Trang web của VBMÃ sẽ chính thức vận hành từ cuối tháng này

Trang web của VBMÃ sẽ chính thức vận hành từ cuối tháng này

“Khoảng trống” thông tin thị trường trái phiếu

(ĐTCK-online) Bức tranh thị trường trái phiếu (TTTP) đang bị lu mờ do thông tin về thị trường còn phân tán và chưa được cung cấp liên tục. Tình trạng này sẽ khó được cải thiện khi cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về trái phiếu vẫn còn "khoảng trống" như hiện tại.

"Nhiễu" thông tin

Thông tin về TTTP, đặc biệt là trái phiếu DN hiện còn manh mún, chưa giúp NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài có thông tin tổng thể, cập nhật để nắm bắt cơ hội đầu tư. Ngay cả thông tin về TTTP chính phủ đang được coi là khá cập nhật, thì cũng đang ở trong tình trạng "lắm mối", hiện được cung cấp chủ yếu qua Kho bạc Nhà nước và Sở GDCK Hà Nội (HNX). Cụ thể, đối với thị trường sơ cấp, chỉ những thành viên tham gia bảo lãnh phát hành mới được cung cấp thông tin sớm nhất về đợt phát hành từ Kho bạc Nhà nước. Nếu là thành viên của TTTP chính phủ chuyên biệt, NĐT sẽ được cập nhật các thông tin từ HNX…

Trưởng phòng kinh doanh trái phiếu của một CTCK có thị phần môi giới trái phiếu lớn cho biết, vì thông tin về TTTP lắm mối như vậy, nên để cập nhật thông tin đến NĐT, trên cơ sở thông tin "thô" từ Kho bạc Nhà nước và HNX, công ty này phải phân loại, tập hợp lại trước khi phổ biến đến NĐT. Cách làm này rõ ràng gây tốn thời gian cho cả NĐT lẫn các nhà môi giới, trong khi nếu cơ sở dữ liệu về TTTP được hình thành và có cơ chế thống nhất đầu mối thông tin về thị trường được thiết lập theo thông lệ quốc tế, thì NĐT rất dễ dàng tiếp cận các thông tin.

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Trưởng bộ phận Kinh doanh trái phiếu và Thị trường vốn, CTCK BIDV cho biết, hiện quy mô TTTP Việt Nam chỉ chiếm khoảng 17% GDP, trong khi tại các nước phát triển chiếm tới 50 - 80% GDP. Bởi vậy, TTTP còn nhỏ và là một kênh huy động vốn tiềm năng. Tuy nhiên, muốn khai thác có hiệu quả, Bộ Tài chính nên xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê tổng hợp về thị trường, để cập nhật lên trang website của Bộ và của HNX, HOSE, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của NĐT. Trong đó, hàng năm cần cập nhật chi tiết khối lượng trái phiếu phát hành, khối lượng trái phiếu đáo hạn, lãi suất phát hành trái phiếu của Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam… Kèm theo đó, cũng cần nghiên cứu đưa ra đường cong lãi suất chuẩn của các kỳ hạn trái phiếu làm tham chiếu cho NĐT, cũng như công bố kịp thời các chính sách có liên quan đến hoạt động của TTTP.

 

Cần một đầu mối thống nhất

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội TTTP Việt Nam (VBMA) cho rằng, với NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài, hiện nhu cầu cập nhật thông tin về TTTP không dễ được đáp ứng, bởi Việt Nam chưa có một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về TTTP. Trong khi thông tin về TTTP chính phủ mới phần nào được cập nhật qua HNX, thì thông tin về trái phiếu DN gần như bị… bỏ trống. Xuất phát từ nhu cầu bức thiết của các hội viên, cũng như nhiều thành viên của thị trường, VBMA đang nỗ lực để sớm khắc phục tình trạng này. Bước đầu, Hiệp hội đang cố gắng kết thúc giai đoạn thử nghiệm website tại địa chỉ www.vbma.org.vn vào cuối tháng này để chính thức đưa vào vận hành, nhằm cập nhật các thông tin về chính sách, thị trường cho những người quan tâm đến TTTP, các hội viên của VBMA gồm 58 thành viên, trong đó 53 hội viên tổ chức là các NHTM trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, CTCK, công ty tư vấn luật… và 5 hội viên cá nhân.

"Website này không cung cấp thông tin một chiều, mà ngược lại sẽ là kênh phản hồi thông tin hữu ích cho các thành viên thị trường, những người quan tâm đến TTTP, nhằm giúp cho việc cung cấp thông tin về TTTP đến NĐT được triển khai đều đặn, tập trung hơn", ông Giang nói.

Để hỗ trợ NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài tiếp cận thông tin về TTTP thuận lợi hơn, ông Giang cũng cho biết, VBMA đang nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về TTTP Việt Nam, trong đó cung cấp một bức tranh toàn cảnh về TTTP, gồm cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu DN. Dựa vào cơ sở dữ liệu TTTP, VBMA sẽ xây dựng một số ứng dụng rất cần thiết cho thị trường như: hình thành đường cong lãi suất, xác định giá trị trái phiếu, định kỳ chốt giá trái phiếu… để làm cơ sở cho NĐT tham khảo trong quá trình giao dịch.