Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. (ảnh: Báo Giao thông)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. (ảnh: Báo Giao thông)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần tính cơ chế để doanh nghiệp phản ánh ý kiến nhưng không lộ danh tính

(ĐTCK) "Tính cơ chế để doanh nghiệp nói thật" Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các bộ, ngành, địa phương như vậy tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đang diễn ra.

Việt Nam cải cách, nhưng các nước cải cách mạnh hơn

Nội dung trên được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ khi trình bày dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Phó Thủ tướng cho biết, thay vì thường ban hành vào tháng 3-4 hàng năm, năm nay Nghị quyết 19 sẽ được ban hành ngay từ đầu năm.

“Đây là lần đầu tiên các nội dung của dự thảo Nghị quyết số 19 được đưa vào bàn trong hội nghị Chính phủ với các địa phương để các bộ, ngành, địa phương cùng nhau hiểu và cùng vào cuộc để tạo sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần tính cơ chế để doanh nghiệp phản ánh ý kiến nhưng không lộ danh tính ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 

Cũng theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết 19 xây dựng hoàn toàn theo chuẩn mực quốc tế, đặt ra cách nhìn phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp… Đây không chỉ là hình ảnh, vị thế quốc gia mà còn là thế mạnh trong thu hút đầu tư, cạnh tranh của nền kinh tế, trong đàm phán các cam kết thương mại quốc tế. Tín nhiệm quốc tế cao, thì chi phí vốn của cả quốc gia và doanh nghiệp đều giảm.

“Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 19 đã đạt được kết quả tích cực. Hầu hết chỉ số về cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam đều cải thiện, nhưng các nước tiến nhanh hơn về cải cách. Chúng ta về cơ bản mới cải cách trên văn bản, giữa văn bản và thực thi còn khoảng cách. Nhiều bộ, địa phương chưa vào cuộc quyết liệt...”, ông Đam thẳng thắn.

Doanh nghiệp chờ “món quà” lớn hơn

Nêu ví dụ về tác động tích cực của việc triển khai các giải pháp cải cách môi trương kinh doanh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau 2 năm tranh luận, tháng 10/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành thông tư bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.

Doanh nghiệp nói việc làm này là món quà lớn nhất Chính phủ, Bộ Công thương tặng doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 trong năm 2016.

Họ phản ánh thì cấp trên hiểu, nhưng chính quyền cấp dưới còn định kiến. Do đó, tới đây cần tính cơ chế để doanh nghiệp phản ánh ý kiến nhưng không lộ danh tính, thì mới tạo chuyển biến mạnh về cải cách môi trường kinh doanh...

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

“Bước cải cách trên tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp…”, ông Đam nói, đồng thời cho biết thêm, Thông tư 07/2012/TT-BCT của Bộ Công thương quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng, cũng đang bộc lộ bất cập, khiến doanh nghiệp tốn kém chi phí, thời gian.

Ngay cả những sản phẩm nhập khẩu từ các nước tiên tiến về cũng phải dán nhãn thì không ổn. Doanh nghiệp nói nếu Bộ Công thương sớm tháo gỡ bất cập này, thì sẽ mang lại “món quà” cho doanh nghiệp lớn hơn cả bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT.

Tính cơ chế để doanh nghiệp nói thật

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các bộ, ngành, địa phương như vậy. Ông nêu lên một thực tế: có một câu chuyện thật là doanh nghiệp còn nhiều bức xúc về môi trường kinh doanh, nhưng họ không dám phản ánh do sợ bị lộ danh tính.

“Họ phản ánh thì cấp trên hiểu, nhưng chính quyền cấp dưới còn định kiến. Do đó, tới đây cần tính cơ chế để doanh nghiệp phản ánh ý kiến nhưng không lộ danh tính, thì mới tạo chuyển biến mạnh về cải cách môi trường kinh doanh…”, ông Đam nói.

Trong số hơn 250 chỉ tiêu cụ thể tại dự thảo Nghị quyết 19/2017, thì có nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Phải tiếp tục nỗ lực để rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, giải quyết tranh chấp, phá sản doanh nghiệp…

Để đạt kết quả tốt về cải thiện môi trường kinh doanh, điều quan trọng là tổ chức thực hiện. Đầu tiên là các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc, chứ ban hành văn bản rồi, nhưng không vào cuộc thực hiện, thì rất khó có kết quả tốt...

“Phải phát động tinh thần thi đua sáng tạo trong toàn dân, trách nhiệm phải rõ ràng và phải tăng cường kỷ cương. Tới đây sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2017, nếu chúng ta triển khai đạt hiệu quả cao, thì một vài năm tới, Việt Nam không chỉ sẽ đạt thứ hạng cao về cải thiện môi trường kinh doanh, mà kinh tế sẽ phát triển tốt hơn, thị trường sẽ hấp dẫn hơn trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài…”, Phó Thủ tướng nói.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vai trò của người đứng đầu ở các bộ, ngành, địa phương rất quan trọng. Cùng với đó phải tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra, công khai…

“Năm tới không thể để tình trạng triển khai Nghị quyết 19 ì ạch được. Chúng ta cứ chậm trễ, trong khi các nước đổi mới mạnh mẽ hơn ta rất nhiều. Hồi trước Indonexia cũng ì ạch, nhưng gần đây họ cải cách và đạt kết quả tốt rồi…”, Thủ tướng nói.

Tin bài liên quan