Ủy quyền đương nhiên cho HĐQT độc lập: 4 câu hỏi ngỏ

(ĐTCK-online) Thành viên độc lập của Hội đồng quản trị (HĐQT) đương nhiên là người đại diện theo ủy quyền của tất cả cổ đông không tham dự họp ĐHCĐ, nếu điều lệ công ty không quy định khác hoặc cổ đông có liên quan không có ý kiến khác bằng văn bản.

Nội dung này nằm trong Dự thảo Nghị định 139 (sửa đổi) hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, đang được lấy ý kiến rộng rãi lần thứ 4. Nếu quy định này được thông qua thì tình trạng DN buộc phải huỷ bỏ ĐHCĐ lần 1 khi  không đạt tỷ lệ 65% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự sẽ được gỡ bỏ. Tuy nhiên, một số quan điểm không đồng tình, tập trung ở 4 câu hỏi ngỏ.

 

Ủy quyền đương nhiên là thế nào?

Theo ông Trần Phương Bắc, Luật sư Công ty hợp danh Luật Việt, hiện Bộ luật Dân sự Việt Nam không có chế định "đương nhiên ủy quyền", mà sự ủy quyền phải là sự thỏa thuận của người ủy quyền và người được ủy quyền.

"Vậy, nên hiểu ủy quyền đương nhiên ở đây là thế nào? Nếu có cổ đông phản đối các quyết định của công ty bằng cách thức không tham dự ĐHCĐ, thì về mặt ý chí, họ không muốn ủy quyền cho người khác. Vì lẽ gì mà thành viên độc lập của HĐQT lại đương nhiên là người đại diện ủy quyền của họ", ông Bắc đặt câu hỏi. Đó là chưa kể, theo quy định của Bộ luật Dân sự, bên ủy quyền phải chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền. Do vậy, nếu trong "đương nhiên ủy quyền", thành viên HĐQT độc lập cam kết một vấn đề gì đó gây thiệt hại cho bên thứ ba hoặc cho công ty thì cổ đông không dự họp có chịu trách nhiệm không?

 

Độc lập đến đâu?

Ngoài ra, căn cứ vào các quy định hiện hành thì thành viên HĐQT độc lập tuy được định nghĩa và quy định, nhưng vẫn chưa độc lập thực sự, đặc biệt là trong vấn đề lợi ích cá nhân (như lương, thưởng) và lợi ích chung của công ty. Cụ thể, luật chỉ quy định một cách chung chung, chẳng hạn như Điều 2 d của Quy chế Quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết (Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007) chỉ định nghĩa thành viên HĐQT độc lập là thành viên HĐQT không phải là giám đốc hoặc tổng giám đốc, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác được HĐQT bổ nhiệm hoặc cổ đông lớn của công ty. Và theo điều 11 của Quy chế, số lượng thành viên HĐQT ít nhất là 5 người và nhiều nhất là 11 người, trong đó khoảng 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập không điều hành. Các quy định hiện hành đều không nói rõ thành viên HĐQT có được hưởng lợi ích gì hay không, trong khi nhiều nước trên thế giới nêu rõ thành viên HĐQT độc lập không có lợi ích gắn bó với DN. Thực tiễn tại các nước này đã hình thành mô hình quản trị DN với đa số là thành viên HĐQT độc lập hoặc các thành viên điều hành không phải là những cổ đông lớn, do vậy phần nào hài hòa quyền lợi giữa cổ đông lớn và cổ đông thiểu số; cổ đông có thể tin tưởng và ủy quyền dự họp, thậm chí là quyền biểu quyết. Còn tại Việt Nam, do không quy định rõ nên thực tế tại một số DN, lợi ích của thành viên độc lập vẫn gắn bó chặt chẽ với DN, giống như các thành viên HĐQT bình thường khác (vẫn được lương thưởng, lợi ích vật chất khác). Như vậy, liệu việc ủy quyền đương nhiên có thực sự đem lại mục tiêu tối đa hóa quyền lợi của cổ đông?

 

Chỉ ủy quyền dự họp, có vô nghĩa?

Dự thảo chỉ dừng lại ở quy định ủy quyền đương nhiên đối với dự họp, chứ không ủy quyền đương nhiên với cả việc biểu quyết, nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, nâng cao vai trò của ĐHCĐ. Bởi lẽ, rất có thể có trường hợp thành viên HĐQT độc lập được uỷ quyền sẽ biểu quyết có lợi cho chính họ, nghiêng về lợi ích của cổ đông lớn, chứ không phải lợi ích của cổ đông thiểu số.

Tuy nhiên, liệu có là vô nghĩa hay lãng phí hay không, khi họp ĐHCĐ là để thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ, mà điều lệ hoặc Luật Doanh nghiệp bắt buộc phải được biểu quyết thông qua tại cuộc họp. "Họp mà không biểu quyết các vấn đề quan trọng thì họp làm gì? Nếu họp mà không biểu quyết các nội dung cần thiết, mà sau đó lại phải lấy ý kiến bằng văn bản hoặc triệu tập một buổi họp khác thì rõ ràng là tốn kém", bà Ngô Thị Thu Hà, Văn phòng Luật sư H&CS nói.

Do vậy, việc ủy quyền cho thành viên HĐQT độc lập để họp và biểu quyết thay cổ đông là có thể thực hiện được, với điều kiện cổ đông phải thể hiện rõ ý chí của mình bằng việc đồng ý/không đồng ý ủy quyền, chứ không thể "đương nhiên ủy quyền".

 

Có trái luật?

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Văn phòng Luật BASICO, trong khi DN mong mỏi dự thảo Nghị định 139 khẳng định chính thức việc cho phép áp dụng tỷ lệ 51% cổ phiếu có quyền biểu quyết dự ĐHCĐ là đại hội được tiến hành theo Nghị quyết 71/2006/NQ-QH11 của Quốc hội để gỡ "rào cản 65%" thì Dự thảo Nghị định lại chọn phương án ủy quyền đương nhiên, được xem là cách giải quyết vấn đề trái Luật Doanh nghiệp.

"Nói là trái Luật bởi quy định ủy quyền đương nhiên đã vô hiệu hóa các quy định rất rõ ràng tại Điều 101 của Luật Doanh nghiệp  là việc uỷ quyền cho người đại diện dự họp ĐHCĐ phải lập thành văn bản theo mẫu của công ty và phải có chữ ký của cổ đông ủy quyền và người được uỷ quyền dự họp. Và người được uỷ quyền dự họp ĐHCĐ phải nộp văn bản uỷ quyền trước khi vào phòng họp", ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng, quy định ủy quyền đương nhiên sẽ cho ra một đáp số đồng dạng là dù cho tỷ lệ tham dự cuộc họp trên thực tế chỉ là một vài phần trăm, nhưng kết quả vẫn luôn đạt con số sát 100%. Khi đó, quan điểm không chịu hạ tỷ lệ dự họp xuống 51%, mà cứ giữ nguyên tỷ lệ 65% nhằm bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ sẽ hoàn toàn vô nghĩa.