Các NĐT nước ngoài giảm mua vào, một yếu tố quan trọng khiến thị trường sụt giảm

Các NĐT nước ngoài giảm mua vào, một yếu tố quan trọng khiến thị trường sụt giảm

Thị trường kém khởi sắc

Việc khối lượng giao dịch giảm mạnh khiến các chuyên gia cảm thấy e ngại cho tình hình không sáng sủa của thị trường.

Khối lượng giao dịch ngày càng giảm

Mặc dù VN-Index sau phiên giao dịch ngày 12/12 đã tăng 5,28 điểm, đạt 946,32 điểm, nhưng so với cuối tuần trước, VN-Index vẫn giảm mất 28,31 điểm.

Trong 3 phiên giao dịch đầu tuần này, tổng khối lượng giao dịch tại sàn TP. HCM chỉ xoay quanh mức 8 triệu chứng khoán (CK), trị giá 800 tỷ đồng/phiên. Trước đó, vào cuối tháng 11, con số này bình quân là hơn 10 triệu CK, trị giá trên 1.000 tỷ đồng. đồng/phiên. Điều này cho thấy sức cầu đã giảm mạnh trong khi thị trường có thêm nhiều mã CK mới được niêm yết. Tình hình này khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) lo lắng. NĐT Bùi Việt tại sàn ACBS cho biết, nếu lượng giao dịch cứ yếu dần đi thì xu hướng giảm giá của thị trường còn chưa dừng lại. Chỉ khi nào lượng giao dịch mạnh lên đạt giá trị trên 1.200 tỷ đồng/phiên như trong tháng 9 thì mới hy vọng thị trường tăng trưởng. Một trong những yếu tố góp phần làm giảm sức cầu của thị trường là lượng giao dịch của NĐT nước ngoài cũng giảm mạnh.

Trong những phiên đầu tuần này, sức mua của NĐT nước ngoài chỉ ở mức 90 - 100 tỷ đồng/phiên, giảm gần một nửa so với nhiều phiên trước đó. Hàng loạt cổ phiếu (CP) blue-chip như FPT, SJS, KDC, REE, SAM... liên tục giảm giá. Điều này cũng diễn ra tương tự tại sàn Hà Nội khi lượng giao dịch những ngày qua cũng chỉ xoay quanh mức 300 - 350 tỷ đồng. Những thông tin tốt từ kết quả kinh doanh 11 tháng năm 2007 của các công ty niêm yết cũng không thể hỗ trợ giá CP tăng lên.

Theo nhóm phân tích của CTCK Sài Gòn (SSI), động lực lớn nhất tác động đến thị trường trong thời gian ngắn này chính là việc IPO của Vietcombank với kỳ vọng có thể tạo “mặt bằng giá mới” cho nhóm CP ngân hàng - tài chính, thu hút thêm sự quan tâm của các tổ chức tài chính nước ngoài. Trong khi đó, theo ông Hồ Công Hưởng - Tổng giám đốc CTCK Hoàng Gia, tâm lý NĐT đã bị tác động mạnh bởi các chính sách như Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN, thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chứng khoán được đưa ra trước đó. Do đó, thị trường sẽ khó khả quan trong thời gian tới.

 

“Ép” giá trên sàn để mua Vietcombank?

Nguyên nhân khiến giao dịch trên thị trường giảm mạnh được nhiều chuyên gia nhắc đến chính là sự kiện IPO Vietcombank sẽ thu hút ít nhất 10.000 tỷ đồng (tính theo giá khởi điểm). NĐT phải chuẩn bị tiền, kể cả phải bán bớt những CK đang nắm giữ. Ngoài ra, nhiều cuộc đấu giá khác và phát hành thêm CP hàng loạt của những công ty niêm yết như Ngân hàng ACB, CTCK Bảo Việt... cũng rút bớt lượng vốn của NĐT trên thị trường thêm cả ngàn tỷ đồng.

NĐT giảm mua vào, tăng bán ra tất yếu sẽ dẫn đến nguồn cung CP dồi dào hơn và thị trường sẽ khó dung nạp hết. Trong khi đó, theo NĐT Bùi Việt, dường như các NĐT lớn đang muốn giá hàng loạt CP trên sàn giảm xuống để làm “chùn tay” các NĐT nhỏ lẻ. “Thị trường không khởi sắc thì nhiều NĐT sẽ không tích cực tham gia đấu giá Vietcombank. Khi đó, những NĐT lớn sẽ mua được CP Vietcombank với giá thấp”, NĐT Bùi Việt nói.

Chuyên gia Lê Đạt Chí (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng, các NĐT lớn một phần đang chuẩn bị nguồn tiền để đóng tiền cọc tham gia đấu giá Vietcombank cũng như để dành đóng tiền nếu trúng đấu giá. Ngoài ra, những NĐT này đang bỏ lơ thị trường giao dịch. Vì vậy, thị trường sẽ còn tiếp tục lình xình như hiện nay cho đến khi IPO của Vietcombank kết thúc. Khi đó, những NĐT chưa mua được CP Vietcombank sẽ chuyển sang những CP khác, nhất là những CP trên sàn hiện nay đang có mức giá khá hấp dẫn.

Tổng giám đốc một CTCK tại TP.HCM cũng cho cũng cho rằng, trong ngắn hạn thị trường vẫn chưa thể khởi sắc. Những NĐT lớn hiện nay ngoài việc quan tâm đến IPO Vietcombank vẫn chần chừ để tham gia mạnh vào thị trường. Một số NĐT lớn còn rút vốn ra để đầu tư vào thị trường địa ốc hay mua vàng. Theo vị tổng giám đốc này, lúc này NĐT cá nhân nên thận trọng vì TTCK chưa có xu hướng rõ ràng.