Chuyện các CTCK “vượt rào” cung cấp dịch vụ T+2 vẫn diễn ra như cơm bữa - Ảnh: Hoài Nam

Chuyện các CTCK “vượt rào” cung cấp dịch vụ T+2 vẫn diễn ra như cơm bữa - Ảnh: Hoài Nam

NĐT đưa Chứng khoán Thiên Việt ra toà

(ĐTCK-online) Gần một năm theo đuổi giải quyết tranh chấp qua cơ quan công an và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) không xong, 3 NĐT có tranh chấp với CTCK Thiên Việt (TVS) vừa có đơn khởi kiện vụ việc ra Toà án nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội). Hai bên nói gì trước “cuộc chiến” pháp lý này?

>> Tín dụng chứng khoán: “khối u” bắt đầu bung vỡ


Nhà đầu tư muốn Toà tuyên vô hiệu giao dịch T+2

Theo đơn khởi kiện của 3 NĐT mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại TVS là Trần Thị Thiện (TP Cần Thơ), Lê Thị Bích Thuỷ (Đồng Tháp) và Nguyễn Thị Kim Loan (Vĩnh Long) thì từ thời điểm mở tài khoản đến trước ngày 29/9/2010, mọi giao dịch trên tài khoản của NĐT diễn ra bình thường. Nhưng đến ngày 29/9/2010, ông T, một môi giới của TVS được 3 NĐT uỷ quyền thực hiện các giao dịch chứng khoán (trong đó có dịch vụ chậm nộp tiền T+2) đã tự ý đặt lệnh mua 57.600 cổ phiếu CCM của CTCP Khoáng sản và xi măng Cần Thơ trên tài khoản của bà Thiện, mà không hề cho bà biết, đồng thời, sử dụng dịch vụ chậm nộp tiền T+2 để vay 2,65 tỷ đồng từ TVS. Sau vụ việc này, TVS đã gửi văn bản đề nghị bà phải có nghĩa vụ thanh toán cho TVS số tiền mà ông T đã tự ý vay, đồng thời phong toả tài sản cùng việc sử dụng dịch vụ trên tài khoản của bà.

Tương tự, theo đơn khởi kiện của bà Thuỷ, ngày 29/9/2010, ông T cũng tự ý đặt lệnh mua 97.500 cổ phiếu CCM trên tài khoản của bà mà không hề cho bà biết, đồng thời sử dụng dịch vụ chậm nộp tiền T+2 để vay 4,8 tỷ đồng từ TVS. Còn theo đơn khởi kiện của bà Loan, ông T cũng tự ý đặt lệnh mua 67.700 cổ phiếu CCM trên tài khoản của bà ngày 29/9/2010 mà không thông báo cho bà, đồng thời sử dụng dịch vụ chậm nộp tiền T+2 để vay 3,358 tỷ đồng từ TVS...

Với chứng lý như vậy, 3 NĐT cho rằng việc TVS cho ông T tự ý vay tiền để đầu tư chứng khoán là vi phạm pháp luật, nên đề nghị Toà án tuyến bố việc uỷ quyền thực hiện dịch vụ T+2 giữa 3 NĐT với ông T, cùng với giao dịch vay tiền mua chứng khoán bằng việc sử dụng dịch vụ chậm nộp tiền T+2 giữa ông T với TVS là vô hiệu. 3 NĐT trên cũng cho rằng, họ không phải chịu trách nhiệm trước nghĩa vụ trả số tiền mà ông T vay của TVS. Các NĐT còn đề nghị Toà án yêu cầu TVS giải phóng hoạt động tài khoản cho họ, khôi phục hiện trạng như trước khi ông T tự ý tiến hành các giao dịch ngày 29/9/2010, để NĐT có thể tiến hành giao dịch bình thường…

 

Chứng khoán Thiên Việt: Chờ phán quyết của Toà

Làm việc với Báo ĐTCK ngày 11/5, ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc TVS, cho biết, cuối năm 2010, sau khi nhận được đơn khiếu nại của 3 NĐT, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP. Hà Nội đã tiến hành điều tra và ngày 28/1/2011 có biên bản kết luận: “Qua quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan cảnh sát điều tra chưa phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Vụ việc mang tính chất dân sự. Nếu hai bên không thương lượng giải quyết được với nhau, đề nghị làm đơn gửi toà án dân sự giải quyết theo quy định của pháp luật…”. Tiếp đó, Giám đốc TVS cũng khẳng định, ngày 28/2/2011, Công ty đã có giải trình vụ việc chi tiết với Thanh tra UBCK.

Về việc NĐT yêu cầu toà án tuyên việc uỷ quyền thực hiện dịch vụ T+2 giữa 3 NĐT với ông T, cùng với giao dịch vay tiền mua chứng khoán bằng việc sử dụng dịch vụ chậm nộp tiền T+2 giữa ông T với TVS là vô hiệu, Giám đốc TVS cho biết, TVS đã đề nghị NĐT trực tiếp đến Công ty giải quyết vụ việc, tuy nhiên, cho đến nay, NĐT vẫn chưa đến gặp TVS để thương lượng. Nếu NĐT vẫn không đồng ý phương án thương lượng mà nhất quyết muốn giải quyết tranh chấp tại toà án, thì TVS không có sự lựa chọn nào khác và khi đó, phán quyết của toà án sẽ là quyết định cuối cùng mà hai bên phải chấp hành.

Trước bức xúc của 3 NĐT về việc TVS tự ý cắt giao dịch trực tuyến từ đầu năm 2011 đến nay, ông Giang giải thích: “Điều này có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Để giải quyết tình trạng này, NĐT yêu cầu TVS hướng dẫn cách khôi phục lại dịch vụ giao dịch trực tuyến qua điện thoại hoặc gửi văn bản. Tuy nhiên, không thể làm như vậy, bởi không đảm bảo nguyên tắc bảo mật tài khoản khách hàng. TVS nhiều lần đề nghị NĐT đến trực tiếp Công ty để giải quyết, nhưng NĐT không đến, nên chúng tôi chưa thể khôi phục lại dịch vụ giao dịch trực tuyến…”.

Gần 1 năm trước, chuyện các CTCK “vượt rào” cung cấp dịch vụ T+2 diễn ra như cơm bữa và gần như mặc nhiên tồn tại, nhất là đối với khách VIP. Có lẽ vì thực trạng này mà khi xảy ra tranh chấp, cơ quan quản lý không khỏi lúng túng khi đưa ra phán xử ai đúng, ai sai? Tình trạng này khiến cả NĐT lẫn CTCK phải đối mặt với nhiều rủi ro, điều mà ở một TTCK phát triển công bằng, minh bạch cần được giảm thiểu.