Khó kiềm chế nhập siêu?

Ngày 29.2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã chủ trì cuộc họp với các tham tán thương mại VN tại nước ngoài bàn giải pháp kiềm chế nhập siêu.

 

Phân tích cơ cấu hàng hoá nhập khẩu (NK) và nguyên nhân nhập siêu tăng cao năm 2007, các ý kiến đều chỉ ra, nguyên nhân chủ yếu nhập siêu là tỉ trọng nguyên - nhiên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu (XK) tăng cao, nên càng tăng XK thì NK cũng tăng theo.

 

Còn quá nhiều mặt hàng phải nhập khẩu nguyên liệu

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: "Nếu loại trừ yếu tố giá NK tăng mạnh thì nguyên kim ngạch NK của 19 nhóm hàng máy móc, thiết bị, nguyên - nhiên - vật liệu đã lên tới 47,05 tỉ USD, chiếm 75% trong tổng kim ngạch NK năm 2007. Riêng các mặt hàng làm nguyên - vật liệu cho sản xuất đã làm tăng kim ngạch thêm 8,15 tỉ USD (chiếm 45,83%) trong tổng kim ngạch tăng thêm của cả năm. Do đó, càng tăng trưởng XK thì kim ngạch NK cũng tăng lên.

 

Một nguyên nhân nữa theo ông Biên là XK hàng hoá trong nước tăng thấp hơn NK cũng là yếu tố tăng nhập siêu, nhưng năng lực sản xuất thì đã đến ngưỡng, trong khi chúng ta luôn phải tìm cách chống đỡ với NK thì năng lực XK của chúng ta cũng không thể tăng hơn.

 

"Thị trường ASEAN trong 2 năm qua, mỗi năm VN NK tăng lên 3 tỉ USD, trong khi chỉ XK 1 tỉ USD/năm. Nhập siêu tăng lên gấp đôi từ 4 tỉ USD lên 8 tỉ USD/năm" - ông Biên nói. Như vậy rõ ràng khi mở cửa thị trường cho hàng hoá nước ngoài chiếm lĩnh; ngược lại, chúng ta đã không tận dụng được cơ hội do hội nhập mang lại để tăng XK hàng hoá ra các nước.

 

Cách gì kiềm chế nhập siêu?

 

Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện VN hiện nay, nhập siêu chưa hẳn là không tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đầu tư trong nước và đặc biệt là khu vực FDI, ODA tăng mạnh. Vì vậy, theo các chuyên gia và tham tán thương mại, không cần can thiệp bằng các biện pháp kiềm chế NK. Đối với hàng hoá là nguyên - nhiên - vật liệu cho sản xuất nếu phục vụ hàng XK thì vẫn cần thiết cho NK bình thường, đặc biệt để phục vụ tăng trưởng XK trong năm 2008 (dự kiến kim ngạch lên tới 59,2 tỉ USD).

 

Đối với nguyên - vật liệu phục vụ sản xuất trong nước phải cân đối chính xác cung- cầu, mùa vụ để lựa chọn thời điểm NK nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thế giới. Nhiều chuyên gia cho biết thậm chí phải định hướng lại thị trường NK theo hướng tăng NK từ các thị trường có thanh toán bằng USD, giảm NK từ thị trường bắt buộc thanh toán bằng euro để hạn chế tác động của việc tăng giá đồng euro so với USD. Mặt hàng tiêu dùng cần hạn chế NK là ôtô nguyên chiếc thì cần điều chỉnh chính sách thuế đối với xe NK dưới 12 chỗ ngồi.

 

Ông Phan Văn Trinh - Phó Vụ trưởng Vụ XNK (Bộ Công Thương) - khẳng định: "Về lâu dài, bên cạnh việc tập trung XK các mặt hàng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn để nâng cao hàm lượng chế biến, cần có chính sách quy hoạch các ngành công nghiệp sản xuất thay thế hàng NK, hạn chế XK tài nguyên thô để NK sản phẩm chế biến. Phát triển các ngành CN phụ trợ sản xuất phụ liệu dệt may, da giày như xây dựng các trung tâm nguyên - phụ liệu với sự tham gia của các nhà cung cấp nước ngoài để các nhà NK VN có nhiều lựa chọn".