Nhiều DN có tiềm lực và công nghệ đã đầu tư vào Việt Nam

Nhiều DN có tiềm lực và công nghệ đã đầu tư vào Việt Nam

Tạo làn sóng đầu tư mới

(ĐTCK-online) Chủ trương tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước một lần nữa được thể hiện trong Chỉ thị số 15/2007/CT-TTg, ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia, lý do dẫn tới việc Thủ tướng ban hành chỉ thị này là trong thời gian gần đây, mặc dù đã có những bước tiến mới quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nhưng vẫn còn không ít trở ngại đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhất là sự thiếu hụt  về điện ngày càng lớn, sự bất ổn của giá cả thị trường, sự chậm trễ trong tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sự không đồng bộ và thiếu minh bạch trong không ít quyết định của nhiều địa phương liên quan tới hoạt động kinh doanh. Những yếu tố bất lợi này đã làm cho kết quả thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù đã tăng nhanh trong thời gian gần đây, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và với yêu cầu huy động vốn nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Số liệu thống kê cho thấy, lần đầu tiên, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm 2007 lên tới 5,264 tỷ USD, mức cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay. Trong số này, có khoảng 4,32 tỷ USD là vốn đăng ký của các dự án đầu tư mới, phần còn lại là vốn tăng thêm của các dự án đang hoạt động. Với tốc độ tăng trưởng khá ngoạn mục như hiện nay, cùng với thông tin từ các địa phương về khoảng 40 dự án với trên 35 tỷ USD của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đang xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, nhiều khả năng thu hút FDI năm 2007 sẽ vượt qua con số 12 tỷ USD trong kế hoạch.

Nhiều động thái ngày càng khẳng định rõ ràng rằng, Việt Nam đang ở trong thời điểm vô cùng thuận lợi. Tận dụng tối đa cơ hội này sẽ không chỉ giúp Việt Nam tiếp tục ghi điểm vào thành tích thu hút FDI trong năm nay, mà quan trọng hơn, sẽ là điều kiện “gối đầu” thiết yếu cho năm 2008 và những năm tiếp sau.

Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), chúng ta cần nhận rõ những điểm còn yếu kém về cơ sở hạ tầng, về những thay đổi trong quá trình hoàn thiện thể chế, về những bất lợi đang nổi lên từ phía nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật... “Chính nghiên cứu của Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam về chi phí lương, về sự quá tải của cảng biển khu vực miền Nam..., cũng như vốn đầu tư thực hiện vẫn thấp hơn nhiều so với vốn đăng ký, đã cho chúng ta thấy rất rõ Việt Nam đang ở đâu trong sự đánh giá của các nhà đầu tư”, ông Thành nói. Ông Thành cũng cho rằng, những giải pháp về thể chế, cải cách hành chính, bao gồm cả quy trình và thực thi... mà Chỉ thị 15/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề cập, là những chìa khoá quan trọng “giải mã” những vướng mắc còn lại trong hoạt động thu hút FDI của Việt Nam. Điều quan trọng là chính những giải pháp này đã chỉ ra bức tranh thật, với cả những mảng màu còn tối cho các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và cả giới đầu tư.

“Các nhà đầu tư nước ngoài đang than phiền không ít về minh bạch trong mở cửa thị trường dịch vụ, họ cũng đề nghị sự minh bạch trong quy hoạch, trong quy trình cấp phép và tiêu chuẩn, các nguyên tắc thừa nhận tiêu chuẩn lẫn nhau..., trong khi chúng ta lại chưa hoàn toàn sẵn sàng”, ông Thành nói.

Có lẽ, tư duy phát triển kinh tế vẫn cần phải tiếp tục thay đổi. Theo ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, thì cho đến nay, không ít quy hoạch đã được xét duyệt vẫn đề ra mục tiêu tự sản xuất và cung ứng cho nhu cầu sản xuất trong nước, mà chưa thực sự xét đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm đó so với các đối thủ cạnh tranh khác. Nếu như vậy, Việt Nam vẫn chưa thể tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của khu vực, và vì thế, sẽ hạn chế tính năng động và ít phát huy được tiềm năng liên kết trong khu vực. Điều này cũng sẽ ảnh hướng không nhỏ tới khả năng thu hút nguồn vốn FDI đang có xu hướng chuyển dịch từ các nước trong khu vực tới Việt Nam .