Khơi thông vốn cho DN xuất, nhập khẩu

(ĐTCK-online) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa yêu cầu các NHTM, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, trước ngày 10/9/2008, phải báo cáo số liệu về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đã thực hiện từ ngày 31/3 đến hết tháng 8/2008.

Trên cơ sở tổng hợp, phân tích các báo cáo, NHNN sẽ đánh giá tình hình hoạt động của ngân hàng hỗ trợ xuất khẩu và xem xét để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế hoạt động tín dụng này, sau khi ban hành Quyết định 09/2008/QĐ-NHNN ngày 10/4/2008 về việc cho vay bằng ngoại tệ của ngân hàng đối với khách hàng là người cư trú và không cho DN xuất khẩu vay vốn bằng USD.

Trong thời gian qua, khi các chính sách thắt chặt tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát được NHNN ban hành, trong đó có chủ trương kiềm chế tăng trưởng tín dụng năm nay dưới mức 30%, các ngân hàng đã hạn chế cửa vốn đầu ra. Một phần, do thị trường tiền tệ có nhiều biến động, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành, nhiều ngân hàng lo ngại về nguy cơ rủi  ro nợ xấu gia tăng. Đặc biệt, ngân hàng đã hạn chế cung cấp tín dụng cho các DN xuất, nhập khẩu, vì còn lo ngại rủi ro về biến động tỷ giá hối đoái. Sau khi có quyết định tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lên gấp 3 lần, nhiều ngân hàng đã hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất cho vay.

Tính đến hết ngày 3/9/2008, đã có gần 10 ngân hàng thương mại chính thức giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay mới của các ngân hàng đã giảm từ 0,5% đến tối đa 2%/năm, trong đó, ngân hàng dành nhiều ưu tiên cho các DN xuất, nhập khẩu. Ví dụ, Eximbank vừa giảm lãi suất cho vay đối với các DN xuất, nhập khẩu. Cụ thể, đối với DN xuất khẩu, chiết khấu bộ chứng từ bằng USD lãi suất cho vay của Eximbank đã giảm từ 8,4%/năm xuống còn 6,6%/năm. Đối với DN nhập khẩu vay USD có kỳ hạn 6 tháng trở xuống, lãi suất giảm còn 6,6%/năm.

ACB hỗ trợ DN xuất khẩu bằng vốn VND theo lãi suất USD. Có nghĩa là, vay vốn theo chương trình này của ACB, DN sẽ tiết kiệm được 30 - 40% chi phí về lãi suất. Ngoài ra, ACB còn có kế hoạch dành một ngân khoản trị giá 2.000 tỷ đồng, 100 triệu USD và 20.000 lượng vàng để tăng mức tín dụng đối với các khách hàng cũ cũng như tăng dư nợ đối với khách hàng mới, trong nhóm khách hàng mục tiêu của ACB trong 2 tháng 8 và 9/2008.

Theo bà Trần Thị Thúy Mỹ, Phó giám đốc Khối khách hàng DN (thuộc ACB), sau gần 2 tuần triển khai chương trình hỗ trợ vốn cho DN xuất khẩu bằng VND theo lãi suất USD, Ngân hàng đã giải ngân được 9 triệu USD trong tổng hạn mức 20 triệu USD như kế hoạch đề ra cho cả chương trình. Dự kiến, ACB sẽ nâng hạn mức vốn cho DN xuất khẩu theo chương trình trên lên gấp đôi hoặc gấp ba so với kế hoạch ban đầu. “Nhu cầu vốn của các DN xuất khẩu đang tăng cao vào các tháng cuối năm. Trong khi đó, so với trước, ngân hàng có sự sàng lọc kỹ càng hơn đối với khách hàng vay vốn hơn trước. Giá trị tài sản đảm bảo cũng được đánh giá thấp hơn để hạn chế rủi ro. Vì vậy, nhiều DN vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng. Đây chính là khó khăn cho cả ngân hàng lẫn DN”, bà Mỹ nói.

Tuy nhiều ngân hàng đã hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất sau khi NHNN tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, nhưng trên thực tế, nguồn vốn giá rẻ phần lớn dành cho DN có khả năng tài chính mạnh và quan hệ lâu năm với ngân hàng. Vì vậy, vẫn còn nhiều DN hiện chưa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, nên NHNN cho biết, sẽ tiếp tục rà soát vướng mắc, tháo gỡ khó khăn nhằm tiếp tục khơi thông nguồn vốn cho DN, đặc biệt là với lĩnh vực xuất khẩu, nhằm giúp các DN xuất khẩu sớm giảm bớt áp lực về vốn để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh trong những tháng còn lại của năm 2008.ª