Xu hướng của người tiêu dùng là sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để có được những sản phẩm an toàn.

Xu hướng của người tiêu dùng là sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để có được những sản phẩm an toàn.

Thủy sản tự làm khó mình

(ĐTCK-online) Bên cạnh giá sản phẩm xuất khẩu chưa hồi phục, thiếu nguyên liệu chế biến trầm trọng, các công ty thủy sản đang phải đối mặt với thực tế cạnh tranh không lành mạnh từ chính các đồng nghiệp trong nước, khi tình trạng hàng xuất khẩu Việt Nam vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm bị cảnh báo tăng mạnh trong quý I vừa qua.

EU, một trong những thị trường nhập khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, có rất nhiều quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước khi ký hợp đồng nhập hàng của DN Việt Nam, khách hàng EU tìm hiểu kỹ điều kiện của cơ sở chế biến, kinh doanh thủy hải sản, nắm bắt tường tận nguồn gốc của sản phẩm như được đánh bắt hay nuôi từ vùng nào, sử dụng những loại thuốc gì, thức ăn ra sao, cách thức chăm sóc, các vấn đề về môi trường trong quá trình nuôi… Tuy nhiên, theo hệ thống cảnh báo nhanh của EU (Rasff Portal), tháng 3/2010, có 3 lô hàng thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị cảnh báo. So với 2 tháng trước, số lô hàng bị cảnh báo có xu hướng gia tăng. Tính chung 3 tháng đầu năm 2010, có tới 6 lô hàng thuỷ sản Việt Nam nhập khẩu vào EU bị cảnh báo. 2 trong số 3 lô hàng bị cảnh báo trong tháng 3 có chứa dư lượng kháng sinh Neomycin vượt quá giới hạn cho phép. Đây là một loại kháng sinh được chiết xuất từ nấm, có tác dụng diệt khuẩn tại chỗ, được sử dụng hạn chế trong nuôi trồng và sản xuất thuỷ sản và mới xuất hiện trên hệ thống cảnh báo của EU.

Ở một thị trường chủ lực khác là Nhật Bản, 3 tháng đầu năm nay, số lô hàng thuỷ sản xuất khẩu sang Nhật Bản nhiễm kháng sinh và hóa chất cấm chiếm tới 1/3 tổng số lô hàng bị cảnh báo, cụ thể, có tới 19 lô hàng thuộc diện này. Theo Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các DN xuất khẩu thuỷ sản sang Nhật Bản cần phải lưu tâm hơn đến vấn đề này. Đoàn thanh tra của Cục Y dược và An toàn thực phẩm (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản) mới đây đã có đợt kiểm tra tại 1 cảng cá, 3 DN chế biến thủy sản có lô hàng bị cảnh báo dư lượng hóa chất kháng sinh cấm tại Nhật Bản và Phòng Kiểm nghiệm của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Kết quả, họ khuyến cáo, các DN cần tập trung vào hoạt động  tuyên truyền, phổ biến về các loại hóa chất, kháng sinh cấm cho người nuôi, ngư dân và đại lý cung cấp nguyên liệu, xây dựng quy trình chuẩn cho hoạt động lấy mẫu của DN để thực hiện chương trình tự kiểm soát và thủ tục thẩm tra hoạt động kiểm soát của cơ sở nuôi, đại lý cung cấp nguyên liệu cho DN.

Qua hoạt động kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm tại các DN, đoàn thanh tra đánh giá, nguyên nhân chính của việc nhiễm hóa chất kháng sinh cấm trong thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản là từ công đoạn trước chế biến (công đoạn nuôi trồng, bảo quản nguyên liệu sau đánh bắt/thu hoạch). Do đó, Việt Nam cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động nhập khẩu, phân phối, sử dụng thuốc thú y và xử lý nghiêm các trường hợp phát hiện hóa chất, kháng sinh cấm, đồng thời xác định nguyên nhân để từ đó có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa. Đoàn thanh tra còn đặc biệt lưu ý khắc phục việc bán thuốc thú y thủy sản không theo đơn thuốc của bác sỹ thú y và việc bày bán công khai hóa chất kháng sinh cấm sử dụng. Ngoài ra, họ cũng lưu ý về việc kiểm soát hoạt động của tàu vận chuyển thủy sản, đặc biệt là quản lý, sử dụng nước đá, giám sát việc sử dụng găng tay khi vận chuyển thủy sản, quản lý hóa chất tẩy rửa, khử trùng.

Tại hội thảo về thủy sản mới đây, bà Nguyễn Bích Vân, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - xuất nhập khẩu Thái Hưng Long cho rằng, nhiều DN xuất khẩu chỉ quan tâm đến giá cả và lợi nhuận trước mắt, mà chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm. Trong khi hiện nay, xu hướng của người tiêu dùng là sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để có được những sản phẩm an toàn.

Tổng kết của VASEP cho thấy, số DN nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã chuẩn bị tốt cho việc chứng nhận nguồn gốc sản phẩm như nhà xuất khẩu, nhà máy sản xuất, vùng nuôi, nguồn cung cấp con giống, loại thức ăn đã sử dụng, thời gian nuôi, ngày bắt và chế biến... bằng việc xin cấp giấy chứng nhận Global GAP của châu Âu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà đây lại là tấm giấy thông hành cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường tiềm năng nhưng rất khó tính này.

Tháng 4 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 350 triệu USD; tính cả 4 tháng đạt 1,2 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. EU tiếp tục là khối thị trường đứng đầu tiêu thụ thủy sản Việt Nam, tiếp theo là Nhật Bản, Mỹ. Mục tiêu trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,5 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2009 không phải là quá xa vời, nhưng có thể ngành thủy sản sẽ lại lỡ đích nếu những vấn đề "nói mãi" vẫn không được giải quyết rốt ráo.