Một cú sốc cần thiết!

Một cú sốc cần thiết!

(ĐTCK-online) Xu hướng đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là của các tổng công ty, DNNN đã được cảnh báo từ lâu nhưng dường như bị phớt lờ. Tình trạng này phát triển đến mức khá nghiêm trọng, thậm chí Chính phủ đã phải thể hiện quan điểm bằng một quyết định hành chính, khống chế tỷ lệ đầu tư không quá 30% vốn của tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước vào các ngành nghề kinh doanh không cơ bản.

Lật giở lại báo ĐTCK, người viết bài này đã phỏng vấn TS. Võ Thành Tự Anh, Phó giám đốc Nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Ông Anh đã cảnh báo "Cơ hội lớn nhanh song hành với nguy cơ thất bại nhanh của các doanh nghiệp Việt Nam ". Trong số những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam có khá nhiều đơn vị hiện đang lơi là hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình khi chuyển sang kinh doanh địa ốc hay đầu tư tài chính. So với ngành nghề kinh doanh cốt lõi thì đầu tư vào bất động sản có tốc độ tăng trưởng và suất sinh lợi cao hơn rất nhiều, đặc biệt khi thị trường địa ốc nóng như hồi đầu năm. Vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, người ta rộng tay chuyển vốn sang kinh doanh những lĩnh vực có lợi nhuận cao và tất nhiên là rủi ro cũng cao. Hiện giờ có thể rủi ro này chưa được cảm nhận một cách rõ rệt, nhưng nếu có một cú sốc từ bên trong hay bên ngoài (như cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 97 - 98 chẳng hạn), thì những rủi ro này sẽ bộc lộ ra ngay. Còn hiện nay, mọi thứ đang ổn, chúng ta chưa nhìn thấy hay chưa chịu chấp nhận sự hiện diện của những rủi ro tiềm ẩn đó!

Một yếu tố rủi ro, hiện chưa thấy rõ ràng nhưng phải tính đến là ảnh hưởng từ những biến động của thị trường thế giới sẽ ngày càng sâu sắc đến Việt Nam . Và những ảnh hưởng của một thị trường sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến các thị trường khác. Chẳng hạn, khủng hoảng thị trường cho vay cầm cố thế chấp của Mỹ có thể khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn ở thị trường này và một số thị trường khác. Các nhà đầu tư đã rút khoảng 2 tỷ USD ra khỏi thị trường tài chính châu Á. Chưa có con số thống kê chính thức số tiền rút khỏi Việt Nam là bao nhiêu, nhưng trước sau làn sóng khủng hoảng bên ngoài cũng tác động tới Việt Nam. Mức độ ảnh hưởng sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều khi bài toán ổn định kinh tế vĩ mô ở nước ta đã trở nên phức tạp hơn trước vì TTCK, bất động sản, ngân hàng, thị trường tài chính đã trở nên ngày một gắn kết và liên thông với nhau. Trước tiên, nó tác động ngay tới TTCK, ảnh hưởng đến thị trường cho vay cầm cố bất động sản, đầu tư chứng khoán và cầm cố chứng khoán, tiếp sau đó là ngân hàng, thị trường bất động sản… Thời gian qua, đầu tư trực tiếp và gián tiếp đổ vào Việt Nam nhiều đã buộc NHNN tung một lượng tiền đồng rất lớn ra để mua USD vào nhằm duy trì tỷ giá. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới lạm phát. Động thái kiềm chế lạm phát của Nhà nước cũng đã ảnh hưởng đến TTCK. Đó là yếu tố rủi ro phải tính đến trong tương lai.

Thời điểm tháng 9/2007, các doanh nghiệp vẫn còn say sưa với các hợp đồng đầu tư tài chính chéo dưới danh nghĩa đầu tư chiến lược và thành lập các công ty con hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng… Khi đó, những người trong cuộc rất lạc quan về thị trường, vì cuộc khủng hoảng thị trường cho vay cầm cố thế chấp của Mỹ còn xa vời, dường như chưa có dấu hiệu gì liên quan đến Việt Nam.

Chỉ cho đến khi nhìn thấy một trào lưu suy thoái kinh tế ập đến, người ta mới nhận thấy những nguy cơ được cảnh báo đang phát tác ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thật ra, ông Anh không phải là người đầu tiên cảnh báo về nguy cơ này, nhưng dường như tại thời điểm đó, ông  đã đủ thông tin để dự đoán được tình hình kinh tế hiện nay. Phóng viên ĐTCK trong nhiều năm tác nghiệp đã dự nhiều hội thảo lớn tại Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương, cơ quan trực tiếp soạn thảo Luật Doanh nghiệp nhà nước và các nghị định liên quan và cũng đã nhiều lần nghe những lời cảnh báo về nguy cơ đầu tư không hiệu quả của các DNNN trong các lĩnh vực trái tay, việc hình thành nhiều tập đoàn kinh tế một cách khiên cưỡng với hoạt động đa ngành nghề thiếu kiểm soát.

Tất cả nguy cơ rủi ro đến nay mới bộc lộ rõ ràng khi khủng hoảng từ bên ngoài ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam . Suy thoái của nền kinh tế Mỹ và việc hình thành mặt bằng giá mới trên toàn thế giới đã làm ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam . TTCK suy thoái, bất động sản nguội lạnh và hoạt động của các ngân hàng khó khăn, lạm phát tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Những diễn biến đó làm cho nhà đầu tư chứng khoán cảm thấy buồn bã, bi quan về sự phát triển của thị trường.

Nhưng nếu nhìn trên quan điểm tích cực, nhà đầu tư có thể thấy rằng, một cú sốc từ bên ngoài đang buộc các doanh nghiệp nhận ra những nhược điểm của mình và quan trọng hơn là Chính phủ đã có những biện pháp lấp lại những tổ mối trong nội bộ DNNN.

Nếu cú sốc này đến muộn hơn, sau vài ba năm nữa thì e rằng hậu quả của phong trào đầu tư bất động sản, tài chính, ngân hàng, xa rời ngành nghề kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp trọng yếu còn nặng nề hơn nhiều. Giá cổ phiếu của doanh nghiệp dưới mác điện lực, viễn thông, đóng tàu, dầu khí không chỉ giảm 30 - 50% như hiện nay mà còn có thể là cổ phiếu không có giá trị. Không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện các vụ Enron ở Việt Nam bởi cho đến nay tình hình tài chính, hiệu quả đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn vẫn là một ẩn số với công chúng. Có lẽ một cú sốc đến vào thời điểm này là cần thiết cho các doanh nghiệp lớn.

Còn với các nhà đầu tư, tuy mất tiền nhưng vẫn còn may mắn bởi không chỉ DNNN đang buộc phải chấn chỉnh, mà các công ty đại chúng đều đang tìm cách để đi cho đúng đường khi điều chỉnh chiến lược phát triển tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Cơ hội sửa sai vẫn còn. Tất cả vẫn chưa muộn.

 

 

Ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp

Đã có lỗ hổng trong việc kiểm soát dòng tiền của các DNNN. Tôi biết ở Singapore , khi doanh nghiệp vay tiền ngân hàng để mua một cái máy thôi phải làm hồ sơ, báo giá đến các ngân hàng xem xét. Doanh nghiệp chỉ có quyền sử dụng đồng tiền, còn ngân hàng có quyền sở hữu. Còn các doanh nghiệp lớn ở ta sử dụng tiền Nhà nước cấp, Nhà nước cho vay hoặc Nhà nước bảo lãnh vay để đổ xô đầu tư vào bất động sản, chứng khoán chạy theo lợi nhuận. Trong lúc thiếu điện thì Tập đoàn Điện lực lại đầu tư bất động sản; đóng tàu muốn nhảy vào kinh doanh hàng không.

Với tình hình hiện nay, tôi cho rằng việc khống chế 30% vốn đầu tư ngoài ngành nghề cơ bản chỉ là bước đầu. Bước tiếp theo phải xây dựng các tiêu chí khung pháp lý để giám sát hiệu quả của DNNN. Phó thủ tướng Trung Quốc phụ trách công nghiệp cho chúng tôi biết, họ đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng với tập đoàn nhà nước và yêu cầu lãnh đạo tập đoàn phải báo cáo bao nhiêu phần trăm là từ tăng năng suất, cải tiến kỹ thuật, đầu tư… Ở ta cũng phải có giám sát chặt chẽ và báo cáo hàng năm của các tập đoàn lớn phải được kiểm toán minh bạch công khai. Như thế mới có thể đánh giá được hiệu quả đầu tư của các tập đoàn.

 

Ông Vũ Thành Tự Anh, Phó giám đốc Nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Cho đến thời điểm này, việc khống chế tỷ lệ nhất định cho hoạt động đầu tư ra bên ngoài của DNNN là rất cần thiết nhưng tôi vẫn chưa rõ là 30% tính trên vốn hay tổng tài sản của DNNN. Chính sách này cần được quy định cụ thể hoá. Với những doanh nghiệp đã lỡ đầu tư vào bất động sản thì giải quyết như thế nào? Nếu không giải quyết thì đi ngược lại với chỉ thị từ trước đến nay, bởi để thay đổi một phân số thay vì giảm tử số, người ta có thể tăng mẫu số. Như  vậy, vẫn có cách để không vi phạm về tỷ lệ nhưng đầu tư ra ngoài ngành nghề cơ bản vẫn tăng.

Chúng tôi từ lâu đã đề nghị thành lập một hội đồng đầu tư độc lập để đánh giá dự án của DNNN, song dường như khó thực hiện vì khó có thể có một hội đồng độc lập khi các tập đoàn rất mạnh về thế và lực. Nhưng cần thiết phải có cơ chế để đánh giá hiệu quả dự án của các DNNN.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp

Đưa ra hạn mức đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính 30% là cần thiết và tốt hơn so với trước đây thả nổi hoạt động mở rộng đầu tư của DNNN. Các DNNN xa rời ngành nghề đầu tư cơ bản là nguy cơ lớn với nền kinh tế. Với những ngành như ngành điện có ảnh hưởng đến nhiều ngành khác thì cần yêu cầu tập trung vốn cao hơn đến 90% cho đầu tư vào ngành điện. Ngay cả khi trong khuôn khổ 70/30 thì vẫn cần có sự kiểm soát hiệu quả của từng dự án chứ cũng không nên thả nổi. Ví dụ, ngành đóng tàu có nên mở quá nhiều xưởng đóng tàu ở các địa phương không khi các dự án của ngành này đòi hỏi về quy mô lớn mới có hiệu quả kinh tế. Khi đầu tư ra bên ngoài, các tổng công ty lớn cũng không nên đầu tư vào những ngành mà khối dân doanh đã làm tốt. Tỷ lệ 30% vốn của một công ty thì nhỏ nhưng 30% vốn các tổng công ty nhà nước thì rất lớn, vì các đơn vị này nắm giữ một nguồn vốn lớn của quốc gia. Nếu ngành nghề nào Nhà nước cũng đầu tư thì lãng phí nguồn lực mà ảnh hưởng đến khu vực kinh tế khác. Ngay trong lĩnh vực bất động sản, cần rà soát, chỗ nào DNNN lỡ đầu tư rồi thì tính lại giá thuê đất theo giá thị trường. Cần tổng rà soát đất của DNNN để xem khu đất nào sử dụng không phục vụ cho ngành nghề cốt lõi thì thu hồi để đấu giá, thu tiền về ngân sách để đầu tư lại cho các ngành sản xuất cơ bản. Không để đất dư thừa rồi DNNN đầu tư  trái ngành để khai thác thu lợi.