Các CTCK cũng đề nghị cần minh bạch để tránh tình trạng tốt xấu lẫn lộn

Các CTCK cũng đề nghị cần minh bạch để tránh tình trạng tốt xấu lẫn lộn

"Khoảng trống" thông tin về sức khoẻ tài chính CTCK

(ĐTCK-online) Sau "sự cố" thanh khoản của CTCK SME, NĐT không khỏi lo lắng về sự an toàn cho tài khoản của mình, bởi đang có "khoảng trống" thông tin về sức khoẻ tài chính của các CTCK.

>> An toàn hệ thống nhìn từ câu chuyện SME

Sau "sự cố" thanh khoản của CTCK SME, thị trường đang đặt dấu hỏi về khả năng thanh khoản thực của nhiều CTCK. Cùng với tâm trạng hoài nghi này, NĐT không khỏi lo lắng về sự an toàn cho tài khoản của mình, bởi đang có "khoảng trống" thông tin về sức khoẻ tài chính của các CTCK. Muốn tạo niềm tin cho thị trường, đồng thời giúp NĐT tránh rơi vào trạng thái lo lắng tương tự trong tương lai, NĐT cho rằng, sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan quản lý là yếu tố quyết định.

 

Nỗi lo lan truyền

Theo NĐT Trần Tiến Dũng (Hà Nội), khoảng 3 tuần trở lại đây, khá nhiều bạn bè gọi điện hỏi anh cách xử trí khi họ muốn rút tiền tại một số CTCK, nhưng gặp nhiều khó khăn: ngoài phải thông báo trước cho CTCK, NĐT không thể muốn rút bao nhiêu tiền trong tài khoản cũng được, mà phải rút với lượng nhất định và làm nhiều lần… Với câu hỏi phải xử lý thế nào khi CTCK chưa thể đáp ứng được nhu cầu rút tiền của NĐT ngay khi họ muốn, ông Dũng khuyên họ bằng mọi cách phải bám sát CTCK để rút tiền bằng được, bởi trong lúc thông tin về sức khoẻ thực của nhiều CTCK mù mờ như hiện tại, NĐT đang đối mặt với nhiều rủi ro khi không ít CTCK đang nắm tiền của họ thay vì để ngân hàng quản lý.

"Nếu CTCK nào cố tình trì hoãn việc cho rút tiền với lý do không rõ ràng và không chính đáng, thì NĐT cần ngay lập tức tố cáo lên UBCK và các cơ quan chức năng để nhờ can thiệp…", ông Dũng nói.

Chia sẻ với ĐTCK, nhiều NĐT cho biết, nỗi lo của họ sẽ vợi đi rất nhiều, nếu UBCK minh bạch bức tranh tài chính của các CTCK để tránh tình trạng tốt xấu lẫn lộn như hiện tại. Mới đây, lãnh đạo UBCK nói sẽ công khai ra thị trường thông tin về tình trạng an toàn tài chính tại các CTCK, nhưng việc này cần cân nhắc để tránh tác động đến an toàn hệ thống… Chỉ đồng ý với vế đầu của quan điểm này, nhiều NĐT cho rằng nếu lo ngại việc công bố tình trạng sức khoẻ tài chính của các CTCK sẽ tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống là chưa hoàn toàn xác đáng, bởi tình trạng thông tin mù mờ như hiện nay đang khiến NĐT lo lắng và có thể xuất hiện những phản ứng thái quá, gây bất lợi cho thị trường…

 

Cách nào xoá "khoảng trống" thông tin?

Lãnh đạo một CTCK hiến kế, muốn xoá "khoảng trống" thông tin gây lo ngại như trên, UBCK cần sớm công khai hồ sơ sức khoẻ tài chính của các CTCK. Được biết, để có biện pháp giám sát phù hợp, UBCK đã phân nhóm các CTCK có sức khoẻ khác nhau. Do vậy, để vừa đáp ứng mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống của cơ quan quản lý, cũng như đáp ứng phần nào nhu cầu thông tin của NĐT, việc công khai nên bắt đầu từ nhóm CTCK có sức khoẻ tốt, để ít nhất giúp một bộ phận NĐT có tài khoản tại những doanh nghiệp này giải toả mối lo, tránh hình thành tâm lý tháo chạy bầy đàn. Sau khi lần lượt công khai các CTCK có sức khoẻ tài chính với các cấp độ từ rất tốt, tốt, khá…, cần tính đến công khai danh sách các CTCK có sức khoẻ tài chính kém nhưng với tính chất dễ làm thì minh bạch trước. Yếu tố dễ làm ở đây được hiểu là doanh nghiệp gần như không hoạt động, rất ít giao dịch với khách hàng, nợ ngân hàng cũng như các chủ thể khác không đáng kể…

Cách làm trên, theo nhiều ý kiến, sẽ nhận được sự ủng hộ của thị trường, nhất là trong bối cảnh thời điểm thanh lọc các CTCK đang cận kề khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa, Việt Nam sẽ mở cửa cho CTCK 100% vốn nước ngoài vào hoạt động, cũng như từ ngày 1/4/2012, UBCK sẽ áp dụng các biện pháp mạnh trong Thông tư 226/2010/TT-BTC để xử lý các CTCK mất an toàn tài chính, trong đó có giải pháp đình chỉ hoạt động.

Theo ông Dũng, còn 2 nhiệm vụ dài hạn khác mà UBCK cần theo đuổi thực hiện, để đảm bảo minh bạch tài chính của các CTCK khi bước vào giai đoạn phát triển mới là phải chuyển toàn bộ tiền mà các CTCK đang nắm giữ của NĐT sang ngân hàng và trao quyền giám sát CTCK cho chính NĐT. Là những người quan hệ kinh doanh thường xuyên với CTCK, nên NĐT hiểu khá rõ CTCK. Bởi vậy, Bộ Tài chính, UBCK cần hình thành cơ chế để khuyến khích NĐT cung cấp thông tin về những dấu hiệu bất thường tại CTCK cho cơ quan quản lý nhằm có hình thức xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Trong đó, ngoài biện pháp bảo vệ, cần quy định cụ thể các mức thưởng cho người cung cấp thông tin bằng nguồn trích từ tiền xử phạt các CTCK vi phạm…