Cần tạo lập hàng hoá chủ chốt cho thị trường, tập trung ở các DN như Vietcombank, Vietinbank...

Cần tạo lập hàng hoá chủ chốt cho thị trường, tập trung ở các DN như Vietcombank, Vietinbank...

Kích cầu bằng hàng tốt

(ĐTCK) Bàn về khả năng thu hút vốn đầu tư của TTCK trong giai đoạn này, nhiều quan điểm cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan do khó khăn chung của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, TTCK Việt Nam đang bộc lộ không ít hạn chế nội tại khiến nhiều tổ chức nước ngoài e ngại khi bỏ vốn đầu tư…

Bên cạnh những điểm yếu như tính thanh khoản thấp hơn đáng kể so với các thị trường khác; tính minh bạch và mức độ cập nhật của các thông tin công bố, tiến độ cổ phần hóa và IPO các doanh nghiệp lớn khá chậm…, các chuyên gia tư vấn còn nhắc nhiều đến hạn chế về quy mô của TTCK Việt Nam, thể hiện ở việc không có doanh nghiệp niêm yết có mức vốn hóa trên 1 tỷ USD, một mức tối thiểu để các tổ chức lớn ở nước ngoài quan tâm và xem xét đầu tư.

Không ít ý kiến lo ngại rằng, trong thời gian tới, nếu các điểm yếu này không được cải thiện, thì khả năng tiếp tục thu hút nguồn vốn ngoại vào TTCK Việt Nam trong năm 2009 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã khuyến nghị, cần nhanh chóng tạo lập hàng hoá chủ chốt cho thị trường, tập trung ở các doanh nghiệp có mức vốn hoá lớn trên 1 tỷ USD, kinh doanh hiệu quả và có nhiều tiềm năng phát triển, như Habeco, Sabeco, Vietcombank, Vietinbank, MobiFone…, trong bối cảnh những đòi hỏi về một môi trường đầu tư hấp dẫn nhằm gia tăng lượng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước chưa bao giờ cấp bách đến vậy.

VAFI chứng minh rằng, nếu cả 5 doanh nghiệp này niêm yết trong năm 2009 sẽ làm cho quy mô vốn hoá của TTCK tăng lên khoảng 50% và làm thay đổi kết cấu hàng hoá, làm "thoả sức" đầu tư của các cá nhân và tổ chức lớn, làm gia tăng lượng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời  kích thích TTCK phát triển, cũng như khả năng tăng cường tính hội nhập của TTCK Việt Nam.

Không chắc việc đẩy nhanh tốc độ niêm yết các doanh nghiệp lớn có chỉ đơn thuần nằm ở những công việc liên quan đến thủ tục hành chính hay không, song nếu chung sức đồng lòng, hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững của TTCK Việt Nam thì dù khó vẫn có thể thực hiện được.

Hơn thế, một thực tế về hậu quả của sự chậm trễ được VAFI minh chứng đối với trường hợp Vietcombank. Sau khi IPO, ngân hàng này phải mất 8 tháng mới tổ chức ĐHCĐ lần đầu, trong khi đó đối với nhiều doanh nghiệp, thời gian này thu lại hơn nhiều. Trong sự chậm trễ này, theo VAFI, tiền của nhà đầu tư bị treo mất 8 tháng mà hầu như không được hưởng cổ tức...

Việc đề xuất lộ trình niêm yết khá nhiều doanh nghiệp lớn trong năm 2009, giai đoạn mà lực cầu vẫn chưa có chuyển biến đáng kể, là điều mà các cơ quan quản lý cần cần nhắc kỹ càng. Tuy nhiên, ý tưởng kích cầu bằng "hàng tốt, giá rẻ" của VAFI có lẽ cũng khá hợp lý, như đối với hầu hết thị trường hàng hoá trong giai đoạn suy thoái này.