Thủ tục khởi kiện và giải quyết tranh chấp của Toà án quá phức tạp, kéo dài khiến NĐT ngần ngại - Ảnh: Hoài Nam

Thủ tục khởi kiện và giải quyết tranh chấp của Toà án quá phức tạp, kéo dài khiến NĐT ngần ngại - Ảnh: Hoài Nam

Trắc trở đường tới Toà của các vụ tranh chấp

(ĐTCK-online) Chánh toà Kinh tế, Toà án Nhân dân TP. Hà Nội, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, năm 2010, cơ quan này chưa thụ lý và đưa ra xét xử vụ nào liên quan đến tranh chấp xảy ra trong lĩnh vực chứng khoán, còn trước đó cũng chỉ có rất ít vụ liên quan đến chứng khoán được đưa đến Tòa.

10 năm qua, trên TTCK Việt Nam ghi nhận khá nhiều vụ tranh chấp gay gắt, nhất là giữa các chủ thể hoạt động trên thị trường tự do khi mà quy định pháp lý về chứng khoán vẫn hoàn toàn bỏ ngỏ thị trường này. Tuy nhiên, việc Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cũng như Tòa án nhân dân các địa phương khác không mấy khi phải "động não" phán xét các vụ tranh chấp về chứng khoán cho thấy, con đường đến Tòa để xử lý tranh chấp trong lĩnh vực này là không đơn giản.

Trong số các vụ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" xảy ra giữa CTCK và NĐT, hẳn dân chơi "chứng" chưa quên các vụ: một NĐT "tố" CTCK APEC "xài chùa" tài khoản của mình xảy ra năm 2008; năm ngoái, các NĐT Nguyễn Bá Phong, Đồng Thị Phương Thanh, Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Thị Thu Hà tố cáo CTCK phố Wall chủ động cho bảng điện tử "nghỉ" giao dịch, khiến họ bị thiệt hại hàng tỷ đồng khi giao dịch cổ phiếu MB trên thị trường OTC… Các vụ việc trên sau một hồi rùm beng dư luận, đã rơi vào im lặng, mà chưa có một phán quyết rõ ràng từ cơ quan công quyền rằng bên nào đúng, bên nào sai. Đây có thể là một trong những lý do chính khiến một số vụ tranh chấp vẫn diễn ra dai dẳng.

Theo bà Đồng Thị Phương Thanh, thành viên của nhóm NĐT kiện CTCK phố Wall về giao dịch cổ phiếu MB, sau hơn 1 năm chuẩn bị hồ sơ, bà cùng nhóm NĐT khởi kiện vẫn chưa thể nộp hồ sơ lên Toà kinh tế, Toà án nhân dân TP Hà Nội, mặc dù có sự trợ giúp của luật sư. Sự chậm trễ này là do bên bị hại phải hoàn tất những thủ tục khởi kiện, giải quyết tranh chấp của Toà án quá rườm rà, tốn nhiều thời gian… Dẫu vậy, bà Thanh khẳng định sẽ theo đuổi vụ kiện tới cùng để làm rõ phải trái, dù nguyên đơn hiểu rằng điều này chưa có tiền lệ.

Thông thường, nỗ lực tìm công lý ở Toà của NĐT sẽ đi qua hai con đường.

Thứ nhất, sau khi NĐT có đơn khiếu nại gửi UBCK, cơ quan này sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra để làm rõ những sai phạm của CTCK mà NĐT cáo buộc. Nếu các sai phạm này không quá nghiêm trọng, UBCK sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp phát hiện dấu hiệu các bên có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhau hoặc cho đối tượng khác, UBCK sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để xem xét điều tra, xử lý.

Thứ hai, NĐT có thể chọn cách khởi kiện ra Toà kinh tế, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Nói là vậy, nhưng hiện cả hai con đường dẫn đến Toà đều không dễ dàng vì nhiều lý do, khiến nhiều đương sự gặp trắc trở khi nỗ lực tìm công lý tại Toà án.

Với tư cách là luật sư hoạt động trong lĩnh vực tài chính, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Ban pháp chế, Ngân hàng Bảo Việt lý giải, người bị hại, nhất là NĐT khó tìm đến Toà để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình không phải do khó khăn trong thu thập chứng cứ, vì rất nhiều vụ chứng cứ đã có đầy đủ. Lý do chủ yếu là bởi thủ tục khởi kiện và giải quyết tranh chấp của Toà án quá phức tạp, kéo dài. Tâm lý của người đi kiện thường muốn giải quyết nhanh tranh chấp, trong khi dù có thắng kiện ở Toà án cũng chưa chắc thu hồi được tiền hoặc phải chịu cảnh theo kiện nhiều năm, làm mất hết cơ hội đầu tư, nên khiến bị hại ngán ngại tìm đến Toà.

Ông Đức khuyến cáo, bị hại nếu muốn khởi kiện ra Toà thành công, điều cần đặc biệt lưu ý là phải xuất trình được các chứng cứ gốc về hành vi vi phạm cam kết của bị đơn như: bản gốc hợp đồng mua bán chứng khoán, đặt cọc, thoả thuận; bản gốc giấy biên nhận tiền hay chứng từ chuyển tiền qua ngân hàng... Sau khi có được chứng cứ, NĐT thực hiện các bước khởi kiện theo trình tự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. Theo đó, người khởi kiện phải làm đơn khởi kiện và gửi đến Toà án có thẩm quyền giải quyết (ví dụ là Toà kinh tế nơi cư trú của bị đơn đối với tranh chấp mua bán cổ phiếu, trái phiếu). Kèm theo đơn là tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, đồng thời nộp tiền tạm ứng án phí theo thông báo của Toà án (khi đó Toà đã chấp nhận thụ lý vụ kiện).