Nhiều CTCK ra đời chủ yếu là để tự doanh (Trong ảnh: NĐT đang theo dõi giá CP

Nhiều CTCK ra đời chủ yếu là để tự doanh (Trong ảnh: NĐT đang theo dõi giá CP

Lập CTCK mới: Phục vụ hay cạnh tranh với khách hàng?

Mạng lưới hoạt động của các CTCK liên tục được mở rộng ra các quận, tỉnh, thành phố. Thế nhưng, lượng NĐT đến mở tài khoản lại ngày một vơi dần. Đáng chú ý là các CTCK quy mô nhỏ, sinh sau đẻ muộn rất khó khăn trong việc thu hút khách hàng.

Thu hút khách bằng khuyến mại

 

Tính đến nay, sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, CTCK EPS đã thu hút được khoảng trên 1.000 tài khoản của NĐT. So với các CTCK quy mô và thâm niên hoạt động như: SSI, ACBS thì con số này quá nhỏ. Nhưng nếu so với các CTCK vừa mới tham gia thị trường thì 1.000 tài khoản của NĐT mở tại EPS cũng được xem là lớn.

 

Tuy nhiên, trong 1.000 tài khoản NĐT mở mới tại EPS, bình quân chỉ có khoảng một phần ba NĐT đến sàn vào các buổi sáng giao dịch, khiến không khí tại sàn này luôn trong trạng thái yên tĩnh. Phía EPS cho rằng sở dĩ NĐT ít đền sàn vì hiện trong số hơn 1.000 tài khoản mở mới của NĐT thì có đến 70% là giao dịch qua phương thức online. Có thể nói, các CTCK vừa mới tham gia TTCK rất khó thu hút được tài khoản của NĐT.

 

Để nhanh chóng thu hút khách hàng trong bối cảnh TTCK sớm nắng, chiều mưa hiện nay, gần đây nhiều CTCK liên tục tung chương trình khuyến mại, giảm phí giao dịch… để chìu lòng khách hàng. CTCK DNVVN (SME) có chương trình tặng ngay 5 triệu đồng khi NĐT mở tài khoản kể từ nay đến hết tháng 12-2007. CTCK TPHCM (HSC) giảm phí giao dịch xuống còn 0,2% cho các NĐT tại khu vực Hà Nội, đồng thời cung cấp dịch vụ “repo” CP.

 

Vừa mở cửa hoạt động vào tháng 11-2007, CTCK Đông Dương (DDS) có các chương trình thu hút khách hàng như: cho NĐT vay vốn kinh doanh CK, với hạn mức tối đa lên đến 16 tỷ đồng/bộ hồ sơ. Để có vốn giúp NĐT trong kinh doanh CK, DDS đã ra sức đàm phán xin hạn mức vốn từ ngân hàng Argibank, BIDV.

 

Một số CTCK mới ra đời như Tân Việt, Âu Việt, Gia Quyền chăm chút khách hàng nhiều hơn thông qua các chương trình huấn luyện, phân tích và bồi dưỡng kỹ năng cơ bản về đầu tư CK cho NĐT. Thậm chí để tạo điều kiện cho NĐT trong mua bán CK, một số CTCK đã chia sẻ cơ hội đầu tư cho khách hàng.

 

CTCK Âu Việt (AVSC) cho biết sẵn sàng chia sẻ những cơ hội đầu tư cho khách hàng khi họ đến với Âu Việt. VNDirect hoặc HSC thường có những buổi trao đổi, thảo luận và đánh giá về các loại CP của từng lĩnh vực, ngành nghề khác nhau sau giờ giao dịch… nhằm giúp NĐT lựa chọn tốt hơn về danh mục bỏ vốn.

 

Tự doanh để tự… cứu mình

 

Thế nhưng, trên thực tế các CTCK vẫn không thu hút được nhiều khách hàng, mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp để mời gọi. Đáng chú ý là những CTCK quy mô nhỏ, dịch vụ chất lượng còn yếu, đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Còn các CTCK quy mô lớn như ACBS, SSI, VCBS thì lượng tài khoản mở mới cũng đang giảm dần.

 

Tổng giám đốc CTCK Hoàng Gia (Rose) ông Hồ Công Hưởng cho biết: Sau một thời gian đi vào hoạt động (tháng 6-2007), đến nay Rose cũng chỉ quản được một lượng tài khoản rất khiêm tốn. Nếu diễn biến tình hình kéo dài như hiện nay sẽ rất khó cho các CTCK quy mô nhỏ ra đời sau thu hút khách hàng.

 

Thực tế gần đây sự xuất hiện ngày càng nhiều CTCK đang tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút khách hàng. Để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh TTCK trồi sụt, các công ty chủ yếu “sống” bằng mảng tự doanh. Đơn cử như CTCK AVSC, dự kiến sẽ đạt 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2007 trên tổng vốn 300 tỷ đồng.

 

Nhiều CTCK khác cũng chủ yếu có nguồn thu chính từ tư vấn và tự doanh. Theo quy định của Luật CK để có thể kinh doanh đủ 5 lĩnh vực, các CTCK phải có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, riêng mảng tự doanh là 20 tỷ đồng (trước đây là 12 tỷ đồng), tư vấn 10 tỷ đồng…

 

Một nền kinh tế phát triển sẽ có sự sáp nhập và mua lại, diễn ra rất quyết liệt, sôi động và các CTCK cũng không tránh khỏi xu thế đó tương lai gần.