Hướng mở cho khối công ty chứng khoán thiếu vốn

Hướng mở cho khối công ty chứng khoán thiếu vốn

(ĐTCK) Ban đầu các CTCK cùng cảnh ngộ có thể coi việc sáp nhập với nhau như câu chuyện tầm phào, nhưng nếu xét kỹ thì thấy có hẳn một lối ra đáng được xem xét...

Do không thể tăng vốn để đáp ứng yêu cầu mới về vốn điều lệ, nhiều CTCK buộc phải rút bớt nghiệp vụ kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, CTCK rút bớt nghiệp vụ bảo lãnh phát hành (yêu cầu vốn 150 tỷ đồng) là điều bình thường, song thật đáng tiếc khi phải nói lời chia tay với các nghiệp vụ còn lại (trừ nghiệp vụ môi giới). Hiện một số CTCK trong diện cắt bớt nghiệp vụ, co cụm hoạt động, đang có ý định tìm đến nhau để sáp nhập. Đây có thể là lời giải hữu hiệu khi khả năng nội tại của nhiều CTCK đang ở mức thấp, trong khi đối tác nước ngoài tỏ ra không mấy mặn mà, thể hiện ở mức giá trả mua, thoả thuận hậu mua bán, sáp nhập (M&A)…

Theo ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐQT CTCK Quốc Gia (NSI), ban đầu các CTCK cùng cảnh ngộ có thể coi đó như câu chuyện tầm phào, nhưng nếu xét kỹ thì thấy có hẳn một lối ra cho những CTCK đang chịu áp lực về vốn, hứa hẹn khả năng tạo ra sức mạnh tổng hợp cho chính họ trong bối cảnh hiện nay. Nhất là khi các đối tác nước ngoài trả giá tương đối rẻ do thấy hết được những khó khăn của CTCK trong nước, biết được CTCK đang rất cần tiền để tăng vốn, duy trì nghiệp vụ kinh doanh.

Chẳng hạn như CTCK Gia Anh, Tổng giám đốc Chu Hoàng Anh cho biết, Công ty chưa tìm được đối tác để bán 80% vốn điều lệ, hiện chưa có hướng đi cụ thể đối với việc tăng vốn. Công ty đang có 22 tỷ đồng vốn điều lệ, thiếu 3 tỷ đồng để thực hiện nghiệp vụ môi giới, nếu không tăng được vốn thì chỉ còn cách giữ lại nghiệp vụ duy nhất là tư vấn.

Bà Phạm Diễm Hoa, Tổng giám đốc CTCK Phố Wall (WSS) cho rằng, giải pháp sáp nhập là một trong những hướng mở cho CTCK trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Theo bà Hoa, để tiến tới việc tạo ra các giá trị hỗ trợ tích cực như liên kết mở sàn vàng, mở sàn giao dịch OTC, tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn trái phiếu… thì trước mắt CTCK phải vượt qua được rào cản về vốn. Trước đây, WSS đã nhận được một số lời đề nghị sáp nhập từ các CTCK nhỏ, song xét thấy Công ty chưa có nhu cầu về vốn (WSS hiện có vốn điều lệ 160 tỷ đồng), năm 2008 làm ăn có lãi, trong khi thị trường còn tiềm năng, chưa khai thác hết, nên WSS vẫn còn "giữ mình".

Lãnh đạo một CTCK tại Hà Nội cho biết, công ty đã quyết định chỉ giữ lại nghiệp vụ duy nhất là môi giới chứng khoán và bày tỏ lo ngại về khả năng nếu cứ hoạt động như vậy một cách khiên cưỡng hẳn sẽ có ngày bị "dính cảm". Do đó, việc duy trì duy nhất một nghiệp vụ chỉ là giải pháp tình thế để đáp ứng yêu cầu mới về vốn điều lệ, còn về lâu dài chắc chắn sẽ phải tìm hướng liên kết và không loại trừ khả năng sáp nhập với CTCK cùng cảnh ngộ nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh.

Vấn đề băn khoăn là các CTCK tìm đến nhau theo kiểu "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", tức trong thế cùng khó khăn, cùng thua lỗ, thị phần hạn hẹp… thì sức mạnh tổng hợp sẽ là gì nếu không phải là khó khăn thêm chồng chất? Giả sử 2 CTCK, một có vốn điều lệ 22 tỷ đồng, một có 25 tỷ đồng thì khi thực hiện sáp nhập, với số vốn tổng cộng là 47 tỷ đồng, thì ngoài môi giới chứng khoán cũng chỉ có thêm một nghiệp vụ là tư vấn chứng khoán (cần 10 tỷ đồng). Liệu công ty có thực sự khỏe lên, có mở rộng được hoạt động, thu hút thêm khách hàng, dù chi phí mặt bằng, nhân sự… được cắt giảm? Đó là chưa kể vướng mắc trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến lợi ích giữa hai bên, nhất là khi một bên nhiều giá trị với một bên ít giá trị hơn.

Do đó, theo đại diện của một công ty chuyên về tư vấn M&A, khi lựa chọn đối tác M&A, CTCK cần tính đến các yếu tố như: thị phần, nhân sự, giá trị thặng dư CTCK có ý định thực hiện sáp nhập cần xem xét trạng thái hoạt động của mình, đánh giá xem mình có thống lĩnh hay thiếu "chân" ở vùng, miền nào (nếu có) để có hướng sáp nhập phù hợp. Ngoài ra, cần điều hoà nhân sự, tránh "hao binh tổn tướng", định hướng rõ ràng kế hoạch kinh doanh, tránh tình trạng phải đối mặt với cuộc chia tay ngoài ý muốn từ những mâu thuẫn xuất phát từ M&A.

Còn theo bà Hoa, nếu coi bài toán M&A như một nước cờ tốt trong việc cắt giảm chi phí, nhân đôi cơ hội đầu tư cho CTCK khi lượng khách hàng được quy về một mối thì kết quả cuối cùng để phân thắng bại còn phải chờ vào thiện chí của các bên cũng như sức khoẻ của nền kinh tế, cung - cầu của thị trường. Ngoài ra, bên cạnh vấn đề khung pháp lý chưa thực sự đầy đủ thì việc sáp nhập CTCK chưa có tiền lệ tại Việt Nam cũng có thể gây ra những vướng mắc trong quá trình sáp nhập CTCK. Do đó, tham khảo xu hướng sáp nhập CTCK ở các nước là việc cần làm trước khi thực hiện M&A.