương mại và những tiến triển tốt trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ngân hàng dành cho khách hàng cao cấp”.

Nhìn chung, với kết quả tốt như thế này, thì đội ngũ nhân viên của HSBC tại Việt Nam có thể yên tâm... bình chân như vại về công ăn, việc làm.